Thông báo 145/TB-BGDĐT về kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển tại Hội nghị giao ban dạy học tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số cấp tiểu học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 145/TB-BGDĐT
Ngày ban hành 02/04/2010
Ngày có hiệu lực 02/04/2010
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Phạm Mạnh Hùng
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 145/TB-BGDĐT

Hà Nội, ngày 02 tháng 04 năm 2010

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỨ TRƯỞNG NGUYỄN VINH HIỂN TẠI HỘI NGHỊ GIAO BAN DẠY HỌC TIẾNG VIỆT CHO HỌC SINH DÂN TỘC THIỂU SỐ CẤP TIỂU HỌC

Thực hiện chương trình công tác năm học 2009 - 2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị giao ban Dạy học tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số cấp Tiểu học. Hội nghị được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng (ngày 4 và 5 tháng 3 năm 2010) dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo chung và các báo cáo tham luận về việc chỉ đạo dạy học tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số cấp Tiểu học trong năm học 2009 - 2010. Sau phần trao đổi, thảo luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển kết luận về một số công việc trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số cấp Tiểu học trong năm học 2009 - 2010 và năm học 2010 - 2011:

1. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong thời gian vừa qua, nhiều Sở Giáo dục và Đào tạo đã tích cực, chủ động chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp sáng tạo để dạy học tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, coi đây là một nhiệm vụ cơ bản, đầu tiên quyết định chất lượng dạy học đối với học sinh dân tộc thiểu số chưa biết hoặc biết ít tiếng Việt. Tuy nhiên, một số Sở Giáo dục và Đào tạo còn chưa quan tâm, chủ động, sáng tạo chỉ đạo công việc này, hoặc có chỉ đạo nhưng không cụ thể, sát sao, hiệu quả.

2. Để nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, các địa phương có học sinh dân tộc thiểu số phải có giải pháp phù hợp với thực tiễn. Cần xác định rõ việc dạy học tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số là một nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch của từng năm học và trong kế hoạch nhiều năm của địa phương. Công việc này cần phải được tiến hành đồng bộ với các công việc khác như: tổ chức cho trẻ mầm non ra lớp làm quen với tiếng Việt; tổ chức chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ trước tuổi đến trường; tổ chức mô hình nội trú dân nuôi; dạy học lớp ghép; bàn giao chất lượng học sinh; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo; tăng cường cơ sở vật chất; tổ chức dạy tiếng dân tộc cho giáo viên ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số …

3. Trong quá trình thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Công văn số 8114/BGDĐT-GDTH ngày 15 tháng 9 năm 2009 về việc Nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, các địa phương cần lưu ý một số điểm sau:

3.1. Đối với việc dạy học tiếng Việt theo định hướng chỉ đạo tăng thời lượng dạy học môn Tiếng Việt lớp 1 (từ 350 tiết thành 500 tiết), các Sở Giáo dục và Đào tạo cần chủ động, linh hoạt để chỉ đạo các trường tiểu học điều chỉnh thời lượng dạy học môn Tiếng Việt. Trong điều kiện không thể tổ chức dạy học tăng buổi trong tuần hoặc dạy học 2 buổi/ngày cho học sinh lớp 1, các trường có thể điều chỉnh nội dung, thời lượng dạy học của các môn học khác để tập trung dạy học tiếng Việt cho học sinh (đề nghị xem hướng dẫn tại Thông tư số 39/2009/TT-BGDĐT ngày 29 tháng 12 năm 2009 về Quy định Giáo dục hòa nhập cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn).

Vụ Giáo dục Tiểu học cần khẩn trương thẩm định, hoàn thiện tài liệu Hướng dẫn giáo viên dạy học môn Tiếng Việt lớp 1 theo định hướng chỉ đạo tăng thời lượng để giáo viên tham khảo, thực hiện.

3.2. Đối với việc dạy học tiếng Việt lớp 1 theo tài liệu của Trung tâm Công nghệ Giáo dục, dựa trên điều kiện thực tế, các địa phương đăng ký số lượng học sinh cụ thể với Bộ Giáo dục và Đào tạo (Vụ Giáo dục Tiểu học) để Bộ chủ động về kế hoạch tập huấn giáo viên và phân phối tài liệu học tập cho học sinh trong năm học tới.

4. Dự án Giáo dục Tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn cần chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất phương án kéo dài, mở rộng phạm vi áp dụng tài liệu Chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ trước tuổi đến trường và xây dựng lực lượng nhân viên hỗ trợ giáo viên.

5. Trên cơ sở thực tiễn, các Sở chủ động tìm nguồn kinh phí, huy động nguồn lực, tìm giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số.

Các Sở Giáo dục và Đào tạo cần báo cáo kế hoạch và kết quả chuẩn bị tiếng Việt, dạy học tiếng Việt ở địa phương với Bộ Giáo dục và Đào tạo (Vụ Giáo dục Tiểu học và Vụ Giáo dục Dân tộc) theo hướng dẫn tại Công văn số 8114 nêu trên.

Trên đây là thông báo kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển tại Hội nghị giao ban Dạy học tiếng Việt cho học sinh dân tộc cấp Tiểu học. Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo để các Sở Giáo dục và Đào tạo biết và thực hiện.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng (để báo cáo và chỉ đạo);
- Các Sở Giáo dục và Đào tạo (để thực hiện);
- Vụ GDMN, Vụ GDTH, Vụ GDDT, Viện KHGDVN (để thực hiện);
- Lưu: VT, TH.

TL. BỘ TRƯỞNG
CHÁNH VĂN PHÒNG




Phạm Mạnh Hùng

 

3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