Thông báo số 237/TB-BNN-VP về việc kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Việt Thắng tại hội nghị toàn quốc về “tổ chức khai thác hải sản hiệu quả, an toàn” tại Đồ Sơn – Hải Phòng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 237/TB-BNN-VP
Ngày ban hành 10/01/2008
Ngày có hiệu lực 10/01/2008
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Bạch Quốc Khang
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 237/TB-BNN-VP

Hà Nội, ngày 10 tháng 01năm 2008

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỨ TRƯỞNG NGUYỄN VIỆT THẮNG TẠI HỘI NGHỊ TOÀN QUỐC VỀ “TỔ CHỨC KHAI THÁC HẢI SẢN HIỆU QUẢ, AN TOÀN” TẠI ĐỒ SƠN – HẢI PHÒNG

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị toàn quốc về “Tổ chức khai thác hải sản hiệu quả, an toàn” trong 02 ngày 03-04/12/2007, tại Đồ Sơn, Hải Phòng,

Tham dự Hội nghị có Lãnh đạo Sở Thuỷ sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có quản lý thuỷ sản của 28 tỉnh ven biển và tỉnh An Giang. Về phía các Cơ quan Trung ương có đại diện một số Bộ, ngành, các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm Cứu nạn; Ban chỉ đạo Phòng, chống lụt, bão Trung ương, Viện Nghiên cứu Hải sản Hải phòng, Viện Kinh tế và Qui hoạch thuỷ sản; Hội nghề cá Việt Nam, đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và Hải Phòng. Bộ trưởng Cao Đức Phát, Thứ trưởng Nguyễn Việt Thắng, Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Thành cùng Cục trưởng Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Chu Tiến Vĩnh chủ trì Hội nghị.

Mục tiêu của Hội nghị là trao đổi các giải pháp quản lý, khoa học công nghệ, đảm bảo tổ chức khai thác hải sản hiệu quả, an toàn; đóng góp ý kiến hoàn thiện Chương trình tổng thể khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020; thảo luận về tổng kết khai thác hải sản năm 2007 và triển khai kế hoạch khai thác hải sản năm 2008.

Trên cơ sở các báo cáo và tham luận của các đại biểu, ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Cao Đức Phát, Thứ trưởng Nguyễn Việt Thắng kết luận Hội nghị như sau :

1. Chủ trương của ngành Thuỷ sản là duy trì ổn định sản lượng khai thác hải sản trên cơ sở khoa học, không ngừng nâng cao hiệu quả và an toàn thông qua việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, như cải tiến ngư lưới cụ, giảm tiêu hao nhiên liệu, giảm hao hụt sau khai thác, an toàn vệ sinh sản phẩm …; tổ chức lại khai thác hải sản trên các vùng biển và đổi mới, cải tiến nội dung, phương thức quản lý, kết hợp chặt chẽ giữa quản lý theo ngành và quản lý theo lãnh thổ; giữa việc giải quyết những tình huống trước mắt với lâu dài.

2. Những công việc trọng tâm cần tập trung giải quyết :

2.1 Về tăng cường quản lý tàu cá

Để nhanh chóng khắc phục những yếu kém trong việc kiểm soát, quản lý tàu cá, tổ chức lại công tác quản lý, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thuỷ sản, một số công việc trọng tâm cần tập trung giải quyết :

a) Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản :

- Chủ trì phối hợp với các Chi cục địa phương nhanh chóng rà soát, bổ sung và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về tàu cá trên cơ sở phân loại theo nghề, tuyến và vùng biển hoạt động. Đánh giá lại thực trạng chất lượng đội tàu cá Việt Nam. Cả 02 việc trên phải hoàn tất và báo cáo Bộ vào cuối quí I/2008.

- Tăng cường quản lý, hướng dẫn và kiểm tra công tác đăng kiểm tàu cá. Tổ chức xét và phân công các Chi cục thực hiện công tác đăng kiểm tàu cá có chiều dài đường nước thiết kế từ 20m trở lên. Ngoài ra, phối hợp với Vụ Khoa học Công nghệ xúc tiến việc xây dựng qui trình kiểm tra an toàn kỹ thuật đối với khối tàu cá lứp máy từ 50cv trở xuống để ban hành trong năm 2008.

- Chủ trì phối hợp với Tổ công tác của Bộ, nhanh chóng khảo sát, đánh giá tình hình, đặc biệt xác định nguyên nhân các tàu bị các nước bắt, giữ và xử lý, từ đó có các giải pháp giải quyết, đưa ngư dân về nước; đấu tranh chống các hành vi ngược đãi ngư dân. Ngoài ra phải tiếp tục công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến rộng rãi đến từng ngư dân về những qui định của các nước, cung cấp đủ bản đồ công bố ranh giới trên biển, nhất là các vùng chồng lấn. Tất cả những thông tin về tàu cá bị nước ngoài bắt, giữ, xử lý phải được ưu tiên, thông báo kịp thời đến các cơ quan chức năng, có thẩm quyền giải quyết.

