Thông báo 141/TB-VPCP năm 2019 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 141/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 12/04/2019 |
Ngày có hiệu lực | 12/04/2019 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Nguyễn Văn Tùng |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 141/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 12 tháng 4 năm 2019 |
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH QUẢNG NAM
Ngày 23 tháng 3 năm 2019, tại trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 03 năm (2016 - 2018), những tháng đầu năm 2019 và một số kiến nghị của Tỉnh. Cùng dự buổi làm việc có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến và đại diện lãnh đạo các Bộ: Tài chính, Giao thông vận tải, Công Thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Sau khi nghe báo cáo của đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam, ý kiến phát biểu của lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau:
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam về những kết quả đạt được thời gian qua. Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, với truyền thống cách mạng kiên trung, anh dũng, Tỉnh đã đóng góp nhiều sức người, sức của và chịu nhiều hy sinh, mất mát (gần 15 nghìn Mẹ Việt Nam Anh hùng, chiếm 1/5 của cả nước; trên 70 nghìn liệt sỹ và hàng vạn, vạn thương bệnh binh). Đồng thời, với tinh thần đổi mới sáng tạo, hành động quyết liệt, dám nghĩ dám làm, từ một địa phương rất khó khăn, xuất phát điểm thấp, tỉnh Quảng Nam đã đạt được nhiều kết quả phát triển kinh tế - xã hội quan trọng, như: Tổng thu ngân sách tăng gấp gần 200 lần so với lúc mới được tái lập Tỉnh; là một trong 16 địa phương có đóng góp cho ngân sách Trung ương; đã xây dựng được một số thương hiệu sản phẩm riêng, trung tâm du lịch của vùng, trung tâm sản ô tô lớn của Việt Nam. Tỉnh đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa; phát triển khu vực phía Đông tỉnh để tạo nguồn lực hỗ trợ phát triển khu vực phía Tây. An sinh xã hội được đảm bảo; đời sống nhân dân từng bước được cải thiện; công tác đền ơn đáp nghĩa được quan tâm thực hiện, nhất là hỗ trợ nhà ở cho người có công cách mạng, phụng dưỡng mẹ Việt Nam Anh hùng. Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2018 giảm còn 7,57%, (qua 3 năm giảm 7,55%). Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ. Công tác phòng, chống tham nhũng, cải cách hành chính tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Quảng Nam vẫn còn một số khó khăn, thách thức: Tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng khá, nhưng chủ yếu vẫn theo chiều rộng, chưa phát huy được hết những tiềm năng, lợi thế, nhất là dịch vụ du lịch, kinh tế biển; Tỷ lệ lao động trong nông nghiệp còn lớn, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức 7,57%, cao hơn bình quân của cả nước (cả nước 5,35%), tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới còn thấp so với bình quân cả nước, còn nhiều huyện đặc biệt khó khăn; Thu hút đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn vẫn còn khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục về đất đai, cơ chế chính sách, tiếp cận vốn...; Vi phạm các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản, khoáng sản vẫn còn xảy ra, một số vụ khai thác cát trái phép trên biển, sông, bến bãi tuy đã được ngăn chặn, xử lý kịp thời nhưng còn tiềm ẩn tái phát, một số khu vực vẫn còn ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong nhân dân. Tình hình an ninh, trật tự trên một số địa bàn, lĩnh vực còn tiềm ẩn phức tạp, mất ổn định, công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội còn hạn chế.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI
Về cơ bản nhất trí phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ mà Tỉnh đã đặt ra cho năm 2019 và các năm tiếp theo, Tỉnh cần tập trung thực hiện một số nội dung, nhiệm vụ chủ yếu sau:
1. Tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng XII, các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI và Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND. Phát huy truyền thống tốt đẹp, lợi thế về vị trí địa lý, truyền thống văn hóa, lịch sử và con người, tổ chức triển khai các nhiệm vụ đã đề ra, không được tự mãn với những thành tích đã đạt được; cần có những tư duy, giải pháp bứt phá trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2019, tạo nền tảng vững chắc những năm tiếp theo.
Quảng Nam cần phấn đấu tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế trong vòng 5 năm tới; phải trở thành tỉnh khá giả về thu nhập vào năm 2025. Cùng với tỉnh Quảng Ngãi, thành phố Đà Nẵng để tạo nên cực tăng trưởng có sức lan tỏa về công nghiệp hiện đại, nông nghiệp thông minh, du lịch phát triển, đóng vai trò dẫn dắt xu hướng phát triển, có tính chất bao trùm, bền vững của khu vực.
2. Tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất, đặc biệt là công nghiệp chế biến, công nghiệp chế tạo. Có cơ chế chính sách khuyến khích hơn nữa trong thu hút đầu tư, nhất là các dự án FDI chất lượng cao, công nghệ cao vào các khu, cụm công nghiệp của Tỉnh.
