Thông báo 149/TB-VPCP năm 2016 kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về cơ chế hỗ trợ vốn nhà nước đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 149/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 22/06/2016 |
Ngày có hiệu lực | 22/06/2016 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Nguyễn Cao Lục |
Lĩnh vực | Đầu tư,Tài chính nhà nước |
VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 149/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 22 tháng 06 năm 2016 |
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG TRỊNH ĐÌNH DŨNG TẠI CUỘC HỌP VỀ CƠ CHẾ HỖ TRỢ VỐN NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ THEO HÌNH THỨC ĐỐI TÁC CÔNG TƯ (PPP)
Ngày 14 tháng 6 năm 2016, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp về cơ chế hỗ trợ vốn nhà nước đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Tham dự họp có lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Giao thông vận tải và Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe báo cáo của đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ý kiến của lãnh đạo các Bộ dự họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã kết luận như sau:
Để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng trong thời gian tới là rất lớn. Trong khi đó, nguồn lực từ các nguồn vốn nhà nước hạn hẹp, không đáp ứng nhu cầu, do đó việc thu hút nguồn lực từ xã hội đầu tư theo hình thức PPP có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Để việc huy động nguồn vốn xã hội đạt hiệu quả cao cần có sự tham gia vốn của Nhà nước vào đầu tư xây dựng các công trình theo hình thức BOT nhằm giảm thời gian thu phí cũng như giảm giá phí hạ tầng, phù hợp với khả năng chi trả của người dân, đồng thời giảm chi phí đầu vào cho sản phẩm, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm và nền kinh tế.
Trong thời gian qua, hình thức đầu tư PPP (BOT, BT...) đã được triển khai mạnh mẽ. Tuy nhiên, quy mô các dự án đầu tư còn nhỏ; chưa tập trung đầu tư các công trình trọng điểm có sức lan tỏa lớn, hiệu quả kinh tế - xã hội chưa cao. Để tạo ra sự đột phá về thu hút vốn đầu tư cho các công trình hạ tầng trong thời gian tới, đặc biệt là hạ tầng giao thông, yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương liên quan cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau đây:
1. Các Bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục rà soát, lập danh mục các dự án ưu tiên đầu tư. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, chọn lọc các dự án ưu tiên (Bộ Giao thông vận tải tập trung đầu tư đường cao tốc Bắc Nam), đề xuất nhu cầu vốn hỗ trợ của nhà nước.
2. Nguồn vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài là nguồn quan trọng cho đầu tư phát triển hạ tầng, thiết lập nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước cho các dự án PPP. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục làm việc với JICA và các nhà tài trợ khác để xây dựng cơ chế huy động nguồn vốn ODA cho các dự án PPP, trên cơ sở tính toán khả năng giải ngân các hiệp định đã cam kết đến năm 2020 và mức tối đa có thể vay theo quy định của Luật Quản lý nợ công.
Để chủ động hơn trong triển khai các dự án PPP, thống nhất tiếp nhận khoản vay dự phòng của JICA dưới dạng khoản vay cho chương trình. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ ngành liên quan thực hiện vai trò cơ quan chủ quản chương trình, làm đầu mối theo dõi, tổng hợp, lựa chọn dự án... Ngoài nguồn hỗ trợ của nhà nước từ khoản vay của JICA nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính cần nghiên cứu các hình thức tham gia bằng nguồn vốn nhà nước vào các dự án đầu tư theo hình thức PPP.
3. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Báo cáo tổng hợp về cơ chế hỗ trợ vốn nhà nước đối với các dự án đầu tư theo hình thức PPP, lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 năm 2016; trong đó tập trung một số nội dung sau đây:
- Sự cần thiết có sự tham gia hỗ trợ vốn của nhà nước;
- Danh mục các dự án ưu tiên đầu tư trong thời gian tới; nhu cầu vốn nhà nước cho hỗ trợ đầu tư các dự án ưu tiên trong tất cả các ngành, lĩnh vực; trong đó tập trung vào lĩnh vực giao thông;
- Nguồn vốn hỗ trợ (ngân sách nhà nước cân đối trong kế hoạch hàng năm, kế hoạch trung hạn; vốn vay ODA; trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn khác của Nhà nước);
- Cơ chế tổ chức thực hiện.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM |