Thông báo số 524/TB-BGTVT về việc kết luận của Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng tại hội nghị triển khai Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ do Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 524/TB-BGTVT
Ngày ban hành 19/11/2007
Ngày có hiệu lực 19/11/2007
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Nguyễn Văn Công
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
*******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 524/TB-BGTVT

Hà Nội, ngày 19 tháng 11 năm 2007

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA BỘ TRƯỞNG HỒ NGHĨA DŨNG TẠI HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT 32/2007/NQ-CP CỦA CHÍNH PHỦ VỀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, SÁT HẠCH, CẤP GIẤY PHÉP LÁI XE VÀ ĐĂNG KIỂM PHƯƠNG TIỆN CƠ GIỚI ĐƯỜNG BỘ

Ngày 20, 21 tháng 9 năm 2007, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ GTVT đã tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ. Tham dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ GTVT (chủ trì hội nghị), Thứ trưởng Trần Doãn Thọ, Thứ trưởng Lê Mạnh Hùng, đại diện Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, UBND thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan đơn vị (danh sách kèm theo).

Sau khi nghe báo cáo của Cục trưởng Cục Đường bộ VN, Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN; báo cáo tham luận của một số cơ quan, đơn vị; ý kiến các đại biểu, Bộ trưởng Bộ GTVT đã kết luận như sau:

I. VỀ LĨNH VỰC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, SÁT HẠCH VÀ CẤP GIẤY PHÉP LÁI XE.

1. Từ năm 2003, thực hiện Nghị quyết số 13/2002/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp kiềm chế gia tăng và tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, chúng ta đã triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao năng lực về đào tạo, sát hạch và cấp Giấy phép lái xe để đáp ứng yêu cầu sử dụng của nhân dân. Công tác đào tạo, sát hạch và cấp Giấy phép lái xe cũng đã có những bước chuyển biến tích cực trên các mặt:

Một là, các cơ sở đào tạo lái xe đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất về phòng học chuyên môn, sân tập lái, trang thiết bị phục vụ giảng dạy; tăng cường đội ngũ giáo viên theo tiêu chuẩn quy định. Đặc biệt, trong điều kiện hết sức khó khăn về vốn và do mức thu học phí quá thấp, nhưng các cơ sở đào tạo đã tiết kiệm chi phí, chủ động đa dạng các hình thức vốn đầu tư nên đã đổi mới được gần 40% xe tập lái, một số cơ sở đào tạo đã đổi mới được 70-80% xe dạy lái. Về công tác giáo vụ, tuyển sinh, quản lý học sinh, thực hiện nội dung, chương trình đào tạo cũng được chú trọng hơn. Về thu và sử dụng học phí đào tạo lái xe được công khai và thực hiện theo quy định.

Hai là, công tác sát hạch lái xe ôtô đã có bước chuyển biến tích cực. Mặc dù vốn đầu tư cho 1 Trung tâm sát hạch lên đến hàng chục tỷ đồng, nhưng các địa phương đã có nhiều cố gắng, đầu tư xây dựng Trung tâm sát hạch lái xe ôtô theo tiêu chuẩn quy định và quy hoạch của Bộ Giao thông vận tải. Đến nay, cả nước đã xây dựng được 37 Trung tâm sát hạch lái xe ôtô với trang thiết bị hiện đại, đã được Cục Đường bộ Việt Nam và các cơ quan chức năng của Bộ Giao thông vận tải, các Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính xác nhận phù hợp tiêu chuẩn, đưa vào sử dụng. Công tác sát hạch lái xe ôtô được thực hiện tại các Trung tâm sát hạch. Thí sinh thực hiện các bài thi lý thuyết trên máy tính và thực hành trên xe có gắn thiết bị chấm điểm tự động, chất lượng sát hạch đã được nâng cao, hạn chế tới mức thấp nhất các tác động chủ quan vào kết quả sát hạch và hạn chế đáng kể tiêu cực trong công tác này.

Ba là, công tác cấp, đổi Giấy phép lái xe đã đi vào nề nếp. Nhiều Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính đã cải tiến thủ tục nên đã rút ngắn thời gian cấp, đổi Giấy phép lái xe, tạo thuận lợi cho người dân. Các quy định có liên quan đến công tác quản lý đào tạo, sát hạch và cấp Giấy phép lái xe đã được các Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính công khai để người dân biết và thực hiện được thuận lợi.

