Thông báo 475/TB-VPCP năm 2018 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 475/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 25/12/2018 |
Ngày có hiệu lực | 25/12/2018 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Nguyễn Cao Lục |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 475/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 25 tháng 12 năm 2018 |
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH ĐẮK LẮK
Ngày 08 tháng 12 năm 2018, tại trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tỉnh. Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Tài chính, Giao thông vận tải, Công Thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Văn phòng Chính phủ và đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Sau khi nghe Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh năm 2018, nhiệm vụ năm 2019 và một số đề nghị của Tỉnh, ý kiến bổ sung của các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy; ý kiến phát biểu của lãnh đạo các Bộ, cơ quan tham dự, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận như sau:
Thay mặt Chính phủ, đánh giá cao, biểu dương sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền, đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Lắk và những thành tựu quan trọng mà Tỉnh đã đạt được trong những năm qua, đặc biệt là trong năm 2018, đóng góp quan trọng vào kết quả chung của cả nước. Năm 2018, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, Tỉnh đã bám sát chủ trương, nhiệm vụ Chính phủ giao và có những giải pháp tích cực để phát huy tiềm năng, thế mạnh, nhất là về nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, năng lượng, thương mại, du lịch và đã thu được những kết quả khả quan: Có 17/18 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra; tăng trưởng kinh tế đạt cao hơn năm 2017 và cao hơn tăng trưởng GDP cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm dần tỷ trọng khu vực nông, lâm, thủy sản và tăng dần tỷ trọng khu vực dịch vụ; tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt cao hơn năm trước và vượt kế hoạch. Đã hình thành những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô lớn; giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng so với cùng kỳ; công tác trồng rừng đạt kết quả khá. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, góp phần thúc đẩy đầu tư tư nhân tăng nhanh. Cơ sở hạ tầng du lịch được tăng cường đầu tư, tạo điều kiện cho ngành du lịch tăng trưởng cả về số lượt khách và doanh thu. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định; an ninh biên giới được giữ vững, quan hệ đối ngoại được duy trì và phát triển. công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh được quan tâm thường xuyên.
Qua 9 năm thực hiện Kết luận số 60-KL/TW ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Bộ Chính trị, thành phố Buôn Ma Thuột đã hoàn thành nhiều mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và có bước phát triển đúng hướng trở thành trung tâm vùng Tây Nguyên.
Tuy nhiên, Đắk Lắk vẫn còn một số khó khăn, thách thức: Quy mô nền kinh tế chưa tương xứng tiềm năng, thế mạnh. Hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông còn hạn chế; chưa phát huy được hết thế mạnh về nông lâm nghiệp. Độ che phủ rừng chưa đạt mục tiêu đề ra, việc quản lý rừng và đất đai vẫn còn hạn chế, bất cập. Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn nhiều khó khăn, tính cạnh tranh không cao. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) còn thấp. Khu vực kinh tế tư nhân, hợp tác xã chưa thực sự phát triển; số doanh nghiệp đã thành lập bị giải thể, ngừng hoạt động còn nhiều. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả thấp so với bình quân chung cả nước. Đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số chưa được giảm mạnh; tình trạng di dân tự do còn diễn biến phức tạp. Tình trạng thừa, thiếu cục bộ biên chế của ngành giáo dục và y tế chưa được giải quyết kịp thời. An ninh, trật tự trên một số địa bàn, lĩnh vực còn tiềm ẩn phức tạp.
II. VỀ NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI
Cơ bản đồng ý với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu trong báo cáo của Tỉnh, nhấn mạnh một số nội dung chủ yếu sau đây:
1. Là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh, có diện tích lớn và cộng đồng các dân tộc giàu bản sắc văn hóa, Đắk Lắk có tiềm năng, lợi thế rất lớn để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là về nông nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng, thương mại, du lịch. Thời gian tới, Đắk Lắk cần động viên mạnh mẽ tinh thần, ý chí cách mạng kiên cường của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc, để thực hiện cùng lúc hai nhiệm vụ chiến lược là phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững biên cương của tổ quốc, cần xây dựng chiến lược phát triển đúng đắn, trong đó chiến lược phát triển ngành giao thông vận tải cần quan tâm đặc biệt, chủ động đáp ứng nhu cầu phát triển của Tỉnh và vùng Tây Nguyên.
2. Tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Triển khai tốt các nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Chính phủ (sẽ ban hành ngày 01 tháng 01 năm 2019) ngay từ những ngày đầu, tháng đầu; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong năm 2019 và tạo đà cho những năm tiếp theo.
Phấn đấu tốc độ tăng trưởng cao hơn mục tiêu đề ra 9%; GDP bình quân đầu người năm 2020 phải bằng bình quân cả nước. Huy động mọi nguồn đầu tư, đặc biệt là vốn ngoài nhà nước. Phấn đấu tăng thu ngân sách, chống thất thu, với mục tiêu trước năm 2025 tỉnh tự cân đối được ngân sách.
