BỘ NGOẠI GIAO
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
18/2014/TB-LPQT
|
Hà Nội, ngày 06
tháng 03 năm 2014
|
THÔNG BÁO
VỀ
VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC
Thực hiện quy định tại Khoản 3, Điều
47 của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Bộ Ngoại
giao trân trọng thông báo;
Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức về hợp tác kỹ thuật và về
các hoạt động riêng biệt trong khuôn khổ ngân sách "Quỹ Năng lượng và Khí
hậu", ký tại Hà Nội ngày 30 tháng 12 năm 2013, có hiệu lực kể từ ngày 30
tháng 12 năm 2013.
Bộ Ngoại giao trân trọng gửi bản sao Hiệp định theo
quy định tại Điều 68 của Luật nêu trên./.
|
TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG
VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG
Nguyễn Văn Ngự
|
HIỆP ĐỊNH
GIỮA
CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ CỘNG HÒA LIÊN
BANG ĐỨC VỀ HỢP TÁC KỸ THUẬT VÀ VỀ CÁC HOẠT ĐỘNG RIÊNG BIỆT TRONG KHUÔN KHỔ
NGÂN SÁCH "QUỸ NĂNG LƯỢNG VÀ KHÍ HẬU" (EKF) 2012
Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
và Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức,
trên tinh thần quan hệ hữu nghị sẵn có giữa Cộng
hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức,
với mong muốn tiếp tục củng cố và phát triển mối
quan hệ hữu nghị này thông qua hoạt động hợp tác kỹ thuật,
với ý thức rằng việc duy trì mối quan hệ đó là nền
tảng cơ sở của bản Hiệp định này,
với mục đích đóng góp vào công cuộc phát triển kinh
tế và xã hội tại nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam,
căn cứ theo nội dung Công hàm số 259/2012 ngày 24
tháng 5 năm 2012 và Công hàm số 570/2012 ngày 10 tháng 12 năm 2012
cùng nhất trí như sau:
Điều 1.
(1) Thực hiện Hiệp định ngày
20 tháng 11 năm 1991 giữa Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức và Chính phủ Cộng
hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam về Hợp tác Kỹ thuật, các dự án sau đây sẽ được hỗ
trợ:
1. Chương trình Chăm sóc Y tế phi tập trung đến 1
620 000 Euro (bằng chữ: Một triệu sáu trăm hai mươi nghìn Euro);
2. Hỗ trợ phát triển năng lượng gió đến 6 900 000
Euro (bằng chữ: Sáu triệu chín trăm nghìn Euro) từ ngân sách của "Quỹ Năng
lực và Khí hậu" (EKF);
3. Chương trình Cải cách giáo dục đào tạo nghề tại
Việt Nam đến 1 345 000 Euro (bằng chữ: Một triệu ba trăm bốn mươi lăm nghìn
Euro)
4. Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô đến 1 200
000 Euro (bằng chữ: Một triệu hai trăm nghìn Euro);
5. Phát triển Đô thị thân thiện môi trường và khí hậu
tại Đà Nẵng đến 320 000 Euro (bằng chữ: Ba trăm hai mươi nghìn Euro);
6. Bảo vệ tổng hợp vùng ven biển và rừng ngập mặn tại
các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu đến 120
000 Euro (bằng chữ: Một trăm hai mươi nghìn Euro);
7. Quỹ Nghiên cứu và Chuyên gia đến 1 625 000 Euro
(bằng chữ: Một triệu sáu trăm hai mươi lăm nghìn Euro);
8. Tăng cường năng lực xây dựng pháp luật cho Văn
phòng Chính phủ Việt Nam đến 1 650 000 Euro (bằng chữ: Một triệu sáu trăm năm
mươi nghìn Euro);
nếu sau khi thẩm định kết luận rằng các dự án đó
đáp ứng đủ điều kiện để được hỗ trợ.
(2) Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức cung cấp cho
các dự án nêu tại khoản 1, số 1 và từ số 3 đến 8 nhân lực, vật lực cũng như,
trong trường hợp cần thiết, các khoản đóng góp tài chính bằng chi phí của mình
với tổng giá trị là 7 880 000 Euro (bằng chữ: Bảy triệu tám trăm tám mươi nghìn
Euro). Tiếp theo, Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức cung cấp cho dự án nêu tại
khoản 1, số 2, nhân lực, vật lực cũng như, trong trường hợp cần thiết, các khoản
đóng góp tài chính bằng chi phí của mình với tổng giá trị đến 6 900 000 Euro (bằng
chữ: Sáu triệu chín trăm nghìn Euro). Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức ủy nhiệm
việc thực hiện các dự án nêu tại khoản 1, số 1 đến 8 cho Tổ chức Hợp tác Quốc tế
Đức (GIZ) tại Eschborn.
(3) Chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đảm
bảo có một dự trù ngân sách riêng nhằm bảo đảm thực hiện từng dự án một cách
liên tục và bảo đảm rằng các đơn vị được mình ủy nhiệm thực hiện sẽ thực hiện
các đóng góp cần thiết cho những dự án nêu trong khoản 1.
