Thông báo 3311/TB-BNN-VP ý kiến kết luận của Bộ trưởng Cao Đức Phát tại Hội nghị sơ kết công tác chỉ đạo điều hành 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2012 của Bộ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Số hiệu | 3311/TB-BNN-VP |
Ngày ban hành | 11/07/2012 |
Ngày có hiệu lực | 11/07/2012 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Người ký | Nguyễn Văn Việt |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
BỘ
NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3311/TB-BNN-VP |
Hà Nội, ngày 11 tháng 07 năm 2012 |
Ngày 29 tháng 6 năm 2012, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã chủ trì Hội nghị sơ kết công tác chỉ đạo điều hành 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2012 của Bộ. Tham dự Hội nghị có đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ: Kế hoạch và đầu tư, Tài chính, Công an; các Thứ trưởng; tập thể lãnh đạo các Tổng cục, Cục, Vụ, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ; Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục, Trung tâm, Viện, Trường Đại học, Trường quản lý trực thuộc Bộ; Đảng ủy Bộ, Công đoàn cơ quan Bộ, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh Bộ.
Sau khi nghe các đơn vị báo cáo và ý kiến của đại biểu tham dự Hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN 6 THÁNG ĐẦU NĂM
Trong 6 tháng đầu năm 2012, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng Bộ đã nghiêm túc thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ; bám sát tình hình thực tiễn, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo quyết liệt, khắc phục kịp thời những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi phát triển các ngành sản xuất, kinh doanh, đồng thời triển khai đồng bộ các nhiệm vụ về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi, phát triển nông thôn.
Với những nỗ lực nêu trên, toàn ngành đã đạt được những kết quả tích cực như: sản xuất ở tất cả các lĩnh vực tiếp tục phát triển và có sự tăng trưởng khá; giá trị sản lượng tăng 3,76%, GDP tăng 2,8%; giá trị xuất khẩu đạt 13,67 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước, mức thặng dư thương mại đạt 5,5 tỷ USD; xây dựng cơ bản đạt 50% khối lượng; tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới, có 65% số xã hoàn thành quy hoạch, 45% số xã hoàn thành xây dựng Đề án nông thôn mới, một số nơi đã triển khai thực hiện các nội dung ưu tiên; đẩy mạnh triển khai nhiệm vụ nghiên cứu, chuyển giao KHCN; về hợp tác quốc tế, đã tổ chức thành công Hội nghị FAO khu vực Châu Á Thái Bình dương lần thứ 31, phát triển quan hệ với nhiều tổ chức quốc tế, huy động nguồn lực lớn đầu tư cho ngành; đạt được nhiều kết quả về cải cách hành chính, ban hành và triển khai thực hiện nhiều đề án, chương trình, văn bản pháp quy, nghiêm túc thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Những kết quả trên, đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.
2. Một số khó khăn, tồn tại chính
Mặc dù, toàn ngành đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn còn có nhiều khó khăn, tồn tại như: Giá của nhiều mặt hàng nông sản nông lâm thủy sản giảm mạnh từ 30-60% (cá tra giảm 30%, lúa giảm 30%, tôm hùm giảm 60%, thịt lợn hơi giảm 50%...); an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng nông sản, vật tư nông nghiệp còn nhiều tồn tại, tỷ lệ cơ sở loại C trong số cơ sở đã được kiểm tra theo Thông tư “14” còn cao; dịch bệnh trên tôm và gia súc, gia cầm vẫn diễn ra hết sức phức tạp (35.000 ha nuôi tôm bị thiệt hại, dịch bệnh trên nghêu, cá tra tiếp tục gia tăng, dịch bệnh tai xanh chưa được dập tắt); tình trạng phá rừng trái pháp luật có giảm số vụ so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên còn gay gắt và phức tạp ở nhiều nơi; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thực hiện chậm, đặc biệt là tại các địa phương miền núi, miền Trung; xây dựng các đề án, văn bản pháp quy và triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành còn chậm; quản lý điều hành ở một số lĩnh vực còn bất cập, một số đơn vị còn thụ động, giải quyết công việc chậm, tuân thủ Quy chế làm việc chưa nghiêm, sự phối hợp giữa các đơn vị thiếu chặt chẽ, chưa kịp thời, đặc biệt là phối hợp với các địa phương.
II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM 6 THÁNG CUỐI NĂM
Sáu tháng cuối năm 2012, toàn ngành tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được giao, tập trung vào một số nhiệm vụ sau:
Các đơn vị thuộc Bộ cùng với toàn ngành tiếp tục nỗ lực tham gia thực hiện nhiệm vụ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội bằng cách:
- Duy trì, phát triển sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.
- Mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, tiêu thụ nông lâm thủy sản.
- Thúc đẩy phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo.
- Triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành.
- Kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, triển khai thực hiện kế hoạch CCHC, Luật PCTN, Luật THTKCLP.
- Về trồng trọt – bảo vệ thực vật: Sớm chuẩn bị cho sản xuất vụ Thu Đông, vụ Đông, tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, mùa vụ, đồng thời chuẩn bị tốt để thực hiện thắng lợi vụ Đông Xuân 2012 – 2013; tiếp tục hướng dẫn đẩy mạnh thâm canh các loại cây công nghệp, phát triển cây ăn trái (đặc biệt quan tâm xử lý bệnh chổi rồng trên nhãn tại các tỉnh Nam Bộ); hướng dẫn các địa phương điều chỉnh quy mô sản xuất sắn.
- Về chăn nuôi – thú y: Quyết liệt thực hiện kiểm soát dịch bệnh tai xanh trong tháng 7, kiểm tra việc sử dụng vắc xin ở một số tỉnh; đề xuất giải pháp, chính sách cụ thể hỗ trợ phát triển chăn nuôi, nhất là cấp độ gia đình; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Công an để xử lý tận gốc tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
- Về thủy sản: Tiếp tục tập trung cao độ, huy động tối đa lực lượng cán bộ, chuyên gia khoa học trong và ngoài nước làm rõ nguyên nhân gây bệnh trên tôm, nghêu, tu hài….; hướng dẫn quy trình sản xuất khoa học, áp dụng tiến bộ kỹ thuật cho người dân; đề xuất chính sách hỗ trợ riêng cho nông dân bị thiệt hại; đề xuất chính sách tháo gỡ khó khăn đối với sản xuất, kinh doanh cá tra, hoàn thiện lại dự thảo Nghị định về cá tra, Nghị định về Kiểm ngư, tiếp tục hướng dẫn xây dựng tổ đội đoàn kết trên biển; nghiên cứu đề xuất chính sách hỗ trợ nâng cấp thiết bị bảo quản hải sản đánh bắt, đặc biệt là đối tượng đánh bắt tại các vùng biển xa.
- Về Lâm nghiệp: Tập trung cao công tác chỉ đạo, phối hợp với các địa phương để đấu tranh quyết liệt đối với tình trạng phá rừng; hỗ trợ các địa phương thực hiện các nhiệm vụ về phát triển lâm nghiệp, tập trung bảo vệ, trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng; đề xuất chính sách hỗ trợ người rồng rừng gỗ lớn.
- Về chế biến thương mại nông lâm thủy sản: Đề xuất chính sách, hướng dẫn áp dụng công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, phát triển cơ giới hóa; theo dõi sát sao, nắm bắt kịp thời, đề xuất các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chế biến và làng nghề về thị trường, vốn sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh Chương trình xúc tiến thương mại, phát triển thị trường chủ động, tích cực hơn.
- Về thủy lợi: Tập trung chỉ đạo các địa phương, đơn vị sẵn sàng ứng phó với thiên tai; triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả khai khác các công trình thủy lợi; thực hiện kế hoạch XDCB đảm bảo chất lượng; hoàn thiện và nâng cao chất lượng quy hoạch, xây dựng công trình.
- Về xây dựng nông thôn mới, đổi mới nông lâm trường quốc doanh, doanh nghiệp: Tiếp tục triển khai sâu rộng Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; nắm lại tình tình hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp; hoàn thành Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về phát triển kinh tế tập thể, Báo cáo tổng kết về sắp xếp, đổi mới và phát triển nông lâm trường quốc doanh theo Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 16/6/2003 của Bộ Chính trị; thúc đẩy việc triển khai thực hiện Kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp.