Thông báo số 158/2006/TB-BTS về việc kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Việt Thắng tại Hội nghị bàn biện pháp giải quyết tôm giống cho vụ nuôi năm 2006 do Bộ Thủy sản ban hành
Số hiệu | 158/2006/TB-BTS |
Ngày ban hành | 19/01/2006 |
Ngày có hiệu lực | 19/01/2006 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Bộ Thuỷ sản |
Người ký | Đinh Ngọc Anh |
Lĩnh vực | Lĩnh vực khác |
BỘ THUỶ SẢN |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 158/2006/TB-BTS |
Hà Nội, ngày 19 tháng 01 năm 2006 |
Hiện tại ở Việt Nam sản phẩm tôm chiếm trên 50% giá trị kim ngạch xuất khẩu của ngành thuỷ sản, trong đó chủ yếu là tôm nuôi. Tuy nhiên việc nuôi tôm hằng năm thường gặp nhiều khó khăn, nhất là vào đầu vụ luôn bị thiếu giống, dẫn đến hiện tượng tranh mua, tranh bán, tôm giống đưa vào vùng nuôi bằng nhiều con đường khác nhau, không kiểm soát được chất lượng toàn bộ nên nhiều lô tôm giống nhiễm bệnh vẫn được thả nuôi làm cho hiệu quả nuôi tôm ở một số nơi chưa cao, thậm chí nhiều hộ nuôi tôm bị lỗ, ảnh hưởng tới kết quả chung của ngành.
Bài học rút ra từ các năm trước cho thấy, viềc quản lý chất lượng tôm giống tại nơi sản xuất, trên đường lưu thông, đến nơi tiêu thụ có ý nghĩa hết sức quan trọng góp phần đảm bảo an toàn dịch bệnh tôm nuôi. Đồng thời phải quản lý chặt chẽ mùa vụ nuôi tôm bởi vì một trong những nguyên nhân làm cho tôm nuôi bị chết nhiều là do đã thực hiện nuôi liên tục 2 – 3 vụ trong 1 năm dẫn đến có thời điểm mùa khô không đủ nước cấp, nhiệt độ trong ao đầm biến thiên lớn làm cho tôm chết. Mặt khác việc nuôi tôm liên tục trên một diện tích sẽ làm cho môi trường vùng nuôi nhanh chóng suy thoái, là điều kiện để phát sinh mầm bệnh và tôm nuôi bị nhiễm bệnh. Nhiều nơi khi tôm nuôi vừa mới bị bệnh chết đã tiến hành dọn dần thả giống ngay,không có thời gian xử lý tiêu trùng, mầm bệnh vẫn còn ẩn chứa sẽ tiếp tục lan truyền ảnh hưởng tới vụ sau.
Từ thực tế đó, quan điểm chỉ đạo của ngành là chỉ nuôi một vụ tôm vào thời điểm thích hợp nhất. Vụ còn lại có thể cấy lúa hoặc nuôi các đối tượng thuỷ sản khác nhằm làm sạch môi trường ao đầm nuôi và có thời gian ngắt vụ để tiêu diệt mầm bệnh, giảm nguy cơ lan truyền.
Năm 2005 ngành Thuỷ sản và chính quyền các địa phương đã tích cực tập trung chỉ đạo để quản lý mùa vụ nuôi tôm, môi trường vùng nuôi, kiểm soát chất lượng giống nên đã đạt được kết quả tốt. So với các năm trước tình hình dịch bệnh tôm nuôi giảm rất nhiều.
Để đảm bảo cho vụ nuôi tôm năm 2006 tiếp tục giành được thắng lợi, ngày 10/01/2005 tại Hà Nội Bộ Thuỷ sản đã tổ chức hội nghị bàn biện pháp giải quyết tôm giống. Thứ trưởng Nguyễn Việt Thắng chủ trì hội nghị. Tham dự gồm có lãnh đạo Sở Thuỷ sản các tỉnh nuôi tôm trọng điểm phía Nam (Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Bến Tre, Sóc Trăng, Tiền Giang, Long An), các tỉnh sản xuất tôm giống Nam Trung bộ (Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận) và đại diện các đơn vị thuộc Bộ Thuỷ sản (Vụ Nuôi trồng thuỷ sản, Vụ Khoa học Công nghệ, Vụ Kế hoạch Tài chính, Cục quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thuỷ sản (NAFIQAVED), Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản III, Trung tâm Khuyến ngư quốc gia, Văn phòng Bộ).
Hội nghị đã thảo luận về công tác quản lý, chỉ đạo nuôi tôm tại các địa phương và tập trung bàn giải pháp đáp ứng đủ tôm giống tốt. Một số vấn đè tồn tại trong quản lý tôm giống được nêu ra để có giải pháp khắc phục, đó là :
- Việc nuôi tôm có tính chất mùa vụ, thời điểm cần giống thả tương đối tập trung nên việc sản xuất và cung ứng giống đã gặp nhiều khó khăn khi ta chưa chủ động được nguồn tôm bố mẹ mà phụ thuộc vào khai thác tự nhiên hoặc phải nhập khẩu nên vào vụ sản xuất thiếu tôm bố mẹ. Phần lớn tôm bố mẹ đưa vào sản xuất không rõ nguồn gốc, không được kiểm dịch, bị khai thác triệt để mà chưa có biện pháp quản lý số lần sinh sản của tôm mẹ.
- Chất lượng tôm giống chưa thật tốt do chưa kiểm soát chặt chẽ điều kiện sản xuất giống theo tiêu chuẩn ngành, các cơ sở chưa thực hiện công bố chất lượng giống, chưa có nhãn mác, nhiều nơi giống lưu thông không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa thực hiện kiểm dịch bắt buộc tại nơi sản xuất.
- Về thời vụ thả giống, hầu hết đã quản lý theo quy định của tỉnh, tuy nhiên một số nơi giữa các cấp không thống nhất, khi cấp huyện không cho thả thì cấp xã lại cho thả giống đã tạo điều kiện cho người bán giống có thể mang vào bán rong làm cho không quản lý được mùa vụ chung.
- Việc kiểm tra bệnh bằng phương pháp PCR giữa các đơn vị còn có hiện tượng kết quả không giống nhau, chưa có cơ quan nào kiểm chứng xác nhận kết quả, tôm bố mẹ và tôm giống khi kiểm tra không bảo đảm chất lượng chưa có chế tài xử lý.
Các đại biểu cũng đã thảo luận những nội dung cần thiết phải tăng cường quản lý trong tổ chức sản xuất, lưu thông, cung ứng tôm giống và kiến nghị một số vấn đề mà ngành cần quan tâm để đáp ứng với yêu cầu của sản xuất.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Việt Thắng đã chỉ đạo :
Tiếp thu những ý kiến đã thảo luận, đề nghị các địa phương, các đơn vị chức năng của Bộ cần triển khai các biện pháp quản lý thuộc thẩm quyền để khắc phục những hạn chế chủ quan đã được nêu trên.
2. Đối với các tỉnh nuôi tôm trọng điểm :
Công tác quản lý nuôi tôm phải được quan tâm, tăng cường chỉ đạo ngay từ đầu vụ. Do diễn biến thời tiết ở mỗi nơi khác nhau nên thời vụ cũng có khác nhau, vì vậy các tỉnh cần phối hợp thông tin về mùa vụ, kế hoạch và nhu cầu giống để điều tiết sản xuất hợp lý, tránh thả giống trùng nhau đồng loạt sẽ gây nên thiếu giống.
Các địa phương cần tổ chức việc đăng ký nhu cầu tôm giống theo cấp xã, cấp huyện và ký kết hợp đồng tiêu thụ giống với các tỉnh sản xuất tôm giống Nam Trung bộ để có đủ giống tốt cho nhu cầu nuôi.
Những nơi có điều kiện sản xuất giống cần có quy hoạch vùng sản xuất giống, khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào sản xuất tôm giống nhằm chủ động sản xuất giống tại chỗ.
3. Đối với các tỉnh sản xuất giống Nam Trung bộ :
Thực tế cho thấy tôm bố mẹ sống ngoài khơi sinh sản tốt hơn, con giống khoẻ hơn, do đó chỉ sử dụng tôm khai thác xa bờ nhưng phải được kiểm dịch chặt chẽ. Khi các cơ sở nhập tôm bố mẹ về yêu cầu bắt buộc phải báo cáo số lượng, nguồn gốc để thực hiện kiểm dịch.
Việc sản xuất tôm giống của các cơ sở phải được quản lý đảm bảo tuân thủ các điều kiện quy định của pháp luật. Các địa phương cần đưa các cơ sở tôm giống váo trong khu sản xuất giống tập trung để tạo được số lượng giống hàng hoá lớn, ở đó có phòng kiểm định chất lượng giống sẽ kiểm soát được số làn sinh sản của tôm mẹ, kiểm dịch tại nơi sản xuất và công bố chất lượng theo quy định công bố chất lượng hàng hoá. Những cơ sở sản xuất tôm giống chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp quản lý chất lượng cần đưa lên phương tiện thông tin đại chúng, trang website chuyên ngành để người sử dụng biết trước khi quyết định mua. Các hộ sản xuất cần được tổ chức thành các tổ, nhóm, hiệp hội sản xuất giống và nuôi để thực hiện quản lý cộng đồng có trách nhiệm, giữ cho môi trường nuôi bền vững, sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Công tác quản lý cần hạn chế sử dụng biện pháp hành chính mà tăng cường hàm lượng khoa học, áp dụng kỹ thuật nuôi tiến bộ để có năng suất cao, giảm hệ số sử dụng giống và bền vững môi trường, áp dụng quy trình sản xuất giống sạch bệnh để hướng cho thị trường lựa chọn những cơ sở có chất lượng tốt. Thông qua các Hội nghề nghiệp, đội sản xuất, khuyến ngư cơ sở v.v… tổ chức ký két hợp đồng tiêu thụ giống chất lượng cao với các địa phương nuôi tôm để phân phối chỉ tiêu, có kế hoạch chuẩn bị, sản xuất giống có trách nhiệm và tiêu thụ được sản phẩm.
Việc xây dựng các khu sản xuất giống tập trung đã được triển khai trước hết ở 6 tỉnh theo Quyết định 112/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ, những tỉnh khác có điều kiện thuận lợi và thấy cần thiết (như Bình Thuận) thì có văn bản để Bộ tiếp tục trình bổ sung.
Các địa phương cần củng cố, xây dựng hệ thống chi cục Bảo vệ nguồn lợi, chi cục Quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thuỷ sản có đủ năng lực để giao nhiệm vụ cho các đơn vị đó thực hiện kiểm dịch giống.
4. Đối với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Thuỷ sản :
-Vụ Nuôi trồng thuỷ sản phối hợp với các tỉnh trọng điểm nuôi tôm và các tỉnh sản xuất tôm giống Nam Trung Bộ hình thành phương thức tổ chức đăng ký nhu cầu và ký kết hợp đồng tiêu thụ tôm giống.