Thông báo 179/TB-VPCP về ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị trực tuyến sơ kết thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 179/TB-VPCP
Ngày ban hành 29/07/2011
Ngày có hiệu lực 29/07/2011
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Văn Trọng Lý
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 179/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 29 tháng 07 năm 2011

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN SƠ KẾT THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ LẦN THỨ 7 BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG (KHÓA X) VỀ NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN, NÔNG THÔN

Ngày 11 tháng 7 năm 2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gọi tắt là Nghị quyết). Tham dự Hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan, Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Người cao tuổi Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội và Văn phòng Chính phủ.

Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo sơ kết tình hình triển khai và kết quả thực hiện Nghị quyết, ý kiến của các Phó Thủ tướng và các đại biểu tham dự, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có ý kiến kết luận như sau:

I. VỀ TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn là một Nghị quyết có tầm chiến lược quan trọng, đề cập khá toàn diện và đầy đủ các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta, được cả hệ thống chính trị và toàn bộ xã hội, nhất là cư dân nông thôn đồng tình ủng hộ, tích cực đón nhận. Sau gần 3 năm thực hiện, bằng nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên 8 nhóm giải pháp và các nhiệm vụ cấp bách, cụ thể là:

1. Về tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.

- Ngay sau khi Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn được ban hành, Chính phủ đã khẩn trương ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết với 45 chương trình, đề án cụ thể. Đến nay đã phê duyệt được 31 Chương trình, đề án, số còn lại đang được hoàn tất để phê duyệt. Các Bộ, ngành đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện. Các địa phương đã quán triệt nghiêm túc Nghị quyết, đề ra nhiệm vụ trong Nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp và có chương trình hành động cụ thể để thực hiện. Nhiều chương trình, đề án, chính sách sau khi ban hành đã được triển khai và đi vào cuộc sống.

- Các Bộ, ngành, địa phương đã phối hợp tốt với các cơ quan thông tin truyền thông ở Trung ương và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, như mở chuyên trang, chuyên mục, kênh truyền hình dành riêng, tuyên truyền lưu động về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

2. Về đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn:

- Trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn nhưng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn vẫn được ưu tiên, năm 2011 cao gấp hơn 2,2 lần so với năm 2008. Nhìn lại 3 năm (2009 - 2011), cơ cấu vốn đầu tư cho nông nghiệp - nông thôn trong tổng vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN và trái phiếu Chính phủ của cả nước tăng từ 45% năm 2006 - 2008 lên 52% năm 2009 - 2011. Ngoài ra, hàng năm Nhà nước còn dành một khoản đáng kể để hỗ trợ khắc phục thiên tai, dịch bệnh; thực hiện chính sách miễn giảm thuế nông nghiệp, cung cấp tín dụng ưu đãi, thực hiện các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn ….

- Công tác nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, cơ giới hóa sản xuất có bước chuyển biến mới, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam. Nổi bật là ứng dụng khoa học công nghệ trong tạo giống cây trồng cho năng suất, chất lượng cao như: cây ăn quả, cây công nghiệp (cà phê, điều, cao su).

- Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng nông nghiệp vẫn tăng trưởng với tốc độ khá cao, giai đoạn 2006 - 2010 đạt bình quân 3,36%/năm, (vượt mục tiêu Đại hội Đảng X đề ra là 3,2%/năm), góp phần quan trọng giảm nhẹ tác động của suy giảm kinh tế ở nước ta. Tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản năm 2010 đạt khoảng 20 tỷ USD, trong đó có 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD gồm: thủy sản, đồ gỗ, gạo, cao su, cà phê, hạt điều. Cơ cấu kinh tế nông thôn có bước chuyển dịch tích cực. Đến năm 2010, giá trị sản xuất nông nghiệp chỉ còn 40%, (trong khi giá trị tuyệt đối tăng). Nhờ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn nên đã giảm được lao động nông nghiệp để chuyển sang các ngành phi nông nghiệp và dịch vụ ngay trên địa bàn nông thôn theo phương châm: “ly nông bất ly hương”

- Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn tiếp tục được nâng cấp và phát triển đồng bộ, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển, nhất là về thủy lợi, giao thông, điện, thông tin truyền thông, hạ tầng y tế, giáo dục, thương mại, nước sinh hoạt, văn hóa thể thao.

3. Về xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống dân cư nông thôn:

- Xây dựng nông thôn mới được tích cực triển khai, đã trở thành phong trào rộng khắp cả nước. Chính phủ đã ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia với 11 nội dung và 19 tiêu chí; thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia và bộ máy quản lý, điều hành Chương trình từ Trung ương đến địa phương; đã ưu tiên dành vốn ngân sách và ban hành nhiều cơ chế chính sách để huy động các nguồn lực của xã hội vào thực hiện. Đồng thời triển khai cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới”, phát động phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.

- Trong 3 năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng thu nhập của người dân tiếp tục được tăng lên, khoảng 8%/năm (đã loại trừ yếu tố giá). Tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm từ 13,1% (năm 2008) xuống còn 9,45% (năm 2010), hộ nghèo ỏ khu vực nông thôn giảm từ 16,2% xuống 11,3%. Riêng ở 62 huyện nghèo nhất cả nước, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 47% (năm 2008) xuống còn khoảng 37% (năm 2010). Chất lượng nguồn nhân lực nông thôn ngày càng được nâng cao thông qua việc triển khai các chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

- Quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được hoàn thiện. Hộ nông dân vẫn là chủ lực nhưng kinh tế trang trại phát triển nhanh, hiệu quả; kinh tế hợp tác có đổi mới, phát triển đa dạng. Sản xuất gắn kết hơn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Hệ thống chính trị nông thôn được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn cơ bản được bảo đảm.

4. Những kết quả đạt được như trên là đáng khích lệ, tuy nhiên công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết vẫn còn tồn tại một số vấn đề sau:

- Một bộ phận cán bộ đảng viên và nhân dân nhận thức chưa sâu sắc và đầy đủ về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của Nghị quyết, từ đó dẫn đến việc chỉ đạo và thực hiện chưa đồng bộ, chưa quyết liệt; việc cụ thể hóa, thể chế hóa và đề xuất giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết còn chậm; cân đối bố trí nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, bố trí cán bộ để thực hiện còn hạn chế.

- Phát triển nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu, năng suất, chất lượng một số sản phẩm còn thấp, sức cạnh tranh chưa cao; việc đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu kém.

- Môi trường sống ở nông thôn chưa được bảo đảm, môi trường bị ô nhiễm, có nơi nghiêm trọng; tình trạng ô nhiễm môi trường do khai thác quặng diễn ra ở nhiều nơi, có nơi đáng báo động; khả năng phòng chống và giảm nhẹ thiên tai còn hạn chế.

- Đời sống của dân cư nông thôn nhìn chung còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhất là vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa; chênh lệch giàu, nghèo ngày càng lớn, nhiều vấn đề xã hội bức xúc, an ninh nông thôn, tội phạm ma túy một số nơi còn diễn biến phức tạp; hệ thống chính trị một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu.

II. PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

Mục tiêu nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm tới là tập trung phấn đấu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, phục hồi tăng trưởng, tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Giá trị gia tăng nông, lâm, thủy sản bình quân 5 năm 2,8-3%/năm; tỷ trọng nông nghiệp trong tổng GDP cả nước: 17-18%; thu nhập tăng 1,8 -2 lần so với năm 2010; hàng năm, đào tạo 1 triệu lao động nông thôn; tỷ trọng lao động nông - lâm - thủy sản năm 2015 chiếm 40 - 41% lao động xã hội; tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 2%/năm, riêng các huyện, xã nghèo giảm 4%/năm; tỷ lệ che phủ rừng năm 2015 đạt 42-43%; đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài; phấn đấu khoảng 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ nêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp căn cứ vào 8 nhóm giải pháp theo Nghị quyết Trung ương, căn cứ vào 11 nội dung, 19 tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã được Chính phủ ban hành cụ thể hóa giải pháp thực hiện, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

1. Quán triệt sâu sắc hơn nữa ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết Trung ương 7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Việc thực hiện Nghị quyết là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, là thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, phát triển bền vững đất nước, là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị. Tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền gắn với các chương trình, hành động cụ thể của các ngành, các cấp. Triển khai mạnh mẽ cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới”' đồng thời, đẩy mạnh việc thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Các ngành, các cấp và mỗi Đảng viên, cán bộ phải coi công cuộc xây dựng nông thôn mới vừa là mục tiêu, yêu cầu của phát triển bền vững, vừa là nhiệm vụ cấp bách, là chủ trương có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng ta và mang tính nhân văn sâu sắc.

2. Các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành việc xây dựng, ban hành và hướng dẫn thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách đề ra trong Nghị quyết; các nhiệm vụ đã được phân công trong Chương trình hành động của Chính phủ phải được hoàn thành trong năm 2011. Phải xây dựng và ban hành ngay những cơ chế, chính sách còn thiếu; nghiên cứu bổ sung, sửa đổi các cơ chế, chính sách đã ban hành nhưng đến nay không phù hợp với thực tế của địa phương.

[...]
9
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