Thông báo số 08/TB-VPCP về việc kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 08/TB-VPCP
Ngày ban hành 06/01/2009
Ngày có hiệu lực 06/01/2009
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Xuân Phúc
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ 
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 08/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 06 tháng 01 năm 2009

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Ngày 17 tháng 12 năm 2008, tại trụ sở Thành ủy Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Phạm Gia Khiêm, Trương Vĩnh Trọng, Hoàng Trung Hải và đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường, Công an, Quốc phòng, Giáo dục và Đào tạo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2008, công tác quản lý đô thị, công tác chuẩn bị Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, các nhiệm vụ kế hoạch năm 2009, một số đề nghị của Thành phố, ý kiến của các Bộ, cơ quan và ý kiến của các Phó Thủ tướng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG:

Năm 2008, trong điều kiện có nhiều khó khăn như thiên tai, lũ lụt lớn, dịch bệnh, giá cả vật tư, hàng hóa tăng cao, nhưng Đảng bộ, chính quyền và quân dân thành phố Hà Nội đã có nhiều cố gắng phấn đấu, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đạt được kết quả khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần vào tăng trưởng chung của cả nước. Một trong những thành tích nổi bật là việc thực hiện thành công Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô, trong một thời gian tương đối ngắn, thành phố Hà Nội đã hoàn chỉnh được bộ máy chung và vận hành thông suốt, kịp thời phục vụ nhân dân, từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Sau khi mở rộng, tốc độ tăng trưởng GDP Thành phố đạt 10,58%, công nghiệp tăng 11,7% và dịch vụ tăng 10,78%; huy động vốn đầu tư tăng 19,3% so với năm 2007: số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tăng thêm trong năm 2008 là 12.500 với số vốn đăng ký 144.000 tỷ đồng, tăng 19,5% so với năm 2007; vốn FDI tăng gấp đôi, đạt 5 tỷ USD; các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, y tế tiếp tục có chuyển biến tiến bộ, công tác chuẩn bị Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội được triển khai tích cực; an sinh xã hội được bảo đảm, công tác xóa đói giảm nghèo được chú trọng; Thành phố đang từng bước khắc phục hậu quả trận mưa lũ, ngập lụt vừa qua không để xảy ra vỡ đê và dịch bệnh sau ngập lụt; xử lý đúng pháp luật 2 vụ khiếu kiện đất đai có liên quan đến tôn giáo.

Bên cạnh những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, Thành phố cần tập trung khắc phục một số tồn tại hạn chế, yếu kém, đó là: chất lượng công tác quy hoạch còn thấp; quản lý đô thị, quản lý đất công còn lỏng lẻo; tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án lớn còn chậm, nhiều công trình, dự án kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội chậm tiến độ; ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường ngày càng tăng, giải quyết khiếu kiện của dân, công tác cải cách hành chính chưa thực sự mạnh mẽ, thủ tục hành chính còn nhiều bất cập… (năm 2008, Hà Nội đứng thứ 31 trong số 63 địa phương về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, giảm 4 bậc so với năm 2007).

II. VỀ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CỦA THÀNH PHỐ TRONG NĂM 2009:

Năm 2009, trong điều kiện kinh tế thế giới sẽ có nhiều biến động phức tạp gây ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam, với mục tiêu cùng cả nước ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, thành phố Hà Nội phối hợp với các Bộ, ngành cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

- Chủ động, tích cực triển khai 5 nhóm giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế đã đề ra trong Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ.

- Tập trung tháo gỡ khó khăn và duy trì sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, kích cầu đầu tư và tiêu dùng. Trong điều kiện hiện nay khi giá cả nhiều loại vật liệu đã giảm nhiều so với thời điểm đầu và giữa năm 2008, với năng lực thi công sẵn có, trước mắt Thành phố cần tập trung đầu tư một cách hợp lý, hiệu quả cho hạ tầng như giao thông, trường học, nhà xã hội, nhà ở cho công nhân…

- Thực hiện các chính sách tài chính tiền tệ, hợp lý, linh hoạt, theo sát tình hình phát triển kinh tế chung của cả nước.

- Đẩy mạnh công tác quy hoạch (điều chỉnh và lập mới phù hợp với quy mô và điều kiện sau khi sáp nhập); tăng cường quản lý đô thị, quản lý xây dựng theo quy hoạch.

- Khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai; có phương án toàn diện và lâu dài xử lý vấn đề ngập úng và bảo vệ môi trường sinh thái và tích cực xử lý ách tắc giao thông; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

- Thực hiện các biện pháp giúp doanh nghiệp và các hộ gia đình vượt qua khó khăn, đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động, chăm lo những vùng khó khăn mới sát nhập.

- Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô; hoàn thành các công việc liên quan đến điều chỉnh địa giới hành chính, thống nhất các cơ chế, chính sách, thủ tục trong quản lý điều hành; củng cố bộ máy, nhân sự của Thành phố, các Sở, quận, huyện.

- Đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính, tháo gỡ vướng mắc, phiền hà cho nhân dân, doanh nghiệp; tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; chủ động đề xuất với Chính phủ, các Bộ, ngành phân cấp cho Thành phố thực hiện những công việc phù hợp với tính chất đặc thù và điều kiện của Thành phố.

- Tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện, vừa quyết liệt, nhưng phải linh hoạt phù hợp với tình hình mới; đồng thời nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, nâng cao năng lực và đạo đức cán bộ, công chức; đẩy mạnh phân công, phân cấp và tổ chức tốt kiểm tra để kịp thời uốn nắn, xử lý nghiêm các sai phạm trong thi hành công vụ.

- Tích cực chuẩn bị cho Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tập trung thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để bảo đảm tiến độ xây dựng các công trình, dự án lớn phục vụ Đại lễ kỷ niệm trên địa bàn Thành phố.

III. VỀ MỘT SỐ ĐỀ NGHỊ CỦA THÀNH PHỐ

1. Về việc thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Thông báo số 262/TB-VPCP ngày 18/12/2007 và số 103/TB-VPCP ngày 23/4/2008 của Văn phòng Chính phủ: giao Văn phòng Chính phủ có văn bản đôn đốc các Bộ, ngành có liên quan phối hợp chặt chẽ với thành phố Hà Nội triển khai thực hiện, tổng hợp các kết quả đã thực hiện, báo cáo Thủ tướng trong quý I/2009. Thành phố cần chủ động làm việc với các Bộ, ngành liên quan để giải quyết các vấn đề phát sinh, nếu có khó khăn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết.

2. Về xây dựng Luật Thủ đô: giao Bộ Tư pháp, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng Luật và Pháp lệnh. Thành phố Hà Nội chủ động lập Ban soạn thảo và khẩn trương thực hiện các công tác chuẩn bị.

3. Về nâng số thành viên của Ủy ban nhân dân tại một số quận, huyện trên địa bàn nhằm đáp ứng nhu cầu luân chuyển cán bộ của Thành phố: Đồng ý về chủ trương nhưng cần thực hiện theo đúng luật pháp. Thành phố cần vận dụng hợp lý theo tình hình thực tế, tại quận huyện nào còn trống 01 ủy viên thì ở nơi đó có thể tăng thêm 01 chức danh Phó Chủ tịch, không tăng số thành viên của Ủy ban nhân dân.

4. Để chuẩn bị Chương trình Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội: giao các Bộ, ngành và các địa phương liên quan phối hợp chặt chẽ với Thành phố tích cực tiến hành các hoạt động chuẩn bị cho Đại lễ kỷ niệm vào năm 2010.

5. Về cơ chế đặc thù đối với các công trình trọng điểm phục vụ Chương trình Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội: đồng ý về nguyên tắc, Hà Nội đề xuất danh mục các công trình và các cơ chế đặc thù đối với từng công trình, chủ động làm việc với các Bộ, ngành liên quan để xử lý từng vấn đề cụ thể báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

6. Về điều chỉnh Quy hoạch phân khu chức năng, sử dụng một phần khu Thành cổ Hà Nội do Bộ Quốc phòng quản lý; điều chỉnh Quy hoạch khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình để bố trí địa điểm di chuyển Trung tâm Thể dục thể thao quân đội; điều chỉnh khu đô thị Đại học Tây Nam Hà Nội để giới thiệu địa điểm xây dựng Bảo tàng lịch sử quân sự và các đơn vị còn lại hiện đang đóng quân tại Thành cổ Hà Nội: đồng ý với các đề xuất của Thành phố, giao các Bộ: Xây dựng, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Quốc phòng phối hợp với thành phố Hà Nội khẩn trương thực hiện.

7. Về đề nghị sửa đổi Thông tư 64/2005/TT-BTC ngày 15/8/2005 và xác định lại cơ chế phân chia nguồn vốn do hợp nhất Hà Nội và Hà Tây cũ: giao Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xem xét, giải quyết báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

8. Về đề nghị ưu tiên bổ sung vốn có mục tiêu cho thành phố Hà Nội để thực hiện các dự án trọng điểm kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội: đồng ý, Hà Nội làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về mức hỗ trợ cụ thể.

9. Về chỉ đạo các Bộ, ngành giúp Hà Nội lập Quy hoạch xây dựng chung và các Quy hoạch chuyên ngành: đồng ý, giao Bộ Xây dựng phối hợp với thành phố Hà Nội lập Quy hoạch chung về xây dựng hoàn thành trong năm 2010; các Bộ quản lý chuyên ngành giúp Hà Nội xây dựng các quy hoạch chuyên ngành. Đồng thời, Hà Nội cần chủ động xem xét, điều chỉnh bổ sung các quy hoạch hiện có, đặc biệt là quy hoạch các khu đô thị, khu dân cư, giao thông vận tải nội đô, điện, nước… cho phép thuê tư vấn nước ngoài trong quá trình lập quy hoạch.

[...]