Thông báo 167/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại cuộc đến thăm và làm việc với cơ quan báo chí do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 167/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 13/07/2011 |
Ngày có hiệu lực | 13/07/2011 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Nguyễn Hữu Vũ |
Lĩnh vực | Văn hóa - Xã hội |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 167/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 13 tháng 7 năm 2011 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN THIỆN NHÂN TẠI CÁC CUỘC ĐẾN THĂM VÀ LÀM VIỆC VỚI MỘT SỐ CƠ QUAN BÁO CHÍ
Nhân dịp kỷ niệm 86 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2011), Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đến thăm, làm việc và chúc mừng một số cơ quan báo chí: Báo Nhân Dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Báo Quân đội nhân dân, Báo Đại biểu nhân dân, Báo Nông thôn Ngày nay và Báo Văn hóa. Cùng tham dự các cuộc thăm, làm việc của Phó Thủ tướng có đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tào, Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan chủ quản báo chí.
Sau khi nghe đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí báo cáo; ý kiến phát biểu của đại diện các Bộ, cơ quan; ý kiến của cán bộ, phóng viên, biên tập viên một số cơ quan báo chí và thăm trực tiếp một số đơn vị trực thuộc các cơ quan báo chí, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã kết luận như sau:
1. Thời gian qua, các cơ quan báo chí đã có nhiều cố gắng, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, bám sát tôn chỉ, mục đích và đối tượng phục vụ; thông tin ngày càng đảm bảo kịp thời, chính xác, chính thống, đa dạng và cơ bản tuân thủ đúng pháp luật, đúng định hướng, góp phần quan trọng tạo sự đồng thuận trong xã hội cả về nhận thức và hành động, nhất là trong những thời điểm khó khăn, phức tạp và nhạy cảm của đất nước.
Đội ngũ những người làm báo giữ vững lập trường tư tưởng, chính trị và có bước trưởng thành đáng kể về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học, có khả năng tiếp cận nhanh với xu hướng phát triển của báo chí hiện đại.
Cơ sở vật chất, kỹ thuật, điều kiện, phương tiện làm việc và đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, phóng viên, biên tập viên và người lao động trong các cơ quan báo chí được quan tâm đúng mức và có bước cải thiện rõ rệt.
2. Về một số kiến nghị cụ thể, có tính đặc thù đối với từng cơ quan báo chí, Phó Thủ tướng đã yêu cầu các cơ quan báo chí thực hiện theo đúng quy trình, quy định hiện hành; đồng thời, giao trách nhiệm cụ thể cho các Bộ, cơ quan liên quan và Văn phòng Chính phủ chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí để xem xét, xử lý những vấn đề thuộc thẩm quyền của mình; những vấn đề vượt quá thẩm quyền thì trình Thủ tướng Chính phủ theo đúng quy định.
3. Về một số kiến nghị chung của các cơ quan báo chí và có liên quan đến cả hệ thống báo chí, Phó Thủ tướng chỉ đạo như sau:
a) Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm:
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan và các địa phương khẩn trương xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 897/CT-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường triển khai các hoạt động đảm bảo an toàn thông tin số và Quyết định số 63/QĐ-TTg ngày 13 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển an toàn thông tin số quốc gia đến năm 2020.
Trước mắt, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, các đơn vị chuyên môn về an ninh mạng tiến hành khảo sát, đánh giá sự an toàn và mất an toàn của các báo điện tử, các trang thông tin điện tử của các báo thuộc các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 8 năm 2011. Trên cơ sở đó, Bộ Thông tin và Truyền thông có hướng dẫn các cơ quan liên quan triển khai ngay các giải pháp khả thi để nâng cao độ an toàn của các báo điện tử, có kế hoạch khắc phục sự cố hiệu quả.
- Chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, các Bộ, cơ quan liên quan sớm hoàn thiện, phê duyệt và triển khai thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực lĩnh vực báo chí đến năm 2020. Chủ động phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở đào tạo báo chí và các cơ quan báo chí, lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn (kể cả ở trong nước và ở nước ngoài) cho đội ngũ những người làm báo về lý luận chính trị, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học.
b) Các cơ quan báo chí cần xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết cho từng số báo, từng ấn phẩm, từng chương trình, nhằm đảm bảo thông tin, tuyên truyền thường xuyên, liên tục, chính xác và có hệ thống về các văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI (đặc biệt chú trọng các quyết sách mang tính đột phá, quyết định đến sự phát triển bền vững của đất nước trong từng giai đoạn), về Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", về các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ trong việc chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội;
- Cơ quan báo chí cần tạo điều kiện và cơ chế khuyến khích phóng viên gắn bó với thực tiễn cuộc sống, bám sát địa phương, cơ sở để kịp thời phát hiện, tích cực tuyên truyền, cổ vũ, nhân rộng các nhân tố mới, các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt và phản ánh trung thực, với ý thức xây dựng các kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân; đồng thời, kiên quyết lên án, phê phán và đấu tranh có hiệu quả với các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng và các tệ nạn xã hội.
c) Các cơ quan chủ quản báo chí cần chủ động xây dựng quy hoạch phát triển hệ thống báo chí của mình trong giai đoạn 2011-2015, đảm bảo sự gắn kết hài hòa và phù hợp giữa quy hoạch, chiến lược phát triển của ngành mình với quy hoạch, chiến lược phát triển chung của lĩnh vực thông tin-truyền thông; đồng thời, quan tâm tạo điều kiện và xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với tiềm năng, đặc thù của từng cơ quan báo chí, đảm bảo cho các cơ quan báo chí thuộc quyền hoạt động đúng định hướng và phát triển bền vững trong cơ chế thị trường, ngăn chặn, tiến tới chấm dứt các biểu hiện xa rời tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ và tình trạng thương mại hóa, chạy theo lợi nhuận thuần túy trong hoạt động báo chí.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Bộ Thông tin và Truyền thông, các Bộ và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |