Thông báo 385/TB-VPCP năm 2020 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình thực hiện, giải ngân các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 385/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 26/11/2020 |
Ngày có hiệu lực | 26/11/2020 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Mai Tiến Dũng |
Lĩnh vực | Đầu tư,Tài chính nhà nước |
VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 385/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 26 tháng 11 năm 2020 |
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TẠI HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN TOÀN QUỐC VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN, GIẢI NGÂN CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ODA VÀ VỐN VAY ƯU ĐÃI NƯỚC NGOÀI
Ngày 29 tháng 10 năm 2020, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương về tình hình thực hiện, giải ngân các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài (sau đây gọi là vốn ODA) năm 2020. Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và Lãnh đạo, đại diện các Bộ, cơ quan: Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Tài nguyên và Môi trường, Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, các Ủy ban của Quốc hội: Tài chính-Ngân sách, Kinh tế, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ; các đồng chí Bí thư, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Sau khi nghe Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo; ý kiến phát biểu của các địa phương, bộ, ngành, cơ quan và ý kiến phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kết luận như sau:
Trong bối cảnh miền Trung phải chịu ảnh hưởng rất nặng nề do tình hình mưa lũ, bên cạnh đó dịch Covid-19 vẫn tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội, chúng ta cần vừa tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, quyết liệt phòng chống dịch Covid-19, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có vốn ODA là một nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tháng 7 và tháng 8 năm 2020 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì 02 Hội nghị giao ban trực tuyến đôn đốc, thúc đẩy triển khai đầu tư công, Chính phủ cũng đã lập 07 Đoàn công tác kiểm tra tại các Bộ, ngành địa phương, cùng với nhiều biện pháp chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho từng chương trình, dự án vốn ODA; quyết liệt trong điều chuyển vốn cho dự án khác, thay đổi chủ chương trình, dự án, thay nhà thầu không đáp ứng yêu cầu, không giao vốn năm sau nếu chậm trễ giải ngân, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích tốt trong công tác giải ngân, do vậy đã đạt được nhiều kết quả khả quan.
Lũy kế giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm 2020 là hơn 283 ngàn tỷ đồng, đạt 60,14% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm, ước thực hiện 10 tháng đầu năm đạt 68,26% kế hoạch. Trong khi đó, vốn ODA, tỷ lệ giải ngân tương đối thấp, 9 tháng đầu năm 2020 đạt 28,03% (cao hơn mức giải ngân 8 tháng đầu năm là 21,96%) và ước 10 tháng năm 2020 đạt 30,15% vốn kế hoạch năm và đạt khoảng 35% nếu tính trên số kế hoạch năm 2020 đã điều chỉnh. Về cơ bản, các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương đều có quyết tâm chính trị cao, phấn đấu giải ngân cả năm 2020 đạt từ 90-100% kế hoạch vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương.
Việc giải ngân chậm do nhiều nguyên nhân, nhưng nghiêm khắc thấy rằng nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu như: (i) một số Bộ, ngành, địa phương còn thiếu quyết tâm chính trị, vai trò người đứng đầu chưa được phát huy đầy đủ; (ii) công tác lập kế hoạch vốn ODA chưa sát với nhu cầu thực tế, trong khi các dự án có nhu cầu bổ sung vốn giải ngân nhưng không được bố trí vốn kịp thời hoặc bố trí thiếu; vốn đối ứng không được bố trí đủ; (iii) sự phối hợp giữa các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương và các nhà tài trợ còn thiếu chặt chẽ; (iv) tính sẵn sàng trong chuẩn bị dự án chưa tốt; (v) công tác đền bù, giải phóng mặt bằng dự án ODA còn gặp khó khăn, vướng mắc do phải thực hiện hài hòa giữa thủ tục trong nước và chính sách của nhà tài trợ; (vi) công tác giải ngân, rút vốn còn chưa linh hoạt, một số chủ dự án, Ban Quản lý dự án còn tâm lý ngại làm thủ tục rút vốn giải ngân nhiều lần mặc dù đã có khối lượng nghiệm thu hoàn thành; (vii) thủ tục thẩm định, phê duyệt, đàm phán ký kết Hiệp định và điều chỉnh các dự án ODA còn phức tạp, kéo dài dẫn đến nhiều dự án khi được triển khai không còn phù hợp, phải điều chỉnh, gia hạn; (viii) các quy định pháp luật về vốn ODA còn chưa đồng bộ, một số thủ tục còn phức tạp…
Mặc dù Việt Nam đã “tốt nghiệp” sử dụng vốn ODA với lãi suất ưu đãi của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tuy nhiên thời gian tới nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài vẫn là một trong những nguồn lực quan trọng để đầu tư cho những công trình cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm, có tính lan tỏa cao và quan trọng đi cùng với bảo đảm hiệu quả và đáp ứng các chỉ tiêu an toàn nợ công.