(4) Các dự án nêu tại khoản 1, số 1 và từ số 3 đến
số 8, có thể được thay thế bằng các dự án khác với sự chấp thuận của Chính phủ
Cộng hòa Liên bang Đức và Chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Dự án nêu tại khoản 1 số 2 thuộc Quỹ hỗ trợ riêng
biệt, nếu không được thực hiện hoặc chỉ được thực hiện một phần, có thể được
thay thế bằng một hoặc nhiều dự án khác với sự chấp thuận của Chính phủ Cộng
hòa Liên bang Đức và Chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Một dự án
thay thế như vậy cũng phải theo đuổi mục tiêu chính là giám sát thải khí nhà
kính hoặc mục tiêu thay thế là thích ứng với biến đổi khí hậu hoặc bảo tồn đa dạng
sinh học/rừng. Dự án này hoặc dự án thay thế phải được thực hiện toàn bộ đến
ngày 31 tháng 12 năm 2018. Các khoản kinh phí đến thời điểm đó chưa giải ngân sẽ
không còn hiệu lực và không được thay thế.
(5) Những cam kết đối với các dự án nêu tại khoản
1, số 1 và từ số 3 đến 8 và khoản đóng góp cho hợp tác kỹ thuật nêu tại khoản 2
liên quan tới các dự án này, sẽ không còn hiệu lực và không được thay thế, nếu
hợp đồng thực hiện cũng như hợp đồng tài trợ nếu có như nêu tại Điều 2 không được
ký kết trong vòng tám năm kể từ năm cam kết. Đối với những cam kết của năm
2012, thời hạn này, không ảnh hưởng tới quy định tại khoản 4, sẽ chấm dứt vào
ngày 31 tháng 12 năm 2020. Trường hợp trong khoảng thời gian quy định này chỉ
ký kết hợp đồng thực hiện cũng như hợp đồng tài trợ nếu có đối với một phần các
cam kết, thì điều khoản hủy bỏ này chỉ áp dụng đối với những phần đóng góp chưa
bị ràng buộc bởi những hợp đồng đó.
Dự án nêu tại khoản 1 số 2 phải được thực hiện toàn
bộ đến ngày 31 tháng 12 năm 2018. Các khoản kinh phí đến thời điểm đó chưa giải
ngân sẽ không còn hiệu lực và không được thay thế.
Điều 2.
Những chi tiết cụ thể về các
dự án nêu tại khoản 1 Điều 1 cũng như về các hoạt động và nghĩa vụ cần thực hiện
sẽ được quy định riêng tại từng hợp đồng thực hiện và hợp đồng tài trợ nếu có
giữa các đơn vị đã được hoặc sẽ được ủy nhiệm thực hiện dự án như nêu tại khoản
2 và 3 Điều 1. Các hợp đồng thực hiện và hợp đồng tài trợ nếu có phải tuân thủ
theo các quy định pháp luật hiện hành tại Cộng hòa Liên bang Đức.
Điều 3.
(1) Chính phủ nước Cộng hòa
Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam miễn giấy phép, lệ phí hải quan, lệ phí bến cảng, thuế
xuất nhập khẩu và các loại thuế công khác cũng như lệ phí kho bãi đối với các
nguyên vật liệu, xe cộ, hàng hóa và trang thiết bị cũng như phụ tùng thay thế
được cung cấp theo ủy nhiệm và bằng kinh phí của Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức
cho các dự án nêu tại khoản 1 Điều 1 Hiệp định này và đảm bảo hoàn thành các thủ
tục thông quan không chậm trễ. Việc miễn trừ kể trên cũng được áp dụng đối với
các nguyên vật liệu mua trong lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
theo đề nghị của các đơn vị thực hiện dự án và ngoài ra còn bao gồm việc hoàn
thuế giá trị gia tăng đã đóng theo quy định của pháp luật.
(2) Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt
Nam miễn trừ cho Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tại Eschborn tất cả các loại
lệ phí và thuế công khác phát sinh trên lãnh thổ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt
Nam liên quan tới việc ký kết và triển khai các hợp đồng thực hiện cũng như hợp
đồng tài trợ nếu có đã nêu tại Điều 2.
Điều 4.
Ngoài ra các điều khoản của
Hiệp định ngày 20 tháng 11 năm 1991 về Hợp tác Kỹ thuật đã đề cập tại khoản 1
Điều 1 cũng có hiệu lực đối với Hiệp định này.
Điều 5.
Hiệp định này có hiệu lực kể
từ ngày ký.
Lập tại Hà Nội ngày 30/12/2013 thành hai bộ gốc, mỗi
bộ gồm bản tiếng Đức, tiếng Việt và tiếng Anh, trong đó mỗi bản đều có giá trị
như nhau. Trong trường hợp có sự diễn giải khác nhau giữa bản tiếng Đức và bản
Tiếng Việt thì sẽ dùng bảng tiếng Anh làm tiêu chuẩn.
THAY MẶT CHÍNH
PHỦ
CỘNG HÒA XHCN VIỆT NAM
Nguyễn Thế Phương
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
|
THAY MẶT CHÍNH
PHỦ
CỘNG HÒA LIÊN BANG ĐỨC
Jutta Frasch
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền
|