Bốn là, công tác quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch và cấp Giấy phép lái xe tiếp tục được tăng cường. Hệ thống các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Giao thông đường bộ của Bộ Giao thông vận tải tiếp tục được sửa đổi, bổ sung kịp thời, phù hợp với yêu cầu quản lý. Bộ Giao thông vận tải, các Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh công tác quản lý đào tạo, sát hạch và cấp Giấy phép lái xe; công khai các thủ tục về học, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe; duy trì các đường dây điện thoại nóng để giải thích, trả lời các kiến nghị của người dân. Nhiều Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính đã tổ chức giám sát các kỳ thi cấp Chứng chỉ cho học viên và các kỳ sát hạch lái xe.

2. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý đào tạo, sát hạch và cấp Giấy phép lái xe vẫn còn nhiều thiếu sót, đó là: một số cơ sở đào tạo vẫn còn cắt xén nội dung, chương trình đào tạo; thiếu phòng học, trang thiết bị, sân tập lái, xe tập lái; giáo viên dạy thực hành còn thiếu và chưa đạt tiêu chuẩn quy định; tuyển sinh đào tạo không đúng nội dung ghi trong Giấy phép đào tạo. Công tác quản lý đào tạo, sát hạch và cấp Giấy phép lái xe của một số Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính chưa được quan tâm đúng mức nên vẫn để xảy ra vi phạm. Cơ quan quản lý có thẩm quyền chậm ban hành hoặc sửa đổi một số văn bản còn thiếu hoặc chưa phù hợp nên cơ sở đào tạo và cơ quan quản lý đào tạo, sát hạch cấp Giấy phép lái xe khi thực hiện nhiệm vụ quản lý theo phân cấp còn có vướng mắc. Chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.

3. Để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục các tồn tại, khuyết điểm và tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe góp phần kiềm chế tai nạn và ùn tắc giao thông theo Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam, các cơ quan có liên quan của Bộ Giao thông vận tải, các Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính, các cơ sở đào tạo lái xe và các Trung tâm sát hạch lái xe trong cả nước cần nêu cao trách nhiệm và vai trò quản lý thực hiện cho được mục tiêu chung là: đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng và hạn chế tới mức thấp nhất các biểu hiện tiêu cực trong đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe. Muốn vậy, các cơ quan quản lý, các cơ sở đào tạo, các Trung tâm sát hạch phải chấp hành đúng các quy định, có cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện cụ thể. Trước mắt, đề nghị các cơ quan quản lý, các cơ sở đào tạo và các Trung tâm sát hạch thực hiện một số nhiệm vụ giải pháp chung sau:

Một là, các cơ sở đào tạo lái xe tiếp tục đầu tư để tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật chuyên môn về phòng học, sân tập lái, xe tập lái, trang thiết bị phục vụ đào tạo, lựa chọn và tập huấn đội ngũ giáo viên theo đúng tiêu chuẩn; thực hiện nội dung chương trình đào tạo lái xe theo quy định của Bộ Giao thông vận tải; quản lý chặt chẽ công tác tuyển sinh và quá trình đào tạo; thực hiện ký hợp đồng đào tạo đối với người học lái xe ôtô; thực hiện thu và sử dụng học phí đào tạo theo quy định. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Hai là, các Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính tập trung chỉ đạo các cơ sở đào tạo, các Trung tâm sát hạch tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật chuyên môn để phục vụ đào tạo, sát hạch và cấp Giấy phép lái xe. Hình thành các cơ sở đào tạo lái xe, Trung tâm sát hạch lái xe mới ở những nơi có nhu cầu. Công khai các quy định về đào tạo, sát hạch để người học và người dự sát hạch biết thực hiện và giám sát. Tăng cường công tác kiểm tra, tổ chức giám sát chặt chẽ tất cả các kỳ sát hạch lái xe và kiên quyết xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các vi phạm trong quản lý đào tạo, sát hạch và cấp Giấy phép lái xe. Kịp thời điều chuyển khỏi vị trí công tác đối với những cá nhân có sai phạm nghiêm trọng trong công tác đào tạo, sát hạch và cấp Giấy phép lái xe. Trong thanh tra, kiểm tra phải thực hiện đúng trình tự quy định, có hiệu quả, không chồng chéo và không được gây phiền hà, sách nhiễu đơn vị được kiểm tra.

