Thông báo 203/TB-VPCP năm 2024 kết luận Phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 203/TB-VPCP
Ngày ban hành 06/05/2024
Ngày có hiệu lực 06/05/2024
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Trần Văn Sơn
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 203/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 06 tháng 5 năm 2024

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN PHIÊN HỌP LẦN THỨ 8 CỦA ỦY BAN QUỐC GIA VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ

Ngày 24 tháng 4 năm 2024, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì Phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (sau đây gọi tắt là Phiên họp). Tham dự Phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; Bộ trưởng, Thủ trưởng các bộ, cơ quan: Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo giục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Y tế, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan, thành viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương; lãnh đạo một số tập đoàn, tổng công ty trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Sau khi nghe Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo tóm tắt kết quả triển khai chuyển đổi số quốc gia từ đầu năm đến tháng 4 năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm chuyển đổi số và phát triển kinh tế số năm 2024, ý kiến phát biểu, tham luận của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp công nghệ thông tin, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số kết luận như sau:

A. KẾT QUẢ TRIỂN  KHAI THỰC HIỆN

I. Kết quả đạt được

Chuyển đổi số đã đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người trong quá trình phát triển chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, nhất là trong cuộc sống của nhân dân và hoạt động của doanh nghiệp. Từ đầu năm 2024 đến nay, công tác chuyển đổi số quốc gia đã đạt được một số kết quả tích cực, nổi bật là:

1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện được triển khai quyết liệt, đồng bộ với quyết tâm cao, nỗ lực lớn: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 05 Quyết định và 02 Chỉ thị; các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, triển khai Đề án 06 và kiện toàn thành viên Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số, các Ban Chỉ đạo chuyển đổi số các bộ, ngành, địa phương.

2. Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách tạo khuôn khổ, điều kiện thuận lợi cho chuyển đổi số quốc gia: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2024/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2024 quy định về khu công nghệ cao; đang khẩn trương, tích cực xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật Viễn thông, Luật Giao dịch điện tử, Luật Căn cước, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Đất đai, Luật Nhà ở; đã có 56/63 tỉnh, thành phố ban hành chính sách miễn, giảm phí, lệ phí trong sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

3. Hạ tầng số, các nền tảng số tiếp tục được phát triển.

a) 100% xã, phường, thị trấn có kết nối Internet băng thông rộng, kết nối với mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan nhà nước. Trên 80% hộ gia đình sử dụng cáp quang Internet băng rộng.

b) Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) đã thiết lập được 388 điểm kết nối giữa các hệ thống và cơ sở dữ liệu (CSDL) của 95 cơ quan, đơn vị (trung bình mỗi ngày có khoảng 2,8 triệu giao dịch được thực hiện thông qua NDXP).

c) Nhiều trung tâm dữ liệu lớn, hiện đại được khánh thành, đi vào hoạt động trong năm 2023-2024, như của Viettel, VNPT, CMC…; Trung tâm dữ liệu quốc gia, hiện đang được Bộ Công an tích cực triển khai.

d) Hoàn thành đấu giá băng tần 5G, cấp phép cho doanh nghiệp (VNPT và Viettel) kinh doanh dịch vụ 5G.

4. Đến nay các bộ, ngành, địa phương đã xác lập được 2.398 CSDL dùng chung. Trong đó, các CSDL quốc gia, chuyên ngành được tập trung đẩy mạnh xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu. CSDL quốc gia về dân cư đã kết nối, chia sẻ, xác thực, làm sạch dữ liệu với 18 bộ, ngành, 63 địa phương, 04 doanh nghiệp nhà nước. Cấp trên 86 triệu thẻ Căn cước công dân gắn chíp; kích hoạt gần 54 triệu tài khoản; tiếp nhận hơn 1,5 tỷ yêu cầu xác thực thông tin.

5. Cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp đạt nhiều kết quả nổi bật. Trong đó, đã có gần 14,6 triệu tài khoản và hơn 46,2 triệu hồ sơ nộp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; gần 26,8 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 12,9 nghìn tỷ đồng. Triển khai 41/53 dịch vụ công thiết yếu toàn trình, tăng 05 dịch vụ công thiết yếu so với cuối năm 2023. Tính riêng 25 dịch vụ công thiết yếu tại Đề án 06 hằng năm, đã tiết kiệm cho nhà nước, xã hội gần 3,5 nghìn tỷ đồng.

6. Kinh tế số, xã hội số tiếp tục có bước phát triển tích cực. Trong Quý I năm 2024, doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin đạt gần 36,3 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ; xuất khẩu sản phẩm công nghệ thông tin đạt 31 tỷ USD, tăng 17%. Hiện có 8,2 triệu khách hàng sử dụng Mobile Money, tăng 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2023, trong đó hơn 5,8 triệu khách hàng tại vùng nông thôn, miền núi; 100% các cơ sở khám chữa bệnh có dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; 77% người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và trên 1 triệu đối tượng chính sách đã nhận trợ cấp an sinh xã hội qua tài khoản.

Thay mặt lãnh đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương, các chủ thể, doanh nghiệp; sự chỉ đạo quyết liệt của các thành viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp.

II. Tồn tại, hạn chế

1. Việc ban hành Kế hoạch hoạt động của Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số còn chậm; công tác kiểm tra, giám sát, theo dõi, tổng hợp, đánh giá việc triển khai chuyển đổi số tại bộ, ngành, địa phương chưa đạt yêu cầu. Một số lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương chưa coi chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số.

2. Xây dựng, hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế, chính sách chưa kịp thời[1]. Đến nay, còn 321/1.084 thủ tục hành chính chưa được cắt giảm, đơn giản hóa theo 19 Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ; 07/63 địa phương chưa ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân về miễn, giảm phí, lệ phí trong sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

3. Chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa cao, chưa thực sự thu hút người dân, doanh nghiệp. Tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến chưa cao[2]; tỷ lệ cung cấp dịch vụ công toàn trình còn thấp[3]; tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả điện tử chưa cao[4]; đặc biệt, tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa rất thấp[5], dẫn đến người dân, doanh nghiệp phải kê khai, cung cấp lại những thông tin đã được lưu trữ tại các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành; ảnh hưởng đến tính kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu gây lãng phí nguồn lực cho xã hội cũng như cơ quan nhà nước các cấp.

4. Hạ tầng số chưa có đột phá, còn nhiều điểm lõm điện, lõm sóng[6]. Phát triển nền tảng xã hội số, thương mại điện tử còn hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng tự chủ trong chuyển đổi số quốc gia. Chưa xử lý dứt điểm tình trạng Sim rác, không chính chủ tăng nguy cơ lừa đảo qua mạng. Nhân lực cho chuyển đổi số còn chưa đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng, chất lượng, phân bổ chưa đồng đều.

5. Công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng còn chưa quan tâm đúng mức. Tình hình hoạt động tấn công mạng, đặc biệt là mã độc tống tiền tăng mạnh thời gian gần đây và có thể tiếp tục diễn biến phức tạp trong giai đoạn tới, nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động phát triển kinh tế-xã hội[7].

III. Bài học kinh nghiệm

1. Sự vào cuộc với quyết liệt, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò của người đứng đầu. Nắm chắc tình hình thực tế, có phản ứng linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; chỉ đạo điều hành đồng bộ, linh hoạt, tổ chức triển khai quyết liệt, xác định rõ ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm.

2. Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là động lực của chuyển đổi số quốc gia để người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng những thành quả từ chuyển đổi số mang lại; cần minh bạch hóa và tăng cường sự tham gia của người dân, doanh nghiệp.

3. Xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý về chuyển đổi số quốc gia phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, nhất là về kinh tế số, xã hội số. Triển khai ban hành các văn bản thì có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra.

[...]