3. Chú trọng phát triển du lịch bền vững, đưa Quảng Nam trở thành trung tâm du lịch của đất nước và khu vực, (đặc biệt cần khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch của địa phương duy nhất trong cả nước có 02 di sản văn hóa thế giới), gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho du lịch, dịch vụ; tạo chuỗi liên kết du lịch với các tỉnh trong vùng và các trung tâm du lịch lớn của cả nước.
4. Tiếp tục hoàn thiện, rà soát quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông (sân bay, cảng biển). Tỉnh phải có các giải pháp để huy động các nguồn lực xã hội hóa cho đầu tư phát triển đô thị; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình, dự án trọng điểm.
5. Tăng cường phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; giải quyết việc làm. Huy động, lồng ghép các nguồn lực đầu tư các chương trình, dự án thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới. Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa y tế, giáo dục; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững, quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nông dân, nhất là hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng theo tinh thần Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Chấp hành Trung ương, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
6. Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị gắn với việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh và Quy định số 08 của Trung ương về trách nhiệm nêu gương; Chỉ thị sàng lọc đảng viên để nâng cao chất lượng đảng viên, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh... Tập trung đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh. Quan tâm đến việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, làm tốt công tác cán bộ để xây dựng đội ngũ cán bộ có chất lượng cao, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, chủ quyền, biên giới quốc gia; Làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.
III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH
1. Về cơ chế, chính sách đặc thù bảo tồn, phát triển, phát huy giá trị Di sản văn hóa Thế giới đô thị cổ Hội An: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1318/VPCP- KGVX ngày 18 tháng 02 năm 2019 của Văn phòng Chính phủ.
2. Về đầu tư, nâng cấp cảng hàng không Chu Lai theo hình thức xã hội hóa: Giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương làm việc thống nhất với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam về việc lập điều chỉnh quy hoạch và nhà đầu tư thực hiện, cải tạo, nâng cấp cảng hàng không Chu Lai theo hình thức xã hội hóa, không dùng ngân sách Nhà nước hay vốn có nguồn gốc ngân sách Nhà nước đúng pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2019.
3. Về Dự án xây dựng Đại học Đà Nẵng tại Hòa Quý - Điện Ngọc: Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Đà Nẵng phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư của Dự án.
4. Về bố trí vốn đầu tư tuyến Quốc lộ 14D: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính làm việc với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) xử lý cụ thể, phù hợp.
5. Về đề nghị nâng cấp cặp cửa khẩu Nam Giang - Đắc Tà Ọoc lên cặp cửa khẩu Quốc tế trong năm 2019: Giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan hướng dẫn Tỉnh lập hồ sơ nâng cấp cửa khẩu và thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định tại Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Tỉnh chỉ đạo trước mắt đảm bảo an ninh, an toàn nhất là phòng chống buôn bán ma túy, không phá rừng khu vực này.
6. Về việc mở rộng thêm phần đường dành cho xe thô sơ trên tuyến Quốc lộ 1 (đoạn qua Quảng Nam đoạn từ huyện Duy Xuyên đến huyện Phú Ninh): Giao Bộ Giao thông vận tải xem xét, xử lý kiến nghị của Tỉnh.
7. Về đề nghị cho phép sử dụng vốn vay còn dư của dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi để đầu tư nâng cấp mở rộng Quốc lộ 14E đoạn từ đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đến ngã ba giao với đường Hồ Chí Minh (ngã ba Làng Hồi) và đầu tư xây dựng mới nút giao liên thông với đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi tại Km90+660 (lý trình đường cao tốc) và đoạn tuyến nối từ đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đến Quốc lộ 1A và ĐT.620: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, làm việc với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính và tỉnh Quảng Nam để thống nhất đề xuất nguồn vốn, trong đó có phương án sử dụng vốn vay ưu đãi IDA còn dư của Ngân hàng Thế giới, để thực hiện 02 dự án giao thông nêu trên của tỉnh Quảng Nam, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4 năm 2019.
8. Về phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Chu Lai, tỉnh Quảng Nam thành cảng loại I và đồng ý chủ trương đầu tư dự án Nạo vét luồng Cửa Lở, cảng Chu Lai cho tàu 5 vạn tấn cập cảng từ nguồn hỗ trợ ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh và xã hội hóa đầu tư:
a) Về phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Chu Lai, tỉnh Quảng Nam: Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam khẩn trương hoàn thành lập điều chỉnh quy hoạch gửi Bộ Giao thông vận tải thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh trong Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2030.
b) Về chủ trương đầu tư Dự án nạo vét luồng Cửa Lở, cảng Chu Lai: Giao Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn Tỉnh tổ chức lập, trình duyệt Dự án nạo vét luồng Cửa Lở theo định hướng Quy hoạch tại Quyết định số 1737/QĐ-TTg ngày 13 tháng 12 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.
9. Về cho phép Tỉnh xây dựng cơ chế hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số các huyện miền núi cao của tỉnh: Giao Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan hướng dẫn tỉnh Quảng Nam nghiên cứu, xây dựng cơ chế hỗ trợ có tính khả thi và phù hợp với quy định pháp luật.