Thông báo 409/TB-VPCP năm 2015 ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 409/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 23/12/2015 |
Ngày có hiệu lực | 23/12/2015 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Nguyễn Khắc Định |
Lĩnh vực | Thương mại,Văn hóa - Xã hội |
VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 409/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 23 tháng 12 năm 2015 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VŨ ĐỨC ĐAM TẠI CUỘC HỌP HỘI ĐỒNG QUỐC GIA VỀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VÀ NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH
Ngày 10 tháng 12 năm 2015, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh đã chủ trì cuộc họp của Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh (sau đây viết tắt là Hội đồng) để thảo luận về Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 - 2016 và bàn triển khai Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) trong Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Sau khi nghe đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ trình bày tóm tắt ý kiến về các báo cáo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình và ý kiến phát biểu của các thành viên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng đã kết luận như sau:
1. Hội đồng ghi nhận và đánh giá cao các báo cáo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị và các ý kiến phát biểu tâm huyết, thẳng thắn của các thành viên Hội đồng.
2. Về triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc.
Nhất trí với nội dung Báo cáo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị. Báo cáo đã nêu rõ những thuận lợi, khó khăn và thách thức của nước ta khi thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc. Hội đồng sẽ tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Chương trình tổng thể và Kế hoạch hành động 5 năm 2016 - 2020 thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững ở Việt Nam, trình Chính phủ trong tháng 3 năm 2016, trong đó xác định rõ những mục tiêu ưu tiên, những trọng tâm, trọng điểm theo lộ trình phù hợp; tham khảo, vận dụng hệ thống chỉ số và các hướng dẫn của Liên hợp quốc để xác định các chỉ tiêu phù hợp với Việt Nam.
- Các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, lồng ghép các mục tiêu Phát triển bền vững vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương mình.
- Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm việc với các nhà tài trợ để huy động hỗ trợ của quốc tế cho việc triển khai thực hiện các mục tiêu Phát triển bền vững.
3. Về tình hình thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ.
Hai năm qua, hoạt động của Hội đồng tập trung vào cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP (năm 2014, 2015) của Chính phủ, là một trong những chính sách được cộng đồng doanh nghiệp và xã hội hết sức quan tâm, kỳ vọng và đã tạo ra những chuyển biến tích cực. Để duy trì kết quả và thúc đẩy các hoạt động nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Hội đồng nhất trí đề nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết 19 hàng năm.
Nghị quyết năm 2016 cần tập trung vào các vấn đề:
- Đánh giá kết quả thực hiện năm 2015 khách quan, cụ thể, thẳng thắn, những việc đã làm được, chưa làm được. Công khai, minh bạch, nêu rõ các Bộ, ngành, địa phương triển khai tích cực và có hiệu quả rõ rệt;
- Phương hướng tới vẫn có những nội dung, nhiệm vụ, giải pháp phải làm nhiều năm, cần tiếp tục thực hiện; xác định rõ, lựa chọn những chỉ số về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh mà Ngân hàng Thế giới (WB) và Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã xếp hạng, tập trung vào những chỉ số tụt hạng phải tập trung để nâng bậc; những chỉ số chưa đạt phải lấy khoảng cách còn lại theo chỉ tiêu ASEAN-4; nâng hạng các chỉ tiêu đã đạt;
- Đưa vào một số chỉ tiêu (chọn lọc, thiết thực nhất) về năng lực cạnh tranh;
- Thể hiện rõ mối liên hệ giữa Nghị quyết 19 với Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể về cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2020, Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2015 về Chính phủ điện tử; đặc biệt là đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng Bộ, ngành, quy định rõ thời hạn, rõ trách nhiệm;
- Có cơ chế tiếp thu ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp. Tập trung giải quyết dứt điểm các vướng mắc từ cơ sở; đẩy mạnh hoạt động của Diễn đàn tiếp nhận, giải quyết kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp;
- Chú trọng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và đầu tư mạo hiểm;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về Năng suất lao động gắn với đổi mới sáng tạo, trình Chính phủ tại Phiên họp thường kỳ tháng 02 năm 2016. Chú trọng các ngành nông nghiệp, công nghệ thông tin, du lịch.
4. Về tổ chức và hoạt động của Hội đồng
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với bộ phận thường trực của Hội đồng rà soát lại về tổ chức và hoạt động của Hội đồng, trình Chủ tịch Hội đồng xem xét, quyết định việc điều chỉnh tổ chức và hoạt động của Hội đồng nếu cần thiết.
- Trong năm 2016, Hội đồng sẽ tổ chức thực hiện một số chuyên đề, báo cáo chuyên sâu về những vấn đề bức xúc, những nút thắt, điểm nghẽn đang gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, cản trở sự phát triển, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các thành viên Hội đồng và các Bộ, cơ quan, địa phương biết, thực hiện./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM |