Thông báo 149/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tại Hội nghị thúc đẩy giải ngân các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 149/TB-VPCP
Ngày ban hành 10/04/2014
Ngày có hiệu lực 10/04/2014
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Cao Lục
Lĩnh vực Đầu tư,Tài chính nhà nước

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 149/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 10 tháng 04 năm 2014

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ HOÀNG TRUNG HẢI TẠI HỘI NGHỊ THÚC ĐẨY GIẢI NGÂN CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ODA VÀ VỐN VAY ƯU ĐÃI.

Ngày 29 tháng 3 năm 2014 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì Hội nghị thúc đẩy giải ngân các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi. Tham dự Hội nghị có các thành viên Ban Chỉ đạo và đại diện Nhóm 6 Ngân hàng Phát triển gồm: WB, ADB, JICA, KfW, AFD, KEXIMBANK.

Sau khi nghe báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo, đại diện Nhóm 6 Ngân hàng Phát triển và đại biểu tham dự Hội nghị, Phó Thủ tướng đã kết luận như sau:

Thời gian vừa qua các cơ quan liên quan đã rất tích cực, chủ động trong việc thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi, đạt được nhiều tiến bộ. Tỷ lệ giải ngân các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi tăng liên tục trong các năm vừa qua. Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được, các Bộ, ngành, địa phương liên quan cần tập trung giải quyết các nhóm vấn đề sau:

1. Đối với vấn đề vốn đối ứng:

a) Các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm việc thẩm định vốn khi thẩm định và phê duyệt văn kiện chương trình, dự án theo tinh thần Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ, bảo đảm quy mô dự án phù hợp với khả năng bố trí vốn đối ứng của cơ quan chủ quản và chủ đầu tư.

Việc bố trí vốn đối ứng hàng năm cần được thực hiện trên cơ sở cam kết trong các Hiệp định đã ký và tiến độ thực hiện các chương trình, dự án và phải sắp xếp theo thứ tự ưu tiên.

b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, tổng hợp danh mục các chương trình, dự án còn thiếu vốn đối ứng, báo cáo thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

c) Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, cung cấp cho các nhà tài trợ số liệu phân bổ vốn đối ứng ODA năm 2014 của từng dự án cụ thể theo đề nghị của các nhà tài trợ tại Hội nghị.

2. Đối với vấn đề giải phóng mặt bằng, bồi thường và tái định cư:

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan ra văn bản hướng dẫn về quy trình giải phóng mặt bằng.

b) Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện khung thể chế chính sách, sớm trình Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn Luật đất đai sửa đổi, theo đó, chính sách thu hồi đất và tái định cư phải nhất quán và ổn định lâu dài.

c) Trong trường hợp đặc biệt, trên cơ sở ý kiến của cấp có thẩm quyền, có thể sử dụng các khoản vay ODA và vốn vay ưu đãi để đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư.

d) Lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm chỉ đạo sát sao công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu của địa phương trong việc chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư, đảm bảo dự án ODA được thực hiện theo đúng tiến độ cam kết.

3. Đối với vấn đề đấu thầu:

a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện khung thể chế trong lĩnh vực đấu thầu trên cơ sở Luật Đấu thầu sửa đổi, bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế và hài hòa với quy trình, thủ tục của nhà tài trợ, theo hướng trao quyền nhiều hơn cho các Ban Quản lý dự án trong công tác đấu thầu, giải quyết dứt điểm tình trạng phá giá trong đấu thầu, có quá nhiều cấp tham gia vào việc trình, duyệt dẫn đến việc không xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan có liên quan.

b) Các Bộ, ngành, địa phương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các nhà tài trợ tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác đấu thầu để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng đấu thầu của các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi.

4. Đối với các hoạt động thực hiện trước:

a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các nhà tài trợ ban hành hướng dẫn cụ thể cho cơ quan chủ quản và chủ dự án về việc xây dựng và thực hiện các hoạt động thực hiện trước.

b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế tài trợ hồi tố đối với các hoạt động thực hiện trước, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

5. Đối với các công tác quản lý tài chính:

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát Nghị định số 78/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 7 năm 2010 của Chính phủ về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ, đề xuất hướng xử lý vướng mắc cơ chế cho vay lại và Nghị định số 48/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ về hợp đồng trong hoạt động xây dựng, đối với các vấn đề cho vay lại và tạm ứng, để báo cáo Thủ tướng Chính phủ hướng giải quyết về mức tạm ứng hợp đồng cho các dự án ODA và vốn vay ưu đãi, bảo đảm phù hợp với Chỉ thị 1792/CT-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ.

6. Đối với vấn đề nâng cao năng lực Ban Quản lý dự án:

a) Cơ quan chủ quản, chủ dự án khi thành lập Ban Quản lý dự án (BQLDA) mới để thực hiện dự án ODA phải tính đến việc sử dụng các BQLDA hiện có, có đủ năng lực, hoặc BQLDA chuyên nghiệp để thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ thực hiện dự án; tăng cường phân cấp trách nhiệm cho các BQLDA nhằm rút ngắn thời gian trình duyệt, xử lý.

b) Bộ kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu toàn diện cách thức tổ chức, đánh giá năng lực các BQLDA; xây dựng Thông tư hướng dẫn riêng về thành lập các BQLDA; thiết lập hệ thống đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề về quản lý dự án; phối hợp với các nhà tài trợ tổ chức các khóa đào tạo về quản lý dự án.

7. Về tác động của Hiến pháp 2013 đối với việc đàm phán, ký kết và thực hiện điều ước quốc tế:

Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan và các nhà tài trợ xây dựng thông tư mới để thay thế Thông tư số 01/2008/TT-BNG ngày 04 tháng 02 năm 2008 của Bộ Ngoại giao hướng dẫn trình tự, thủ tục ký kết và thực hiện điều ước quốc tế về nguồn hỗ trợ phát triển chính thức; trước mắt cần khẩn trương hoàn thiện quy trình đàm phán, ký kết và thực hiện điều ước quốc tế cụ thể về ODA theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp ngày 28 tháng 3 năm 2014 về đánh giá tác động của Hiến pháp 2013.

[...]