Để thực hiện tốt việc thu hút và thúc đẩy giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA, Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài họp định kỳ với Nhóm 6 Ngân hàng Phát triển nhằm nhận diện các vướng mắc từ cả hai phía để cùng có các giải pháp, kế hoạch thực hiện phù hợp.
Chuẩn bị kết thúc năm 2020, trong khi số vốn ODA chưa được giải ngân còn lại tương đối lớn. Để phấn đấu giải ngân hết số vốn ODA được giao năm 2020, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau đây:
1. Tiếp tục quán triệt các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; có quyết tâm chính trị cao hơn nữa, coi nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2020 và những năm tiếp theo. Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; Thông báo số 242/TB-VPCP ngày 18 tháng 7 năm 2020 và Thông báo số 310/TB-VPCP ngày 27 tháng 8 năm 2020 về đôn đốc triển khai công tác đầu tư công năm 2020 và công văn số 7865/VPCP-KTTH ngày 18 tháng 9 năm 2020 của Văn phòng Chính phủ.
2. Yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đề nghị các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy quan tâm chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị: (i) thường xuyên giao ban, kiểm tra, bám sát nhiệm vụ, phối hợp tốt với các cơ quan tổng hợp, các nhà tài trợ để tạo chuyển biến thực chất giải ngân vốn ODA tại đơn vị, địa phương mình; (ii) rà soát, chấn chỉnh, có giải pháp cụ thể để khắc phục, đẩy nhanh giải ngân vốn ODA trong thời gian tới; chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra chậm trễ giải ngân vốn ODA; (iii) đẩy mạnh giải ngân đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình các dự án ODA, phòng chống tham nhũng, lãng phí; (iv) xử lý kịp thời cơ quan tổ chức, cá nhân gây cản trở, chậm trễ giải ngân vốn ODA; (v) gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân. Trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân thì kiểm điểm trách nhiệm tập thể, người đứng đầu, cá nhân liên quan; không xét thi đua khen thưởng, hoàn thành tốt nhiệm vụ đối với người đứng đầu, chủ đầu tư và cá nhân liên quan.
3. Về chuẩn bị và triển khai thực hiện trong thời gian tới các chương trình, dự án, yêu cầu các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương:
a) Nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị và thiết kế chương trình, dự án ODA, các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư cần tuyển chọn tư vấn đủ năng lực, kinh nghiệm thiết kế dự án, đảm bảo đạt chất lượng, phù hợp với thực tế và tránh phải điều chỉnh trong quá trình triển khai; không đề xuất các cấu phần áp dụng các công nghệ nhanh chóng lạc hậu mà doanh nghiệp trong nước có thể thực hiện.
b) Chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc bố trí vốn đối ứng cho các chương trình, dự án ODA theo Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 và Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14. Các địa phương hạn chế cân đối vốn đối ứng từ nguồn thu từ đất (thường dễ bị thay đổi).
