Thông báo 44/TB-VPCP ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2013 của ngành công thương do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 44/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 25/01/2013 |
Ngày có hiệu lực | 25/01/2013 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Nguyễn Hữu Vũ |
Lĩnh vực | Doanh nghiệp |
VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 44/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 25 tháng 01 năm 2013 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ KẾ HOẠCH NĂM 2013 CỦA NGÀNH CÔNG THƯƠNG
Ngày 11 tháng 01 năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2012 và triển khai kế hoạch công tác năm 2013 của ngành Công Thương. Tham dự Hội nghị có Lãnh đạo Bộ Công Thương, Sở Công Thương và các đơn vị, tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ; đại diện một số Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Bộ, ngành liên quan, Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe Bộ Công Thương báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2012 và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm của ngành Công Thương, ý kiến của các đại biểu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận như sau:
1. Tình hình chung:
Năm 2012, kinh tế thế giới và kinh tế trong nước gặp rất nhiều khó khăn. Khủng hoảng tài chính toàn cầu lan rộng; tăng trưởng thương mại toàn cầu thấp hơn so với dự báo đầu năm, trong đó tăng trưởng của các nền kinh tế lớn là đối tác thương mại, đầu tư lớn của nước ta sụt giảm... đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước ta. Ở trong nước, lạm phát tăng cao năm 2011 tiếp tục tác động mạnh tới kinh tế trong nước, đặc biệt là những tháng đầu năm 2012; hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sụt giảm mạnh, tăng trưởng thấp so với dự báo đầu năm, tỷ lệ hàng tồn kho cao; kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc, tái cơ cấu kinh tế gắn với giải quyết tình trạng nợ xấu, xử lý hàng tồn kho còn chậm; nhiều doanh nghiệp bị ngừng sản xuất, giải thể, lao động mất việc làm, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn; thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp...
Nhìn lại tổng thể thành tựu đạt được của năm 2012, chúng ta đã thực hiện có kết quả việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, cơ bản ổn định tỷ giá, lãi suất giảm góp phần hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định hơn; các cân đối lớn được đảm bảo, cán cân thương mại, cán cân thanh toán được cải thiện, dự trữ ngoại hối tăng lên, cân đối ngân sách đảm bảo, nợ công trong giới hạn an toàn, các chỉ số tài chính quốc gia lành mạnh hơn. Trong điều kiện kinh tế toàn cầu suy giảm, tổng sản phẩm trong nước (GDP) vẫn tăng trên 5% là kết quả tích cực. An sinh xã hội được đảm bảo: y tế, giáo dục, việc làm tăng; hộ nghèo giảm; thất nghiệp ở đô thị giữ ở mức 4%; giải quyết hơn 1,5 triệu việc làm mới; các chính sách an sinh xã hội, chăm lo người có công, đồng bào nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm và đảm bảo. Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế. Đảm bảo an ninh quốc phòng, chính trị xã hội, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
2. Về thực hiện nhiệm vụ năm 2012 của ngành Công Thương:
Đánh giá cao, biểu dương những nỗ lực, cố gắng và những thành tựu đã đạt được của ngành Công Thương trong thời gian vừa qua. Ngành đã khắc phục khó khăn, phấn đấu và đạt được thành tựu khá toàn diện, đóng góp tích cực vào việc thực hiện có kết quả mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội mà Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã đề ra, cụ thể:
- Sản xuất công nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh. Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2012 tăng 4,8% so với năm 2011, mặc dù là mức thấp hơn so với năm trước nhưng mức tăng quý sau cao hơn quý trước, cho thấy sự phục hồi dần của sản xuất công nghiệp và góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP của cả nước 5,0% (nếu tính theo giá 2010, là tăng trên 5,2%), là mức tăng trưởng khá trong điều kiện kinh tế thế giới và trong nước hết sức khó khăn, đồng thời phải thực hiện ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát.
- Cơ cấu công nghiệp đang có những chuyển dịch khá tích cực; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo ngày càng tăng, tỷ trọng của ngành khai khoáng giảm mạnh. Sản xuất và các cân đối lớn về hàng hóa, hàng tiêu dùng và những mặt hàng thiết yếu như điện, than, xăng dầu, phân bón,... về cơ bản được đảm bảo theo hướng bền vững hơn. Nhiều dự án đầu tư có quy mô lớn đã được thực hiện và đi vào hoạt động, góp phần nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước, giảm nhập khẩu và tăng cường xuất khẩu. Khả năng cạnh tranh hàng công nghiệp từng bước được nâng lên.
- Thực hiện có kết quả chỉ đạo của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giảm hàng tồn kho, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Tình hình giải quyết hàng tồn kho trong lĩnh vực chế biến, chế tạo nhìn chung đã có kết quả tốt, giảm từ 34,9% trong tháng 1 năm 2012 còn 20% tại thời điểm tháng 12 năm 2012.
- Quy mô và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa đều vượt các chỉ tiêu đề ra. Tăng trưởng xuất khẩu tăng trên 18%, là một trong những điểm sáng của kinh tế Việt Nam năm 2012 và thể hiện sức cạnh tranh của nền kinh tế. Kết quả này là nỗ lực lớn của ngành Công Thương trong các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, cải cách thủ tục hành chính, tận dụng các hiệp định thương mại đã ký kết... Nhập khẩu đã phục vụ tốt cho nhu cầu sản xuất và nhu cầu tiêu dùng trong nước, đồng thời giảm nhập khẩu những hàng hóa trong nước đã sản xuất được góp phần cải thiện cán cân thương mại và cán cân thanh toán quốc tế. Các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ cũng có những nỗ lực lớn, đóng góp vào kết quả chung của ngành. Đã thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả quản trị để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được nêu trên, một số lĩnh vực của ngành Công Thương vẫn còn bộc lộ những tồn tại, bất cập, cần sớm tập trung chỉ đạo quyết liệt để khắc phục, đó là:
- Tăng trưởng công nghiệp chủ yếu theo chiều rộng, mức độ gia công còn khá cao, chưa đầu tư nhiều để phát triển theo chiều sâu. Chuyển dịch cơ cấu công nghiệp còn chậm. Khả năng cạnh tranh một số sản phẩm còn hạn chế, lượng hàng tồn kho lớn. Chất lượng công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch chưa đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đề ra. Năng lực sản xuất mới ở một số ngành như giấy, hóa chất cơ bản, công nghiệp hóa dược, cơ khí chế tạo, công nghiệp điện tử, sản xuất sợi, công nghiệp hỗ trợ... tăng chậm, chưa có kết quả rõ ràng. Chưa hình thành được các ngành công nghiệp công nghệ cao, ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh vượt trội; chưa định hình được các ngành công nghiệp nền tảng, then chốt cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
- Thị trường trong nước phát triển chưa bền vững; hàng tồn kho còn lớn, nợ xấu cao. Xuất khẩu tuy tăng trưởng ở mức cao nhưng chưa bền vững, tăng trưởng xuất khẩu vẫn chủ yếu dựa vào khu vực FDI. Nhập khẩu nhiều nguyên, nhiên liệu, vật tư đầu vào của sản xuất phụ thuộc lớn vào thị trường cung cấp ở nước ngoài.
- Quản lý nhà nước về thương mại chưa theo kịp với thực tiễn hoạt động thương mại, dịch vụ. Một số quy định trong cơ chế, chính sách còn chưa hợp lý và chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước về thương mại, thị trường. Công tác quản lý thị trường chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, tạo ra những kẽ hở khiến tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại vẫn tồn tại.
3. Nhiệm vụ năm 2013 của ngành Công Thương:
Năm 2013 là năm bản lề Kế hoạch 5 năm 2011-2015, bên cạnh những thành tựu, thuận lợi, đất nước ta vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Tình hình kinh tế thế giới và khu vực được dự báo tuy có một số thuận lợi nhưng vẫn tiềm ẩn những nhân tố bất ổn, ở trong nước kinh tế vĩ mô chưa vững chắc, lạm phát vẫn có nguy cơ tăng cao trở lại. Sản xuất kinh doanh và giải quyết việc làm còn gặp nhiều khó khăn; nguồn lực của doanh nghiệp và thu nhập dân cư sụt giảm. Niềm tin của thị trường còn ở mức thấp.
Để góp phần triển khai tốt kế hoạch kinh tế, xã hội năm 2013, yêu cầu ngành Công Thương triển khai đồng bộ ngay từ những ngày đầu, tháng đầu các nhiệm vụ và giải pháp được giao trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ, trong đó cần tập trung thực hiện những việc sau đây:
a) Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường.
- Bộ Công thương cần tăng cường phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng để kịp thời nắm bắt thông tin, tình hình và định hướng thị trường tiêu thụ. Chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp về tiếp cận tín dụng, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, các chính sách hỗ trợ về thuế, phí; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường, tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng tồn kho. Trước hết là đối với các sản phẩm sắt thép, xi măng, vật liệu xây dựng. Đồng thời Bộ Công Thương cần tích cực triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ thị trường đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.
- Tiếp tục có biện pháp đẩy mạnh việc sử dụng sản phẩm của nhau giữa các tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ; chương trình đưa hàng về nông thôn, khuyến khích hình thành liên kết các doanh nghiệp theo chuỗi giá trị để hỗ trợ, tiêu thụ sản phẩm của nhau, hợp tác sản xuất nâng cao giá trị sản xuất trong nước của từng sản phẩm. Thực hiện sáng tạo, hiệu quả hơn Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
- Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra thị trường, nhất là tại các điểm nóng, vùng giáp biên, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng. Triển khai trên phạm vi rộng hơn mô hình bình ổn giá của Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô đồng thời có lợi cho người tiêu dùng.
- Trước mắt, ngành công thương và nhất là các địa phương cần tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp bảo đảm cung cầu hàng hóa, giữ ổn định thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ; không để thiếu hàng, sốt giá, nhất là những mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, lương thực, thực phẩm để góp phần thực hiện kiểm soát lạm phát ngay từ đầu năm. Hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra việc áp dụng rộng rãi mô hình chương trình bình ổn thị trường, bình ổn giá, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng.
b) Tăng cường quản lý nhà nước, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xuất khẩu, kiểm soát hợp lý nhập khẩu.
- Tiếp tục coi nhiệm vụ đẩy mạnh xuất khẩu là nhiệm vụ hàng đầu, không chủ quan và thỏa mãn về những thành tích đã đạt được trong năm 2012. Mục tiêu đề ra là hoàn thành và hoàn thành vượt chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu (khoảng 10%).
- Tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp về vốn, thủ tục hành chính, thông tin thị trường để thúc đẩy sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu, tạo việc làm cho người lao động. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến về hội nhập và việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để đảm bảo khai thác tối đa các FTA đã ký; tập trung các thị trường đã có, thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, đồng thời tích cực tìm kiếm, mở rộng các thị trường mới như Nam Mỹ, Trung Đông, châu Phi...
- Tiếp tục đàm phán các hiệp định thương mại tự do để tạo thị trường cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Khu vực Thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối EFTA, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh thuế quan gồm Nga, Belarus và Cazacxtan.