Thông báo 147/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Hội nghị tổng kết công tác xây dựng và phát triển vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2006-2010 và định hướng phát triển giai đoạn 2011-2015 do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 147/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 13/04/2012 |
Ngày có hiệu lực | 13/04/2012 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Phạm Văn Phượng |
Lĩnh vực | Xây dựng - Đô thị |
VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 147/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 13 tháng 4 năm 2012 |
Ngày 07 tháng 4 năm 2012, tại thành phố Cần Thơ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì Hội nghị tổng kết công tác xây dựng và phát triển các Vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2006-2010 và định hướng phát triển giai đoạn 2011-2015. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; đại diện các Bộ: Tài chính, Giáo dục và Đào tạo và lãnh đạo 24 tỉnh, thành phố thuộc các Vùng kinh tế trọng điểm.
Sau khi nghe Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số Bộ, ngành, địa phương báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của các vùng Kinh tế trọng điểm và công tác hoạt động điều phối giai đoạn 2006-2010 và định hướng phát triển trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã kết luận như sau:
Giai đoạn 2006-2010, trong điều kiện khó khăn do tác động của khủng hoảng kinh tế, tài chính thế giới, tình hình trong nước gặp nhiều khó khăn nhưng các địa phương trong vùng Kinh tế trọng điểm đã có nhiều cố gắng, nỗ lực vượt qua khó khăn và có bước phát triển khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực: tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 10,98% (cả nước 7%); cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực (công nghiệp-xây dựng 46,8%, dịch vụ 41% và nông, lâm nghiệp, thủy sản 12,2%); thu nhập bình quân đầu người năm 2010 đạt 34,6 triệu đồng (gấp 1,36 lần so bình quân cả nước); tổng thu ngân sách nhà nước của các vùng Kinh tế trọng điểm chiếm 88,7% và tổng kim ngạch xuất khẩu chiếm 89,89% của cả nước;
Cơ sở hạ tầng về kinh tế, xã hội và mạng lưới kết cấu hạ tầng liên vùng được đầu tư mạnh trong các năm qua, đáp ứng cơ bản yêu cầu về phát triển và hội nhập quốc tế; đến nay các Vùng kinh tế trọng điểm trở thành các trung tâm về chính trị, kinh tế, khoa học kỹ thuật của cả nước với các đô thị trung tâm như các thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ; đây cũng là nơi hình thành và phát triển các ngành công nghiệp lớn, quan trọng trong cả nước (diện tích các khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm 80% diện tích của cả nước); công tác quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch đã được quan tâm, chú trọng; các lĩnh vực văn hóa, xã hội có bước phát triển tiến bộ; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn khoảng 10% (cả nước 14,2%).
Đạt được các kết quả trên, một phần là do công tác điều phối giữa các Vùng kinh tế trọng điểm đã có nhiều cố gắng; sự phối hợp giữa các Bộ, ngành và các địa phương trong việc tham gia xử lý những vấn đề có tính liên kết vùng như đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng, nhất là các dự án giao thông, xử lý ô nhiễm môi trường, xây dựng cơ chế chính sách... đã đạt được một số kết quả nhất định, tạo điều kiện cho các địa phương trong Vùng phát triển.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các vùng Kinh tế trọng điểm cũng còn một số tồn tại, hạn chế đó là: chưa tạo ra được những sản phẩm có giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao; hiệu quả đầu tư còn thấp; chưa phát huy hết vai trò là đầu tàu tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương khác; cơ sở hạ tầng mặc dù được cải thiện đáng kể nhưng chưa đồng bộ, đang trong tình trạng ngày càng quá tải; nguồn nhân lực và chất lượng lao động chưa đáp ứng cho nhu cầu phát triển; một số vấn đề về xã hội, môi trường còn bất cập, gây bức xúc trong xã hội; tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm nguồn nước và vấn đề xử lý chất thải rắn đang là vấn đề nóng trong các vùng; chất lượng quy hoạch cũng như công tác quản lý và thực hiện quy hoạch còn bộc lộ nhiều yếu kém.