3. Định hướng phát triển một số lĩnh vực kinh tế - xã hội then chốt
a) Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp xanh, sạch, công nghệ cao. Phấn đấu giá trị sản xuất ngành nông lâm nghiệp tăng bình quân trên 5%/năm. Tăng cường thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện ứng dụng khoa học công nghệ cao gắn với đổi mới hình thức tổ chức sản xuất; tăng cường chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng, xây dựng và quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm quan trọng của Tỉnh. Phát triển sản xuất kinh doanh cà phê - một báu vật thiên nhiên dành cho Đắk Lắk - theo chuỗi giá trị, để cà phê Buôn Ma Thuột trở thành ngành hàng có hàm lượng giá trị gia tăng cao, một sản phẩm có sức mạnh mang tầm thế giới.
Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, tập trung xử lý đất rừng bị lấn chiếm trái phép. Có giải pháp để xóa bỏ tình trạng đất đai nông lâm trường cho thuê theo kiểu "phát canh thu tô", thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó có hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo theo chính sách nhà nước đã ban hành. Đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
b) Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp hàng năm tăng trên 10%. Tỉnh phối hợp với Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoàn thiện bổ sung quy hoạch, thúc đẩy triển khai các dự án năng lượng tái tạo; phát triển cơ sở hạ tầng truyền tải điện. Chú trọng phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, dệt may, chế biến gỗ; nghiên cứu để Đắk Lắk trở thành một trung tâm sản xuất và chế biến đồ gỗ xuất khẩu từ gỗ rừng trồng. Đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư vào khu, cụm công nghiệp với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ để tăng tỷ lệ lấp đầy.
c) Huy động các nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng. Quản lý chặt chẽ và sử dụng ngân sách tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định. Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đi liền với tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai các dự án du lịch và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng khách du lịch trên 15%/năm; doanh thu du lịch tăng trên 10%/năm.
d) Tăng cường phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội; gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng của con người và vùng đất Tây Nguyên, tạo sức hút phát triển du lịch, dịch vụ. Văn hóa và du lịch cần là định hướng chủ đạo cho phát triển Đắk Lắk. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm. Huy động, lồng ghép các nguồn lực đầu tư các chương trình, dự án thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo. Phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành liên quan tổng kết thực hiện chính sách dân tộc thời gian qua, đề xuất xây dựng chính sách dân tộc giai đoạn 2021 - 2025. Xây dựng các mô hình mới phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội.
4. Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Thường xuyên đối thoại, kịp thời xử lý những phản ánh và kiến nghị của doanh nghiệp, người dân, nhất là ở cấp cơ sở.
5. Rà soát, đánh giá kết quả thực hiện Kết luận 60 của Bộ Chính trị để đề xuất với Trung ương, Chính phủ giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, tiếp tục xây dựng và phát triển Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên với đầy đủ các chức năng (đầu mối giao thông, trung tâm kinh tế, thương mại, du lịch, giải trí, trung tâm giáo dục, đào tạo, trung tâm y tế) và các đặc tính ưu việt (môi trường đầu tư hấp dẫn, xã hội bình yên, con người thân thiện).
6. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, trong đó đặc biệt quan tâm đến quản lý về quy hoạch, đất đai, tài nguyên, môi trường... Kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác, chế biến, kinh doanh tài nguyên, khoáng sản.
7. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, xây dựng Chính quyền điện tử. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Các cấp ủy đảng, chính quyền Tỉnh phải đề cao trách nhiệm công vụ, chất lượng cán bộ, công chức, hướng đến một chính quyền liêm chính, hành động, phục vụ doanh nghiệp và người dân. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng, lãng phí.
8. Giải quyết, xử lý đúng pháp luật và dứt điểm các vụ khiếu nại, tố cáo, nhất là khiếu nại tố cáo đông người, không để trở thành điểm nóng. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường trấn áp tội phạm, trong đó phải kiên quyết loại bỏ khỏi đời sống xã hội hoạt động “tín dụng đen”. Duy trì và phát triển tốt mối quan hệ hợp tác với các tỉnh biên giới Campuchia.
9. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn đảng. Quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt các Chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, nhất là về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
III. VỀ MỘT SỐ ĐỀ NGHỊ CỦA TỈNH
1. Về đề nghị các bộ, ngành hỗ trợ Tỉnh tổng kết thực hiện Kết luận số 60-KL/TW ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Bộ Chính trị: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan hỗ trợ Tỉnh trong quá trình tổng kết thực hiện Kết luận số 60-KL/TW của Bộ Chính trị và xây dựng Đề án tiếp tục xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên giai đoạn 2020-2030, báo cáo Ban cán sự đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
2. Về đề nghị được hưởng chính sách giá điện theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ đến hết năm 2020: Bộ Công Thương và các Bộ, cơ quan liên quan thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 11886/VPCP-QHĐP ngày 06 tháng 12 năm 2018.
Về đề nghị Bộ Công thương sớm phê duyệt bổ sung quy hoạch các dự án điện mặt trời đã được thẩm định: Bộ Công Thương xem xét việc phê duyệt bổ sung quy hoạch các dự án điện mặt trời đã được thẩm định theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm các yêu cầu phê duyệt bổ sung riêng lẻ các dự án vào quy hoạch điện lực, theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 434/TB-VPCP ngày 20 tháng 11 năm 2018; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.