Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông báo 249/TB-VPCP năm 2024 kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 249/TB-VPCP
Ngày ban hành 31/05/2024
Ngày có hiệu lực 31/05/2024
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Sỹ Hiệp
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 249/TB-VPCP

Hà Nội ngày 31 tháng 5 năm 2024

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TẠI HỘI NGHỊ ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN QUY CHẾ VỀ MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC GIỮA CHÍNH PHỦ VỚI TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ngày 26 tháng 5 năm 2024, tại Trụ sở Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024” và làm việc với Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về đánh giá kết quả phối hợp công tác giữa Chính phủ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Cùng dự làm việc có đại diện lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân vận Trung ương; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Nội vụ, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Xây dựng, Y tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Sau khi nghe đồng chí Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam báo cáo kết quả phối hợp công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; các ý kiến của đại biểu dự họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, bối cảnh quốc tế và trong nước với khó khăn, thách thức, thời cơ, thuận lợi đan xen, trong đó, khó khăn, thách thức nhiều hơn, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chủ động, tích cực, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Quy chế về mối quan hệ công tác giữa hai bên. Nội dung phối hợp được triển khai chặt chẽ, toàn diện, thiết thực, đi vào những nội dung cụ thể để giải quyết các vấn đề về nhà ở cho người lao động, các thiết chế văn hóa, y tế, giáo dục, thể thao, các hoạt động chăm lo, nâng cao đời sống tinh thần và sức khỏe người lao động theo chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nhiều cơ chế, chính sách được ban hành và đi vào cuộc sống.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phát huy vai trò trong việc tham gia xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách liên quan trực tiếp đến việc làm, tiền lương; chủ động nắm tình hình thực hiện các chế độ, chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động, kịp thời phản ánh tới các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ những vấn đề phát sinh cần giải quyết. Tham gia xây dựng chính sách, pháp luật như Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Việc làm. Các cấp Công đoàn có nhiều đổi mới trong tổ chức, phát động các phong trào thi đua, đề ra những biện pháp phát huy mọi tiềm năng của công nhân, viên chức và người lao động; vận động đội ngũ cán bộ, đoàn viên, người lao động đổi mới sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công tác, phát triển cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Chính phủ, các Bộ, ngành, chính quyền địa phương đã tích cực phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng, hoàn thiện nhiều đề án, chương trình triển khai các nhiệm vụ Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12 tháng 6 năm 2021 của Bộ Chính trị đã đề ra; phối hợp thực hiện các giải pháp phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể theo Chỉ thị số 37- CT/TW ngày 03 tháng 9 năm 2019 của Ban Bí thư; phối hợp tổ chức thành công Đại hội Công đoàn các cấp và Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.

Việc triển khai tích cực, chất lượng, hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan cũng như công tác phối hợp giữa hai bên đã góp phần quan trọng vào thành công chung của đất nước.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiệt liệt biểu dương, đánh giá cao và cảm ơn sự phối hợp chặt chẽ, đồng hành có hiệu quả của Công đoàn Việt Nam, đoàn viên và người lao động cả nước trong thời gian qua.

II. TRỌNG TÂM PHỐI HỢP CÔNG TÁC

Năm 2024 là năm bứt phá, đồng thời tình hình thế giới, khu vực thời gian tới được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tạo thách thức, áp lực lớn tới công tác chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế - xã hội nước ta, đòi hỏi chúng ta phải quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, đẩy mạnh tăng tốc, bứt phá để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Do đó, định hướng phối hợp công tác thời gian tới, cần tập trung triển khai: 1 nhiệm vụ trung tâm, 3 quan tâm và 5 đẩy mạnh:

1. Một nhiệm vụ trung tâm:

Nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp giữa hai bên, góp phần tích cực vào thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân được ấm no, hạnh phúc.

2. Ba quan tâm:

a) Quan tâm hơn nữa đến việc lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công nhân, viên chức, người lao động: thông qua khảo sát, đối thoại, tiếp xúc cử tri…; phản ánh kịp thời với Đảng, chính quyền, doanh nghiệp để có biện pháp tháo gỡ, giải quyết khó khăn cho công nhân, người lao động.

b) Quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của đoàn viên, người lao động. Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động, an toàn thực phẩm cho công nhân; chăm lo các đối tượng yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; trong đó, vấn đề nhà ở cho người lao động cần được xác định là nhiệm vụ bứt phá.

c) Quan tâm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động theo Hiến pháp, pháp luật và theo đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền, lợi ích của đoàn viên, người lao động và tổ chức công đoàn; kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

3. Năm đẩy mạnh:

a) Đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về lao động, Công đoàn; tạo thuận lợi cho người lao động, Công đoàn:

- Phối hợp, tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam;

- Tham mưu với Đảng, Nhà nước chỉ đạo rà soát, bổ sung, xây dựng hoàn thiện các chính sách, pháp luật về lao động và Công đoàn, trọng tâm là trình Quốc hội sửa đổi Luật Công đoàn năm 2012 (vừa bảo vệ lợi ích đoàn viên; vừa thúc đẩy phát triển Công đoàn lành mạnh, vừa góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới);

- Tham mưu văn bản của Thường trực Ban Bí thư “Định hướng, quản lý tốt sự ra đời, hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngoài tổ chức Công đoàn”;

- Chủ động nghiên cứu, đề xuất, tham gia xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật, nhất là các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội cho người lao động.

Các Bộ, cơ quan thực hiện nghiêm việc tham vấn lấy ý kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong xây dựng các cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến Công đoàn, người lao động.

b) Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến đưa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đoàn viên, người lao động. Trong đó, tuyên truyền để người sử dụng lao động, cán bộ, đoàn viên và người lao động nhận diện các hành vi lợi dụng việc thành lập và hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp để xâm phạm an ninh quốc gia, gây mất trật tự an toàn xã hội.

c) Đẩy mạnh tổ chức thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua, như: “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”; phát triển phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo” sát và phù hợp với từng khu vực, từng đối tượng, trọng tâm là “Năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn” trong khu vực sản xuất kinh doanh; phong trào “Tham mưu giỏi, phục vụ tốt” trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, … với tinh thần “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”, như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

d) Đẩy mạnh xây dựng và phát triển giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới: trong đào tạo lao động, nhất là lao động chất lượng cao; nâng cao tính tích cực, chủ động sáng tạo của công nhân, người lao động; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả …, trong đó có nội dung nâng cao năng suất lao động.

[...]