Thông báo 11/TB-VPCP năm 2014 kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 11/TB-VPCP
Ngày ban hành 09/01/2014
Ngày có hiệu lực 09/01/2014
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Quang Thắng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 09 tháng 01 năm 2014

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH LẠNG SƠN

Ngày 30 tháng 12 năm 2013, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đi kiểm tra và làm việc tại tỉnh Lạng Sơn. Tham gia đoàn công tác của Phó Thủ tướng có đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Công Thương, Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Nội vụ, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Tổng cục Hải quan. Sau khi đi kiểm tra thực tế địa bàn biên giới và nghe đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2013; công tác chống buôn lậu, phòng chống tội phạm; bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2013, nhiệm vụ, giải đáp trong thời gian tới và một số kiến nghị của Tỉnh; ý kiến phát biểu của lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng và những kết quả đạt được trong những năm qua của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn. Trong điều kiện khó khăn chung, kinh tế - xã hội năm 2013 của Tỉnh tiếp tục phát triển: Tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 8,8%; trong đó: nông lâm nghiệp tăng 4,4%, công nghiệp tăng 10,3%, dịch vụ tăng 10,7%; nhập khẩu tăng 3,1%, xuất khẩu tăng 22,3%; tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ tăng 29,3%.

Các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm được quan tâm; đời sống của đồng bào các dân tộc từng bước được cải thiện và nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo còn 18,3% (giảm 3% so với năm 2012); quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Hệ thống chính trị cơ sở và công tác dân tộc được tăng cường. Cấp ủy đảng và chính quyền các cấp đã tích cực triển khai, tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, không để tội phạm lộng hành gây bức xúc trong dư luận. Tai nạn giao thông được kiềm chế, giảm mạnh (số vụ tai nạn giảm 12% so với năm 2012).

Tuy nhiên, Lạng Sơn vẫn còn nghèo và gặp nhiều khó khăn: là Tỉnh miền núi, biên giới trong vùng Tây Bắc có đồng bào dân tộc chiếm tỷ lệ cao; địa hình chia cắt phức tạp; thời tiết khắc nghiệt; cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông còn bất cập, chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nông thôn còn chậm, chưa tạo được các sản phẩm công nghiệp chủ lực; đời sống của đại bộ phận đồng bào dân tộc còn ở mức thấp, trật tự an toàn giao thông, tội phạm vi phạm trật tự xã hội, buôn lậu còn diễn biến phức tạp.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI

Về cơ bản, đồng ý với các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, công tác chống buôn lậu, phòng chống tội phạm và bảo đảm trật tự an toàn giao thông của Tỉnh đã đề ra, Tuy nhiên, cần lưu ý một số việc sau:

1. Nhiệm vụ của năm 2014 hết sức nặng nề, đòi hỏi trách nhiệm cao, sự nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị. Trên cơ sở Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Lạng Sơn cần nhanh chóng cụ thể hóa để triển khai thực hiện nhiệm vụ từ ngày đầu, tháng đầu của năm 2014 một cách quyết liệt, đồng bộ nhưng có trọng tâm, trọng điểm. Chú trọng đẩy mạnh việc thực hiện 3 đột phá chiến lược, gắn với tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

2. Triển khai chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác Dân tộc đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 449/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2013; các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, trong đó ưu tiên người có công, người nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội. Thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2015; khắc phục hạn chế tồn tại, tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là phát triển hạ tầng điện, giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế … Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, dạy nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, tiêu thụ, cải thiện đời sống của đồng bào các dân tộc.

3. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 09-CT/TW của Ban Bí thư, Nghị quyết số 37/2012/QH13, Nghị quyết số 63/2013/QH13 của Quốc hội về phòng, chống tội phạm và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 2245/CĐ-TTg ngày 19 tháng 12 năm 2013 về việc tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; văn bản số 49/BCĐ-QLTT ngày 08 tháng 11 năm 2013 của Ban Chỉ đạo 127/TW về việc tăng cường chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại:

- Mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, nhất là thời điểm Tết Giáp Ngọ, tập trung đấu tranh với các băng, nhóm tội phạm nguy hiểm, ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán tàng trữ pháo nổ. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông, các địa bàn phức tạp về an ninh, trật tự. Kiên quyết triệt xóa, không để hình thành các băng nhóm, tụ điểm phức tạp về an ninh, trật tự và tệ nạn xã hội.

- Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, xuất nhập cảnh, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Tăng cường phối hợp giữa các lực lượng Công an, Biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường trong đấu tranh chống buôn lậu, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa xuất nhập khẩu. Chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, kiểm tra, giám sát đối với cán bộ, chiến sỹ trong các lực lượng chống buôn lậu, xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân; phát huy vai trò của trưởng thôn, bản, những người có uy tín, chức sắc trong dân tộc, tôn giáo. Các cơ quan thông tin truyền thông đại chúng tích cực tuyên truyền, phản ánh kịp thời kết quả kiểm tra, xử lý của các lực lượng chức năng, tạo dư luận tốt trong nhân dân;

4. Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; tăng cường trách nhiệm tham mưu, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của người đứng đầu các cơ quan; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc phối hợp của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở; nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức, ý thức chấp hành kỷ cương hành chính của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xử lý nghiêm các sai phạm, sơ kết trung tâm điều hành tại cửa khẩu Hữu nghị để rút kinh nghiệm cụ thể.

5. Củng cố an ninh quốc phòng, giữ vững ổn định chính trị, tiếp tục thực hiện chủ trương xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác cùng phát triển; mở rộng quan hệ đối ngoại và tăng cường hợp tác quốc tế; nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục, nội dung, đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

6. Thực hiện tốt các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Chính phủ về công tác bảo đảm an toàn giao thông; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, bảo đảm an toàn cho các phương tiện vận chuyển hành khách.

III. VỀ MỘT SỐ ĐỀ NGHỊ CỦA TỈNH

1. Về cơ chế, chính sách

a) Đối với Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các Bộ liên quan khẩn trương hướng dẫn Nghị định số 164/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ; Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan khẩn trương xây dựng và ban hành thông tư hướng dẫn Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg ngày 26 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ.

- Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, đề xuất về việc cửa khẩu Chi Ma được áp dụng theo Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg ngày 26 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện cơ chế thí điểm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

b) Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2013 Thủ tướng Chính phủ về Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa phương.

c) Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các Bộ liên quan rà soát trình Chính phủ sửa đổi quyết định về thẩm quyền thành lập Ban quản lý khu vực phát triển đô thị tại Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2013 để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Nghị định số 55/2012/NĐ-CP ngày 28 tháng 6 năm 2012.

d) Về bổ nhiệm người đứng đầu các cơ sở giáo dục công lập thuộc quyền quản lý của Ủy ban nhân dân cấp huyện, bổ nhiệm hiệu trưởng trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp: Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp Bộ Nội vụ và các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 115/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2010.

đ) Về biên chế công tác pháp chế tại các sở, ban, ngành: Tỉnh rà soát biên chế theo Nghị định số 36/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2013 về xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, Nghị định số 55/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011 về công tác pháp chế và cần tăng cường cho công tác pháp chế tại các sở, ngành; giao Bộ Nội vụ giải quyết theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị cuối năm vừa qua, tạo điều kiện cho địa phương.

e) Về quản lý lao động sang Trung Quốc làm thuê: Tỉnh chủ động phối hợp với các tỉnh biên giới phía Bắc triển khai thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1390/VPCP-KGVX ngày 17 tháng 7 năm 2013 của Văn phòng Chính phủ.

[...]
5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