Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Thông báo 12/2015/TB-LPQT năm 2015 về hiệu lực của Hiệp định về hợp tác và trợ giúp lẫn nhau trong các vấn đề về hải quan giữa Việt Nam - Ấn Độ do Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam- Chính phủ Cộng hòa Ấn Độ ban hành

Số hiệu 12/2015/TB-LPQT
Ngày ban hành 25/03/2015
Ngày có hiệu lực 25/03/2015
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành Chính phủ Cộng hoà Ấn Độ,Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Người ký Trương Chí Trung,J. M. Shanti Sundharam
Lĩnh vực Thương mại,Xuất nhập khẩu

BỘ NGOẠI GIAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/2015/TB-LPQT

Hà Nội, ngày 25 tháng 03 năm 2015

 

THÔNG BÁO

VỀ VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC

Thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo:

Hiệp định về hợp tác và trợ giúp lẫn nhau trong các vấn đề về hải quan giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Ấn Độ ký tại Hà Nội ngày 15 tháng 9 năm 2014, sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2015.

Bộ Ngoại giao trân trọng gửi Bản sao Hiệp định theo quy định tại Điều 68 của Luật nêu trên./.

 

 

Nơi nhận:
- Ủy ban Đối ngoại Quốc hội (để báo cáo);
- Văn phòng Chủ tịch nước (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ (để báo cáo);
- Phòng Công báo, Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tài chính;
- Bộ Tư pháp;
- Bộ Công an;
- Bộ Quốc phòng;
- Bộ Giao thông Vận tải;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam;
- Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ;
- Bộ Ngoại giao: Vụ ĐNA;
- Lưu: LPQT (2).

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG
VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Ngự

 

HIỆP ĐỊNH

GIỮA CHÍNH PHỦ CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ CỘNG HÒA ẤN ĐỘ VỀ HỢP TÁC VÀ TRỢ GIÚP LẪN NHAU TRONG CÁC VẤN ĐỀ VỀ HẢI QUAN

Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Ấn Độ (sau đây gọi riêng là “Bên ký kết” gọi chung là “các Bên ký kết”);

Nhận thấy hành vi vi phạm pháp luật hải quan gây thiệt hại đến lợi ích kinh tế, thương mại, tài chính, xã hội, y tế, môi trường và văn hóa của hai nước;

Nhận thức về tầm quan trọng của việc đảm bảo đánh giá và thu chính xác thuế hải quan, thuế và các loại phí và lệ phí về nhập khẩu / xuất khẩu hàng hóa cũng như việc thực hiện đúng pháp luật hải quan liên quan đến việc cấm, hạn chế và các biện pháp chính sách thương mại khác;

Lo ngại về xu hướng buôn bán trái phép các chất ma túy và chất hướng thần, xét thấy rằng các chất này gây nguy hại đến sức khỏe cộng đồng xã hội;

Tin tưởng rằng các hành động thực thi chống lại các vi phạm về hải quan có thể được thực hiện hiệu quả hơn bằng cách hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan hải quan của các Bên ký kết;

Mong muốn thúc đẩy các thủ tục hiện đại, hiệu quả và minh bạch để giảm chi phí và tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại hợp pháp giữa hai nước;

Nhận thức về tầm quan trọng của việc xây dựng năng lực và nhu cầu xây dựng các hoạt động đào tạo một cách khoa học;

Thừa nhận sự cần thiết về hợp tác quốc tế trong các vấn đề liên quan đến việc áp dụng và thực thi pháp luật hải quan; và

Quan tâm đến các công ước quốc tế liên quan cũng như các khuyến nghị của Tổ chức Hải quan Thế giới về việc khuyến khích giúp đỡ lẫn nhau;

Đã thỏa thuận như sau:

Chương I

Điều 1

Định nghĩa

Trong Hiệp định này, các thuật ngữ sau có nghĩa là:

(a) “Cơ quan Hải quan”: đối với Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tổng cục Hải quan và đối với nước Cộng hòa Ấn Độ Hội đồng Trung ương về Thuế gián thu và Hải quan;

(b) “Thuế hải quan”: là tất cả các loại thuế hải quan, thuế, lệ phí hay bất kỳ khoản phí khác được áp dụng, hoặc có liên quan đến việc nhập khẩu hoặc xuất khẩu hàng hóa, trong các vùng lãnh thổ của các Bên ký kết trong việc áp dụng pháp luật hải quan, nhưng không bao gồm phí và lệ phí cho các dịch vụ được cung cấp;

(c) “Pháp luật hải quan”: là các quy phạm pháp luật, quy định pháp lý và quy định hành chính có thể áp dụng hoặc thực thi bởi cơ quan hải quan liên quan đến việc nhập khẩu, xuất khẩu, chuyển tải, quá cảnh, lưu kho và vận chuyển hàng hóa, bao gồm cả các quy phạm pháp luật và quy định hành chính liên quan đến các biện pháp cấm, hạn chế và kiểm soát;

(d) “Vi phạm hải quan”: là bất kỳ vi phạm hoặc cố ý vi phạm pháp luật hải quan;

[...]