- Chủ trì phối hợp với Vụ Kế hoạch, Tài chính và Cục Quản lý xây dựng, đẩy nhanh tiến độ triển khai, giải ngân các dự án đã được phê duyệt như dự án xây dựng Hệ thống thông tin quản lý nghề cá trên biển giai đoạn I (2007 – 2008); các khu neo đậu theo Quyết định 288/2005/QĐ-TTg; Quy hoạch cảng cá, bến cá và chợ cá … Xem xét lại thiết kế, quy trình quản lý vận hành các công trình hạ tầng kỹ thuật nghề cá, đảm bảo an toàn, hiệu quả. Rà soát, đánh giá tình hình triển khai thực hiện các chương trình, dự án có liên quan và có kế hoạch điều chỉnh, bổ xung đầu tư xây dựng các công trình và có báo cáo Bộ chậm nhất 31/3/2008.

b) Các Sở Thuỷ sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn :

- Chỉ đạo các Chi cục tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các chủ tàu đăng ký tàu cá và thuyền viên, phấn đấu hoàn thành cơ bản công tác đăng ký tàu cá trước mùa mưa bão năm 2008. Đối với nhóm tàu cá lắp máy từ 20cv trở xuống và thuyền không lắp máy, nghiên cứu và phân cấp quản lý về xã, phường. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách và bổ trí cán bộ chuyên môn giúp Uỷ ban nhân dân xã, phường quản lý tàu cá;

- Chủ trì phối hợp với Bộ đội Biên phòng, chủ tàu và chính quyền cấp cơ sở để nắm chắc thông tin về hoạt động của các tàu cá; nghiên cứu nhân rộng mô hình tổ chức khai thác hải sản trên biển theo tổ, đội … như cách làm của Đà Nẵng, Quảng Ngãi. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục làm cho ngư dân hiểu và có trách nhiệm trong việc tự đảm bảo an ninh và phương tiện khi tham gia khai thác hải sản trên các vùng biển.

2.2 Nâng cao hiệu quả khai thác :

Mục tiêu nâng cao hiệu quả khai thác hải sản chỉ có thể thực hiện được, khi công tác phát triển ngư dân, ngư trường và ngư nghiệp, thực sự được quan tâm và phương hướng phát triển khai thác được xác định trên nguyên tắc “Thị trường là mục tiêu, khoa học công nghệ là động lực và tổ chức lại sản xuất là công tác mang tính quyết định, trọng tâm”. Hỗ trợ, giúp ngư dân ổn định sản xuất, thu nhập và cuộc sống trước những biến động về giá nhiên liệu, vật liệu … hiện nay. Để đạt được mục tiêu trên, các đơn vị cần tập trung :

a) Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản :

- Chủ trì phối hợp với Viện Nghiên cứu Hải sản Hải Phòng và các Sở Thuỷ sản, Sở Nông nghiệp có quản lý thuỷ sản kiện toàn lại công tác dự báo hướng dẫn ngư dân ngư trường khai thác, trước hết là dự báo ngư trường khai thác vụ Bắc năm 2008, ngư trường xa bờ; điều chỉnh, chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp khai thác sử dụng nhiều nhiên liệu (lưới kéo đáy) sang các nghề khai thác sử dụng ít nhiên liệu; công nghệ bảo quản, chế biến sản phẩm hạn chế hao hụt thấp nhất, cải tiến ngư cụ, máy móc tăng năng suất, giảm chi phi;

- Nghiên cứu, đề xuất Chính phủ những chính sách, trước hết giúp ngư dân phát huy nội lực sẵn có; tăng cường năng lực quản lý, kỹ năng sản xuất để khai thác, sử dụng có hiệu quả từ sự hỗ trợ của nhà nước, như vay vốn tín dụng ưu đãi phát triển phương tiện; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác (khuyến ngư), sử dụng cơ sở hạ tầng kỹ thuật nghề cá; phát triển nguồn nhân lực …;

- Phối hợp với Cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn, các Sở Thuỷ sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhanh chóng tổng kết các mô hình khai thác hải sản (tổ, đội, hợp tác xã,tập đoàn…) có hiệu quả, nghiên cứu và có kế hoạch phổ biến, nhân rộng trên phạm vi cả nước, trước mắt phối hợp với dự án hợp phần “Tăng cường quản lý khai thác thuỷ sản (SCAFI) chuẩn bị và tổ chức Hội nghị tổng kết tổ, đội sản xuất trên biển;

- Chủ trì phối hợp với Viện nghiên cứu Hải sản Hải phòng tổ chức công tác điều tra, khảo sát nguồn lợi hải sản vùng biển ven bờ, xa bờ, tổ chức, cải tiến công tác dự báo thông tin ngư trường, có độ tin cậy cao, kịp thời và phù hợp với trình độ của đại đa số thuyền trường. Đồng thời nhanh chóng đưa Trung tâm kiểm soát nghề cá vào hoạt động, tiếp nhận tổng hợp các nguồn thông tin, kể cả từ địa phương và có cơ chế khai thác, sử dụng hiệu quả, an toàn;

- Chủ trì phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế nghiên cứu trình Bộ phương án hợp tác với các nước trong và ngoài khu vực về việc đưa tàu cá Việt Nam ra ngoài vùng biển Việt Nam khai thác.

b) Trung tâm Khuyến ngư quốc gia :

Chủ trì phối hợp với Cục, các Chi cục nghiên cứu đề xuất các mô hình ứng dụng và có kế hoạch bố trí vốn để triển khai chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cho dân những tiến bộ công nghệ khai thác, như : máy bắn câu, thả vây đuôi tàu, máy dò ngang …

[...]