c) Thực hiện nghiêm việc điều chuyển vốn linh hoạt theo các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tránh tình trạng trả lại vốn, hủy dự toán. Lập kế hoạch đầu tư công trung hạn, vốn ODA sát với tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án, tránh tình trạng điều chỉnh, cắt giảm vốn kế hoạch trong thực hiện, ảnh hưởng tới uy tín của Việt Nam với nhà tài trợ; hàng tháng rà soát gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn để điều chuyển nội bộ giữa các dự án trong Bộ, cơ quan, địa phương, đặc biệt là các Hiệp định vay sắp kết thúc năm 2020, 2021 nhằm tránh tình trạng thiếu vốn giải ngân hoặc khi được bố trí vốn thì không thể giải ngân được.
d) Các cơ quan chủ quản dự án ODA, vay ưu đãi nước ngoài khẩn trương rà soát, đôn đốc chủ dự án và phối hợp với Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước để giải quyết hồ sơ thanh toán, giải ngân đối với các khối lượng đã hoàn thành, nghiệm thu, không để dồn đến cuối năm. Các chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện thủ tục hoàn chứng từ cho các khoản tiền đã rút vốn từ tài khoản đặc biệt.
đ) Xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc của các dự án đầu tư lớn, tập trung đẩy mạnh giải ngân các dự án đầu tư có tiềm năng giải ngân, các dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, công tác đấu thầu, triển khai ngay việc ký kết đối với các gói thầu đã có ý kiến “không phản đối” của nhà tài trợ.
e) Thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, phối hợp chặt chẽ với nhà tài trợ trong xử lý vướng mắc; nâng cao tính trách nhiệm của từng cơ quan trong bảo đảm thời hạn và chất lượng thẩm định, góp ý trong phê duyệt và điều chỉnh dự án theo quy định pháp luật.
Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ về tình hình giải ngân vốn ODA, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính theo đúng quy định. Không để chậm trễ trong xử lý hồ sơ công việc, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
g) Tăng cường năng lực tổ chức thực hiện dự án ODA ở cấp cơ quan chủ quản, chủ đầu tư và Ban Quản lý dự án, đảm bảo đội ngũ cán bộ quản lý dự án có năng lực, trình độ chuyên môn cao.
4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, các Bộ, cơ quan, địa phương và các Ban Quản lý dự án lớn nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25 tháng 12 năm 2020 về các điểm bất cập trong quy định thể chế, quy trình, thủ tục và pháp luật hiện hành về ODA, vốn vay ưu đãi để trình cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung nhằm giảm thiểu thủ tục hành chính, tháo gỡ vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA, tăng tính hiệu quả cho các chương trình, dự án.
b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ về quản lý và sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài theo hướng quy định đơn giản hơn về hồ sơ, quy trình, thủ tục phê duyệt, điều chỉnh và gia hạn; sớm ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định này.
c) Chủ trì hoàn thiện Định hướng thu hút, sử dụng ODA, vay ưu đãi nước ngoài giai đoạn 2021-2025 để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 12 năm 2020, trong đó cần tạo thuận lợi cho các Bộ ngành, địa phương chuẩn bị tốt, có chất lượng các dự án, tăng tính sẵn sàng cho các dự án ODA, vốn vay ưu đãi cho giai đoạn trung hạn 2021-2025.
d) Tiếp tục phối hợp với các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương rà soát tình hình giải ngân của các dự án để có kế hoạch điều chuyển kịp thời, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án cắt giảm, điều chuyển số vốn trên theo đúng quy định tại Nghị quyết số 129/NQ-CP ngày 11 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2020, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn.
đ) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25 tháng 12 năm 2020 về phương án bố trí vốn đối ứng nhằm tháo gỡ vướng mắc cho các chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài trong thời gian tới.
e) Khẩn trương tổng hợp kết quả kiểm tra về giải ngân đầu tư công của các Đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.