Thông báo số 110/TB-VPCP về việc ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp đánh giá kết quả thực hiện đề án “Phát triển công nghiệp dược và xây dựng mô hình hệ thống cung ứng thuốc của Việt Nam giai đoạn 2007 – 2015 và tầm nhìn đến năm 2020” và “Chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ trọng điểm quốc gia phát triển công nghiệp hóa dược đến năm 2020” do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 110/TB-VPCP
Ngày ban hành 31/03/2009
Ngày có hiệu lực 31/03/2009
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Xuân Phúc
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 110/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 31 tháng 03 năm 2009

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI TẠI CUỘC HỌP ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP DƯỢC VÀ XÂY DỰNG MÔ HÌNH HỆ THỐNG CUNG ỨNG THUỐC CỦA VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2007 – 2015 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020” VÀ “CHƯƠNG TRÌNH NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CÔNG NGHỆ TRỌNG ĐIỂM QUỐC GIA PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP HÓA DƯỢC ĐẾN NĂM 2020”

Ngày 12 tháng 3 năm 2009, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp để đánh giá kết quả thực hiện Đề án "Phát triển công nghiệp Dược và xây dựng mô hình hệ thống cung ứng thuốc của Việt Nam giai đoạn 2007- 2015 và tầm nhìn đến năm 2020" và "Chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ trọng điểm quốc gia phát triển công nghiệp hóa dược đến năm 2020" (sau đây gọi tắt là Đề án, Chương trình). Tham dự cuộc họp có đại diện các Bộ, cơ quan: Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, Tổng công ty Hóa chất Việt Nam, Tổng công ty Dược Việt Nam và Viện Hoá học công nghiệp Việt Nam. Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo Bộ Công Thương, ý kiến phát biểu của đại diện các Bộ, ngành, cơ quan tham dự, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã kết luận như sau.

1. Đề án "Phát triển công nghiệp Dược và xây dựng mô hình hệ thống cung ứng thuốc của Việt Nam giai đoạn 2007-2015 và tầm nhìn đến năm 2020" và “Chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ trọng điểm quốc gia phát triển công nghiệp hóa dược đến năm 2020" đã được xây dựng công phu và được Thủ tướng Chính phủ quan tâm, vì vậy việc kiểm điểm thường xuyên tiến độ để đẩy mạnh các hoạt động của Đề án, Chương trình là cần thiết.

2. Ban Điều hành liên ngành đã làm tốt việc xét duyệt các đề tài nghiên cứu khoa học, dự án sản xuất thử nghiệm sản phẩm gắn với việc triển khai thực hiện theo định hướng của Chương trình. Đề nghị Ban Điều hành liên ngành đôn đốc các đề tài, dự án nhanh chóng hoàn thành các nội dung nghiên cứu, thanh quyết toán theo đúng tiến độ và quy định của pháp luật; đồng thời phổ biến rộng rãi về "Chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ trọng điểm quốc gia phát triển công nghiệp hóa dược đến năm 2020” cho các trường đại học, viện nghiên cứu, các nhà khoa học và các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất liên quan đến hoá dược tham gia thực hiện Chương trình.

3. Về việc xây dựng tiềm lực khoa học cho ngành hóa dược:

- Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện việc đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu của "Chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ trọng điểm quốc gia phát triển công nghiệp hóa dược đến năm 2020" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Y tế chỉ đạo việc triển khai xây dựng phòng thí nghiệm chuyên ngành theo hướng gắn với nhu cầu thực tiễn của các công ty dược, chỉ định đơn vị có năng lực tư vấn các thiết bị cần thiết cho phòng thí nghiệm chuyên ngành hoá dược và các đơn vị có khả năng sử dụng có hiệu quả phòng thí nghiệm phục vụ cho việc phát triển ngành công nghiệp hoá dược.

- Việc hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ hoá dược và sản xuất nguyên liệu hoá dược phục vụ công nghệ bào chế thuốc cần mở rộng khai thác thế mạnh của các nước Đông âu, bên cạnh các nước có trình độ tiên tiến về khoa học công nghệ hoá dược.

4. Về cơ chế, chính sách ưu đãi cần thực hiện theo từng dự án cụ thể, có tính khả thi và hiệu quả kinh tế. Bộ Công Thương, Ban Điều hành liên ngành xem xét tính kinh tế, khả thi và các cơ chế, chính sách hỗ trợ từng dự án cụ thể, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Đối với dự án xây dựng nhà máy sản xuất thuốc kháng sinh nhóm cephalosporin: giao Bộ Y tế chỉ đạo Tổng công ty Dược Việt Nam; Công ty cổ phần hoá - dược phẩm Mekophar phối hợp với Tổng công ty Hóa chất Việt Nam lập dự án đầu tư trong tháng 6 năm 2009 báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Ban Điều hành liên ngành xem xét, cho ý kiến về cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

5. Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ về năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước có thể đáp ứng thuốc theo danh mục thuốc thiết yếu, xây dựng danh mục hoạt chất để định hướng cho việc đầu tư sản xuất nguyên liệu bào chế thuốc tại Việt Nam. Ban Điều hành liên ngành căn cứ vào định hướng đó để triển khai thực hiện các nhiệm vụ của “Chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ trọng điểm quốc gia phát triển công nghiệp hóa được đến năm 2020".

Giao Bộ Y tế chỉ đạo Tổng công ty Dược Việt Nam lập dự án thành lập hệ thống phân phối và cung ứng thuốc đủ mạnh chi phối thị trường, đảm bảo cung ứng thuốc ổn định, trình các cơ quan chức năng vào quý III năm 2009; đề xuất các chính sách hỗ trợ đảm bảo hệ thống phân phối và cung ứng thuốc hoạt động có hiệu quả.

6. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Khoa học và Công nghệ bố trí đủ vốn để thực hiện các nhiệm vụ, đề tài, dự án thuộc "Chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ trọng điểm quốc gia phát triển công nghiệp hóa dược đến năm 2020" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, cơ quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng;
- Các Bộ: CT, YT, KH&CN, TC, KH&ĐT, GD&ĐT;
- Tổng công ty Dược VN
- Tổng công ty Hóa chất VN;
- VPCP: BTCN, các PCN: Nguyễn Hữu Vũ, Văn Trọng Lý; các Vụ: KTN, KTTH, TH; Cổng TTĐT;
- Lưu: Văn thư, KGVX (3).

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM




Nguyễn Xuân Phúc