Nghị quyết 30/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02 năm 2017

Số hiệu 30/NQ-CP
Ngày ban hành 07/03/2017
Ngày có hiệu lực 07/03/2017
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Xuân Phúc
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 30/NQ-CP

Hà Nội, ngày 07 tháng 3 năm 2017

 

NGHỊ QUYẾT

PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 02 NĂM 2017

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 138/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;

Trên cơ sở thảo luận của các thành viên Chính phủ và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02 năm 2017, tổ chức vào ngày 01 tháng 3 năm 2017,

QUYẾT NGHỊ:

1. Về dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi)

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến Chính phủ, hoàn thiện dự án Luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Quốc hội.

2. Về dự án Luật thủy sản (sửa đổi)

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các Bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến Chính phủ, hoàn thiện dự án Luật. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật.

3. Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tố cáo

Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các Bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến Chính phủ, hoàn thiện dự án Luật. Tổng Thanh tra Chính phủ thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật.

4. Về dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật dược

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các Bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến Chính phủ, hoàn thiện dự thảo Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trước ngày 20 tháng 3 năm 2017, bảo đảm sự phát triển bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp dược, tăng cường quản lý nhà nước, chống độc quyền và thao túng thị trường thuốc. Bộ Y tế chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với thuốc, dược chất thuộc danh mục chất cấm sử dụng trong một số ngành, lĩnh vực cụ thể.

Chính phủ thống nhất cho tiếp tục thực hiện các quy định hiện hành không trái với Luật dược năm 2016 đến khi Nghị định quy định chi tiết Luật dược năm 2016 có hiệu lực thi hành.

5. Về cơ chế cấp bù chênh lệch lãi suất để thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội

- Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, và các bộ, cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế cấp bù chênh lệch lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng xác định mức bố trí chi để cấp nguồn vốn, cấp bù chênh lệch, phí quản lý cho Ngân hàng Chính sách xã hội và cấp bù chênh lệch lãi suất cho các tổ chức tín dụng được Nhà nước chỉ định trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 để thực hiện chính sách theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP trong 5 năm, đồng thời đề xuất việc bổ sung các thủ tục pháp lý liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3 năm 2017.

- Căn cứ khả năng bố trí nguồn ngân sách nhà nước, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất khung lãi suất cho vay hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội trong trung hạn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định mức lãi suất cho vay phát triển nhà ở xã hội trong các năm 2018, 2019 và 2020.

- Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội và các Bộ, cơ quan địa phương liên quan rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, đề xuất nội dung cần sửa đổi, bổ sung, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.

6. Về dự thảo Nghị quyết ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 05 tháng 11 năm 2016 của Ban Chấp hành Trung ương về thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế

Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến Chính phủ, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong tháng 3 năm 2017. Giao Bộ Ngoại giao là cơ quan giúp Chính phủ theo dõi việc triển khai thực hiện Nghị quyết, hàng năm tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện và đề xuất các biện pháp thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình hành động.

7. Về tình hình thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực, đề xuất các biện pháp nâng cao hiệu quả thực thi, hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt và tận dụng tốt các cơ hội mới; tình hình Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và định hướng cho Việt Nam

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan tiếp thu ý kiến Chính phủ, hoàn thiện báo cáo về tình hình thực thi các cam kết của Việt Nam trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và báo cáo về tình hình Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong bối cảnh mới, kiến nghị phương án của Việt Nam để báo cáo Bộ Chính trị.

8. Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 02 năm 2017; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017

Chính phủ thống nhất đánh giá: Tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2017 đạt nhiều kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tỷ giá cơ bản ổn định. Thị trường chứng khoán, trái phiếu phát triển tích cực. Xuất khẩu tăng mạnh. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng khá. Sản xuất nông nghiệp ổn định. Du lịch tiếp tục đà tăng trưởng, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Phát triển doanh nghiệp có xu hướng tích cực. An sinh xã hội và phúc lợi xã hội được chú trọng và thực hiện tốt. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, lao động - việc làm, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân và các lĩnh vực xã hội khác được quan tâm, đạt nhiều kết quả tích cực. An ninh chính trị và trật tự xã hội ổn định.

Bên cạnh đó, tình hình kinh tế - xã hội của nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức. Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế chuyển biến chậm. Năng suất lao động thấp, đặc biệt là khu vực nông nghiệp, nông thôn. Các chỉ số sản xuất công nghiệp, cầu tiêu dùng tăng thấp so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng. Giá một số mặt hàng nông sản thấp. Tình hình tai nạn giao thông, cháy nổ còn diễn biến phức tạp. Trong khi đó, tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, tác động đan xen nhiều mặt đến nền kinh tế nước ta.

[...]