Thông báo 525/TB-VPCP năm 2023 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính Trưởng Tiểu ban Kinh tế - Xã hội tại cuộc họp lần thứ nhất của Tiểu ban do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 525/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 16/12/2023 |
Ngày có hiệu lực | 16/12/2023 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Mai Thị Thu Vân |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
VĂN PHÒNG
CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 525/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 16 tháng 12 năm 2023 |
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM MINH CHÍNH, TRƯỞNG TIỂU BAN KINH TẾ - XÃ HỘI TẠI CUỘC HỌP LẦN THỨ NHẤT CỦA TIỂU BAN
Ngày 08 tháng 12 năm 2023, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng đã chủ trì cuộc họp lần thứ nhất của Tiểu ban. Tham dự cuộc họp có các thành viên Tiểu ban và đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan, địa phương liên quan. Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo về dự kiến kế hoạch công tác của Tiểu ban và ý kiến của các đại biểu dự họp, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Tiểu ban kết luận như sau:
1. Theo Quyết định số 127-QĐ/TW ngày 13 tháng 10 năm 2023 của Ban Chấp hành Trung ương, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội có nhiệm vụ xây dựng Báo cáo 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030), Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2026-2030 trình Đại hội XIV của Đảng. Đây là các văn kiện đặc biệt quan trọng đòi hỏi các thành viên Tiểu ban, Tổ biên tập và các cấp, các ngành, các địa phương cần tập trung triển khai, nỗ lực cao nhất để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, bảo đảm chất lượng và tiến độ theo yêu cầu đề ra.
2. Nội dung Báo cáo phải bảo đảm các yêu cầu:
- Bám sát Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030).
- Đánh giá khách quan, đúng, sát thực tiễn tình hình, kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế; chỉ ra những nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm; dự báo, nhận diện rõ bối cảnh tình hình, những đặc thù, cơ hội, thách thức trong giai đoạn 2026-2030; đưa ra quan điểm, mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới phù hợp với bối cảnh, tình hình trong nước, quốc tế, vừa bảo đảm tính đột phá, khả thi, vừa có tính phấn đấu cao.
- Các quan điểm, định hướng, đột phá và nhiệm vụ, giải pháp phải dựa trên căn cứ lý luận vững chắc và sát hợp với tình hình thực tiễn; vừa kế thừa, phát huy những thành tựu của gần 40 năm đổi mới, vừa phải bổ sung, phát triển, bảo đảm phù hợp với xu hướng vận động trong nước, thế giới và yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.
- Báo cáo về kinh tế - xã hội cần nhất quán về những tư tưởng, quan điểm mức độ phù hợp, cần thiết đối với các lĩnh vực liên quan để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, đưa các chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn cuộc sống.
- Báo cáo là văn kiện quan trọng của Đảng, vì vậy cần mang tầm tư tưởng lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng chính sách lớn, nhưng cần bảo đảm thiết thực, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát, đánh giá.
3. Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Tiểu ban đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các thành viên Tiểu ban, đại diện các bộ, cơ quan, địa phương tại cuộc họp. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan giúp việc, thường trực của Tiểu ban khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ sau:
a) Nghiên cứu kỹ, tiếp thu đầy đủ các ý kiến xác đáng của các đại biểu tại Phiên họp để hoàn chỉnh Kế hoạch, lộ trình triển khai nhiệm vụ của Tiểu ban, bảo đảm cụ thể, rõ ràng, khả thi và phù hợp với yêu cầu của Trung ương.
b) Cơ bản nhất trí với dự thảo Quyết định thành lập Thường trực Tiểu ban của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đồng thời bổ sung các đồng chí: Trần Thanh Mẫn - Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Nguyễn Hòa Bình - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Trần Sỹ Thanh - Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, Phan Văn Mãi - Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành uỷ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tham gia Thường trực Tiểu ban. Trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 24 tháng 12 năm 2023.
c) Cơ bản nhất trí với dự kiến thành phần Tổ biên tập và Thường trực Tổ biên tập như dự thảo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đồng thời bổ sung thêm Phó Chủ nhiệm của Ủy ban Xã hội và Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tham gia Tổ biên tập. Trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định thành lập Tổ biên tập trong tháng 12 năm 2023.
Tổ biên tập và Thường trực Tổ biên tập do đồng chí Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm tổ trưởng với cơ cấu theo nhóm phù hợp với các nội dung của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030). Thành viên Tổ biên tập là những đồng chí có trình độ, kinh nghiệm, tinh nhuệ do các cơ quan liên quan lựa chọn và cử tham gia, đồng thời được tạo điều kiện thời gian để tham gia, thực hiện các nhiệm vụ được giao của Tổ biên tập, nhất là các đồng chí trong nhóm thường trực Tổ Biên tập.
d) Tiếp thu, hoàn thiện Quy chế hoạt động của Tiểu ban và Quy chế hoạt động của Tổ biên tập, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trước ngày 24 tháng 12 năm 2023.
đ) Chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan, địa phương liên quan tập hợp các tư liệu, dữ liệu và xây dựng bộ số liệu chung về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đồng bộ, thống nhất làm cơ sở cho việc xây dựng các văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XIV, trong đó có Tiểu ban Kinh tế - Xã hội.
4. Bộ Tài chính bố trí kinh phí hoạt động của Tiểu ban và Tổ biên tập trong dự toán chi thường xuyên hằng năm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
5. Các bộ, cơ quan, địa phương có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan thường trực của Tiểu ban trong thực hiện các nhiệm vụ liên quan, bảo đảm chất lượng và thời gian theo quy định.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các thành viên Tiểu ban Kinh tế - Xã hội và các bộ, cơ quan, địa phương liên quan biết, thực hiện./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM |