Quyết định 02/2008/QĐ-UBND về Quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 02/2008/QĐ-UBND
Ngày ban hành 15/08/2008
Ngày có hiệu lực 25/08/2008
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Thế Thảo
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------------

Số: 02/2008/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 15 tháng 08 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ LÀM VIỆC CỦA UBND THÀNH PHỐ HÀ NỘI

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội khóa XII về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan;
Căn cứ Quyết định số 53/2006/QĐ-TTg ngày 08 tháng 3 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế làm việc mẫu của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Căn cứ Nghị định 179/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ ban hành quy chế làm việc của Chính phủ;
Xét đề nghị của Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố và Giám đốc Sở Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế làm việc của UBND Thành phố Hà Nội.

Điều 2. Chủ tịch UBND cấp quận, huyện, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành và các đơn vị trực thuộc UBND Thành phố ban hành Quy chế làm việc cụ thể của cơ quan mình phù hợp Quy chế này.

Chánh Văn phòng UBND Thành phố có trách nhiệm thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Quy chế này ở các cấp, các ngành trực thuộc UBND Thành phố.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 09/2008/QĐ-UB ngày 29/1/2008 của UBND Thành phố.

Điều 4. Các thành viên UBND Thành phố, Chánh Văn phòng UBND Thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, Thành phố Hà Đông, Thành phố Sơn Tây, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành và các đơn vị trực thuộc UBND Thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ; (để báo cáo)
- Thường trực TU; (để báo cáo)
- Thường trực HĐND TP; (để báo cáo)
- Đoàn ĐBQHHN; (để báo cáo)
- Bộ Tư pháp (để kiểm tra), Bộ Nội vụ;
- Văn phòng Quốc hội; Văn phòng Chủ tịch nước; Văn phòng Chính phủ;
- UBMTTQ TP;
- Chủ tịch, các đ/c PCT UBND TP;
- Viện Kiểm sát nhân dân TP; Tòa án nhân dân TP;
- VP Thành ủy, VP ĐĐBQH&HĐND, VP UBND TP;
- Các Sở, Ban, ngành và các Đoàn thể;
- UBND các quận huyện, Thành phố trực thuộc;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Thế Thảo

 

QUY CHẾ

LÀM VIỆC CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 02/2008/QĐ-UBND ngày 15 tháng 8 năm 2008 của UBND thành phố Hà Nội)

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi, đối tượng điều chỉnh

1. Quy chế này quy định về nguyên tắc, chế độ trách nhiệm, lề lối làm việc, trình tự giải quyết công việc và quan hệ công tác của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội.

2. Các thành viên Ủy ban nhân dân Thành phố, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn, cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố và các tổ chức, cá nhân có quan hệ làm việc với Ủy ban nhân dân Thành phố chịu sự điều chỉnh của Quy chế này.

Điều 2. Nguyên tắc làm việc của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội

1. Ủy ban nhân dân Thành phố làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, vừa bảo đảm phát huy vai trò lãnh đạo của tập thể Ủy ban nhân dân, vừa đề cao trách nhiệm cá nhân của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và Ủy viên Ủy ban nhân dân Thành phố.

2. Giải quyết công việc theo quy định của pháp luật, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; bảo đảm sự lãnh đạo của Thành ủy, sự giám sát của Hội đồng nhân dân Thành phố và Quy chế làm việc.

3. Trong phân công giải quyết công việc, mỗi việc chỉ giao cho một cơ quan, đơn vị, một người phụ trách và chịu trách nhiệm chính. Cấp trên không làm thay công việc của cấp dưới, tập thể không làm thay công việc của cá nhân và ngược lại. Thủ trưởng cơ quan được giao công việc phải chịu trách nhiệm về tiến độ và kết quả công việc được phân công, tuân thủ các quy định của quy chế, nếu vi phạm thì căn cứ vào tính chất, mức độ hậu quả xảy ra sẽ bị xem xét, xử lý theo quy định pháp luật về cán bộ công chức.

4. Bảo đảm phát huy năng lực và sở trường của cán bộ, công chức; đảm bảo yêu cầu phối hợp công tác, trao đổi thông tin trong giải quyết công việc và trong mọi hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định.

5. Thường xuyên cải cách thủ tục hành chính đảm bảo công khai, minh bạch và hiệu quả.

Chương 2.

TRÁCH NHIỆM, PHẠM VI GIẢI QUYẾT CÔNG VIỆC VÀ QUAN HỆ CÔNG TÁC

[...]