Công tác điều phối của các Bộ, ngành và các địa phương chưa được quan tâm đúng mức nên dẫn đến kết quả hoạt động điều phối còn nhiều hạn chế, thiếu chủ động, chưa phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ của công tác điều phối; sự phân công, hợp tác liên kết giữa các địa phương trong vùng Kinh tế trọng điểm chưa hợp lý, vẫn để tình trạng đầu tư trùng lắp, chồng chéo.
II. CÁC NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI:
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, các vùng Kinh tế trọng điểm với vai trò là đầu tàu, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của cả nước, các Bộ, ngành và các địa phương trong các vùng Kinh tế trọng điểm quán triệt và thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan khẩn trương hoàn thành dự thảo Luật Quy hoạch; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các Vùng Kinh tế trọng điểm giai đoạn đến 2020, trình Thủ tướng Chính phủ.
- Chủ trì, phối hợp với các địa phương trong các vùng Kinh tế trọng điểm tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư theo Vùng hoặc tổ chức theo chuyên đề nhằm thu hút, huy động các nguồn vốn của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước, FDI, ODA tham gia đầu tư vào các Vùng Kinh tế trọng điểm.
- Thực hiện tốt Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đầu tư vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ; tham mưu trình Chính phủ sớm ban hành Nghị định đầu tư kế hoạch trung hạn đồng thời hướng dẫn các Bộ ngành và địa phương trong việc xây dựng kế hoạch trung hạn.
- Rà soát các cơ chế, chính sách ưu đãi hiện có đối với các vùng Kinh tế trọng điểm; nghiên cứu sửa đổi, đề xuất các cơ chế phù hợp trong tình hình hiện nay nhằm tạo điều kiện thúc đẩy việc liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm; phối hợp trong việc thực hiện các dự án về đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo sự đồng bộ, tránh trùng lặp, chồng chéo.
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương trong Vùng kiện toàn lại bộ máy của Văn phòng Ban Chỉ đạo và các tổ chức điều phối nhằm tăng hiệu lực, hiệu quả và trách nhiệm của các tổ chức điều phối; rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Ban Chỉ đạo và các tổ chức điều phối, báo cáo Ban Chỉ đạo điều phối phát triển các Vùng Kinh tế trọng điểm xem xét để trình Thủ tướng Chính phủ.
- Giao Văn phòng Ban Chỉ đạo phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương xây dựng chương trình kế hoạch điều phối giai đoạn 2011-2015 của Ban Chỉ đạo; trong đó chủ yếu tập trung vào việc thực hiện các quy hoạch, dự án, công trình có tính đột phá, hoặc liên kết vùng; các chuyên đề quan trọng, cấp bách của ngành; đề xuất lộ trình và giải pháp thực hiện.
Căn cứ vào chương trình này, hàng năm Ban chỉ đạo đôn đốc, giám sát, kiểm tra và đánh giá tình hình thực hiện của các Bộ, ngành và địa phương; cung cấp thông tin, kiểm tra, đôn đốc nhằm phát hiện các vấn đề chồng chéo trong việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch giữa các Bộ, ngành, địa phương; đề xuất các giải pháp tháo gỡ.
- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách ưu đãi đối với các vùng Kinh tế trọng điểm.
- Rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành công nghiệp, thương mại, xuất khẩu cả nước và trên địa bàn các vùng Kinh tế trọng điểm giai đoạn đến 2020 và tầm nhìn đến 2030.
- Đẩy mạnh ứng dụng phát triển công nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao để tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh cao, giảm dần hàng nhập khẩu; xác định các mặt hàng xuất khẩu chủ lực cần tập trung hỗ trợ đầu tư, đồng thời có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư theo hướng sản xuất các sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao.
- Xây dựng phương án, lộ trình đầu tư đối với các dự án chiến lược thuộc ngành quản lý có tính đột phá tại các vùng Kinh tế trọng điểm.