Ba là, Cục Đường bộ Việt Nam chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan và các Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính tiếp tục triển khai đề án nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch và cấp Giấy phép lái xe. Tăng cường kiểm tra công tác quản lý đào tạo, sát hạch và cấp Giấy phép lái xe, nếu phát hiện có sai phạm phải xử lý nghiêm theo quy định. Tổ chức kiểm chuẩn theo định kỳ để bảo đảm độ chính xác của phương tiện, thiết bị chấm điểm tự động tại các Trung tâm sát hạch lái xe đã đưa vào sử dụng. Tiếp tục hướng dẫn các Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính xây dựng Trung tâm sát hạch lái xe ở những nơi có nhu cầu. Rà soát, đề xuất Bộ Giao thông vận tải và các Bộ ngành có liên quan kịp thời bổ sung, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về công tác quản lý đào tạo, sát hạch và cấp Giấy phép lái xe, sớm triển khai đề án đổi mới quản lý Giấy phép lái xe trong toàn quốc.

Bốn là, phải gắn công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe với công tác nâng cao chất lượng, hiệu quả vận tải và bảo đảm an toàn trong vận tải đường bộ.

II. VỀ LĨNH VỰC ĐĂNG KIỂM PHƯƠNG TIỆN XE CƠ GIỚI ĐƯỜNG BỘ

1. Kết quả đạt được

Mục tiêu của Hội nghị này nhằm tổng kết lại công tác đăng kiểm phương tiện xe cơ giới sau 12 năm tiếp nhận công tác đăng kiểm từ Bộ Công an, đồng thời để triển khai nghiêm túc Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ. Qua báo cáo của các tham luận cho thấy công tác đăng kiểm đã làm được nhiều việc từ công tác quản lý đến việc triển khai tại các cấp, đó là:

- Đã xây dựng được một mạng lưới công tác đăng kiểm khắp toàn quốc gồm nhiều trung tâm đăng kiểm, đây là một cố gắng rất lớn của Cục Đăng kiểm Việt Nam và các Sở địa phương. Chủ trương XHH công tác đăng kiểm của Đảng và Nhà nước là đúng đắn vì việc xã hội hóa sẽ huy động được vốn đầu tư, giảm áp lực về công tác đăng kiểm tại các thành phố lớn,.. Kết quả đến nay cho thấy các trung tâm đã đi vào hoạt động có kết quả tốt. Do vậy, Cục cần sớm có báo cáo đánh giá tổng kết để trình Bộ.

- Đã đào tạo được một đội ngũ ĐKV, cán bộ nghiên cứu có năng lực để hội nhập quốc tế, làm chủ được trang bị và cơ sở vật chất. Với thiết bị hiện đại này đã hạn chế được can thiệp của con người vào kết quả kiểm định.

- Công tác quản lý nhà nước được thiết chặt thông qua Hệ thống các văn bản pháp lý gồm các Nghị định, quyết định của Chính phủ, Bộ GTVT, hệ thống các tiêu chuẩn gồm trên 150 tiêu chuẩn (TCVN, TCN), các hướng dẫn kỹ thuật, quy trình, các phần mềm,…

- Có sự phối hợp hiệu quả giữa các ngành GTVT, Công an, để quản lý phương tiện.

Thành tựu này đã góp phần làm cho phương tiện được thay đổi về căn bản, phương tiện đã có chất lượng hơn, đẹp hơn, an toàn hơn và ít tai nạn hơn do nguyên nhân kỹ thuật gây ra.

2. Những tồn tại

Với những kết quả đạt được ở trên là đáng khích lệ, song những hạn chế, tồn tại vẫn còn, đó là:

- Tồn tại ở một số cán bộ nhân viên kiểm tra không đúng, nhận tiền của lái xe dẫn đến làm sai lệch kết quả kiểm định. Các dịch vụ cò đăng kiểm, sửa chữa … vẫn còn xảy ra, đã có Trung tâm của Sở bị Công an đang điều tra.

- Còn tồn tại lỗ hổng trong công tác đăng kiểm đó là gần 300.000 phương tiện chưa được đăng kiểm (theo báo cáo của Cục Cảnh sát giao thông). Còn nhiều xe ôtô chở khách hết niên hạn vẫn còn sử dụng, còn các xe sử dụng giấy tờ giả, xe hết niên hạn tham gia giao thông.

[...]
1
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