CHÍNH
PHỦ
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
104/2004/NĐ-CP
|
Hà
Nội, ngày 23 tháng 3 năm 2004
|
NGHỊ ĐỊNH
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 104/2004/NĐ-CP NGÀY 23 THÁNG 3 NĂM 2004VỀ CÔNG
BÁO NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 12 tháng 11 năm 1996, Luật
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày
16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 18/2003/NĐ-CP, ngày 20 tháng 2 năm 2003 của Chính phủ
quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Chính
phủ;
Theo đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối
tượng, phạm vi điều chỉnh của Nghị định
Nghị định này quy định vị trí,
chức năng của Công báo nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi
là Công báo); nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động của cơ quan Công báo; thủ tục
gửi, tiếp nhận và đăng văn bản pháp luật trên Công báo; trách nhiệm của các cơ
quan nhà nước đối với việc đăng văn bản pháp luật trên Công báo.
Điều 2. Vị
trí, chức năng của Công báo
1. Công báo là ấn phẩm thông tin
pháp lý chính thức của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Chính phủ
thống nhất quản lý; có chức năng công bố các văn bản pháp luật và thời điểm có
hiệu lực của các văn bản đó theo quy định của pháp luật, các Điều ước quốc tế
đã có hiệu lực đối với nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trừ các Điều ước
quốc tế các bên thoả thuận không công bố hoặc không được phép công
bố theo quyết định của các cơ quan có thẩm quyền; thông tin, phổ
biến văn bản pháp luật do các cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền của nước
Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành (sau đây gọi tắt là cơ quan có
thẩm quyền).
2. Công báo được xuất bản ở
Trung ương và ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là cấp
tỉnh); được phát hành rộng rãi cho mọi đối tượng sử dụng.
3. Công báo bao gồm: Công báo in
và Công báo điện tử. Công báo xuất bản ở Trung ương có Phụ trương Công báo.
Thủ tướng Chính phủ quy định
riêng về hoạt động của Công báo điện tử.
Điều 3. Cơ
quan Công báo
1. Cơ quan Công báo bao gồm cơ
quan Công báo ở Trung ương và cơ quan Công báo ở cấp tỉnh, là cơ quan được giao
nhiệm vụ tiếp nhận, đăng ký, hệ thống, lưu trữ, phổ biến văn bản pháp luật của
các cơ quan có thẩm quyền ban hành gửi đến; tổ chức xuất bản, phát hành Công
báo.
2. Cơ quan Công báo ở Trung ương
tổ chức việc tiếp nhận, đăng ký, hệ thống, lưu trữ, phổ biến văn bản pháp luật
của các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương ban hành; tổ chức xuất bản, phát
hành tờ Công báo nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
3. Cơ quan Công báo ở cấp tỉnh tổ
chức việc tiếp nhận, đăng ký, hệ thống, lưu trữ, phổ biến văn bản pháp luật của
các cơ quan có thẩm quyền ở cấp tỉnh, cấp huyện ban hành; tổ chức xuất bản,
phát hành tờ Công báo trong phạm vi địa phương mình.
Điều 4.
Nguyên tắc đăng văn bản trên Công báo
1. Công báo đăng toàn văn, chính
xác, đầy đủ, kịp thời các văn bản pháp luật do cơ quan có thẩm
quyền ban hành.
2. Công báo không đăng các văn bản
bí mật nhà nước thuộc danh mục bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Các
văn bản đăng trên Công báo ở Trung ương
1. Các văn bản quy phạm pháp luật
do cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương ban hành.
2. Các quyết định của cơ quan có
thẩm quyền xử lý văn bản trái pháp luật; các văn bản cá biệt; văn bản có giá trị
pháp lý khác do cơ quan có thẩm quyền quyết định.
3. Các Điều ước quốc tế đã có hiệu
lực đối với nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam như quy định tại Khoản 1,
Điều 2 của Nghị định này.
4. Phụ
trương Công báo được phát hành kèm Công báo, đăng các dự thảo văn bản pháp luật
khi được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định đăng để lấy ý kiến đóng
góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Điều 6. Các
văn bản đăng trên Công báo xuất bản ở cấp tỉnh
1. Các văn bản quy phạm pháp luật
do Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện ban hành.
2. Các quyết định của cơ quan có
thẩm quyền xử lý các văn bản trái pháp luật; các văn bản cá biệt; văn bản có
giá trị pháp lý khác do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện quyết định.
3. Được đăng
lại các văn bản pháp luật đã công bố trên Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam do các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương ban hành về địa phương
mình.
Điều 7. Giá
trị pháp lý và thời điểm có hiệu lực của văn bản đăng trên Công báo
1. Văn bản pháp luật đăng trên
Công báo có cùng giá trị với văn bản gốc; là văn bản chính thức duy nhất cùng
văn bản gốc dùng để đối chiếu và sử dụng trong mọi trường hợp khi có sự khác biệt
giữa văn bản đăng trên Công báo và văn bản có từ các nguồn khác hoặc khi có sự
tranh chấp pháp lý.
2. Các văn bản pháp luật do các
nhà xuất bản, các cơ quan thông tin đại chúng in, xuất bản không có cùng giá trị
pháp lý như khi được đăng trên Công báo mà chỉ có giá trị tham khảo.
3. Thời điểm có hiệu lực của các
văn bản quy phạm pháp luật là thời điểm được quy định tại Điều 75 của Luật Sửa
đổi , bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm
2002.
Thời điểm có hiệu lực của các
văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ
trưởng cơ quan ngang Bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối
cao ban hành và các văn bản quy phạm pháp luật liên tịch ban hành là sau mười
lăm ngày, kể từ ngày đăng Công báo hoặc có hiệu lực muộn hơn nếu được quy định
tại văn bản đó.
Đối với văn bản quy phạm pháp luật
do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và ủy ban nhân dân cấp tỉnh
ban hành để áp dụng các biện pháp thi hành trong tình trạng khẩn cấp thì thời
điểm có hiệu lực được quy định ngay tại văn bản đó, không phụ thuộc vào ngày
đăng Công báo.
4. Thời điểm có hiệu lực của các
văn bản cá biệt và các văn bản có giá trị pháp lý khác do cơ quan có thẩm quyền
ban hành văn bản quyết định ngay tại văn bản đó, không phụ thuộc vào ngày đăng
Công báo.
Thời điểm có hiệu lực của các Điều
ước quốc tế đối với nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được xác định theo
thoả thuận của các bên hoặc theo các quy định của pháp luật về ký kết và thực
hiện Điều ước quốc tế và được ghi trong văn bản sao lục Điều ước quốc tế.
5. Thời điểm có hiệu lực của văn
bản quy phạm pháp luật đăng trên Công báo cấp tỉnh không phụ thuộc vào ngày
đăng Công báo.
Chương 2:
THỜI HẠN VÀ THỦ TỤC GỬI,
TIẾP NHẬN, ĐĂNG KÝ VĂN BẢN ĐỂ ĐĂNG CÔNG BÁO
Điều 8. Thời
hạn gửi văn bản để đăng Công báo
1. Văn bản do các cơ quan nhà nước
có thẩm quyền ở Trung ương ban hành phải được gửi đến cơ quan Công báo Trung
ương chậm nhất là hai ngày kể từ ngày ban hành, để đăng Công báo.
2. Văn bản do các cơ quan nhà nước
có thẩm quyền ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành phải gửi đến
cơ quan Công báo cấp tỉnh chậm nhất là hai ngày, kể từ ngày ban hành, để đăng
Công báo.
3. Cơ quan Công báo phải tiếp nhận
đầy đủ, đúng thủ tục pháp luật các văn bản do các cơ quan ban hành gửi đến theo
thời hạn quy định trên đây để đăng Công báo.
Điều 9. Thủ
tục gửi, tiếp nhận, đăng ký văn bản để đăng Công báo
1. Văn bản gửi đăng Công báo phải
là văn bản gốc.
2. Trường hợp văn bản gửi đăng
Công báo là bản sao thì phải đúng với bản gốc hoặc được chụp từ bản gốc, có dấu
và chữ ký xác nhận của người có thẩm quyền đã ký văn bản hoặc người được uỷ quyền.
3. Văn bản gửi đăng Công báo là
bản in hoặc bản gửi qua mạng điện tử phải có nội dung đúng với bản gốc, phần Nơi
nhận phải ghi dòng chữ "Công báo", hoặc ghi trên phiếu gửi
văn bản dòng chữ " Văn bản gửi đăng Công báo", ghi rõ ngày,
tháng, năm gửi.
4. Các văn bản gửi đến cơ quan
Công báo phải được đăng ký vào "Sổ đăng ký và đối chiếu văn bản đăng
Công báo".
5. Cơ quan Công báo phải lưu trữ
đầy đủ các văn bản pháp luật do các cơ quan có thẩm quyền gửi đến và phân loại
theo hệ thống để tiện việc tra cứu, sử dụng.
Chương 3:
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ
QUAN CÓ THẨM QUYỀN BAN HÀNH VĂN BẢN ĐỐI VỚI VIỆC ĐĂNG VĂN BẢN TRÊN CÔNG BÁO
Điều 10.
Trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản trong việc gửi văn bản
để đăng Công báo
1. Cơ quan có thẩm quyền ban
hành văn bản hoặc cơ quan được cơ quan ban hành văn bản uỷ quyền có trách nhiệm
gửi đầy đủ, đúng thời hạn các văn bản đã ban hành tới cơ quan Công báo theo quy
định tại Điều 8 Nghị định này.
2. Người đứng đầu các cơ quan có
thẩm quyền ban hành văn bản hoặc cơ quan được cơ quan ban hành văn bản uỷ quyền
phải chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc gửi văn bản cho cơ quan Công báo
và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của văn bản, về việc không gửi, gửi
không đầy đủ hoặc gửi không đúng thời hạn các văn bản để đăng Công báo.
Điều 11.
Trách nhiệm của cơ quan Công báo trong việc đăng văn bản
1. Tiếp nhận, vào "Sổ
đăng ký và đối chiếu văn bản đăng Công báo" tất cả văn bản do các cơ
quan có thẩm quyền ban hành văn bản hoặc cơ quan được cơ quan ban hành văn bản
uỷ quyền gửi đến.
2. Công báo đăng các văn bản
theo trình tự: văn bản đến trước đăng trước, đến sau đăng sau theo số thứ tự đã
đăng ký tại "Sổ đăng ký và đối chiếu văn bản đăng Công báo".
Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ, cơ quan ngang Bộ ban hành có
quy định các nội dung điều chỉnh hoặc quyết định các biện pháp, chính sách quan
trọng phải áp dụng kịp thời, được người đứng đầu cơ quan ban hành văn bản yêu cầu
bằng văn bản thì được đăng Công báo ngay để bảo đảm thời điểm có hiệu lực của
văn bản đó.
3. Chậm nhất sau mười lăm ngày,
kể từ ngày nhận được văn bản, phải đăng văn bản trên Công báo.
4. Chịu trách nhiệm về việc
không đăng, đăng không đúng, đăng không đầy đủ hoặc đăng chậm những văn bản đã
nhận được.
5. Hệ thống, lưu trữ, phổ biến,
cung cấp các văn bản đã đăng Công báo.
6. Trả lại cơ quan có thẩm quyền
ban hành văn bản khi phát hiện văn bản đó có sai sót về nội dung và thủ tục
pháp lý trong việc ban hành và việc gửi văn bản để đăng Công báo.
Điều 12.
Đính chính văn bản trên Công báo
Các văn bản sau khi được đăng
trên Công báo, nếu phát hiện có sai sót thì phải được đính chính:
1. Nếu sai sót thuộc trách nhiệm
của cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản thì người đứng đầu hoặc người được uỷ
quyền của cơ quan đó phải ký văn bản đính chính.
2. Nếu sai sót thuộc trách nhiệm
của cơ quan Công báo ở Trung ương thì văn bản đính chính do người đứng đầu cơ
quan Công báo Trung ương hoặc người được uỷ quyền ký văn bản đính chính.
3. Nếu sai sót thuộc trách nhiệm
của cơ quan Công báo ở cấp tỉnh thì văn bản đính chính do người phụ trách cơ
quan Công báo cấp tỉnh hoặc người được uỷ quyền ký văn bản đính chính.
Chương 4:
TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG VÀ QUẢN
LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CÔNG BÁO
Điều 13. Tổ
chức của Công báo
1. Cơ quan Công báo Trung ương
là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Văn phòng Chính phủ; có tư cách pháp nhân, có
tài khoản và con dấu riêng.
2. Cơ quan Công báo cấp tỉnh thuộc
Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tổ chức cơ quan Công báo cấp tỉnh
do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định.
Điều 14. Hoạt
động xuất bản, phát hành Công báo
1. Cơ quan Công báo Trung ương
và cơ quan Công báo cấp tỉnh tổ chức xuất bản, phát hành rộng rãi tờ Công báo
trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị xã hội
- nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang và trong nhân dân, kể cả cá
nhân, tổ chức, cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam.
2. Nhà nước bảo đảm kinh phí
hàng năm cho hoạt động xuất bản Công báo. Kinh phí hàng năm cho hoạt động xuất
bản Công báo được dự toán và cấp phát theo quy định của pháp luật hiện hành.
3. Tờ Công báo được cấp không
thu tiền cho một số đối tượng do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Cơ quan Công báo được phép thu từ
hoạt động xuất bản, phát hành ấn phẩm Công báo để bù đắp một phần chi từ ngân
sách cho hoạt động này.
4. Tờ Công báo được phát hành
thông qua cơ quan Công báo, doanh nghiệp bưu chính, các đại lý và các cá nhân.
5. Công báo được phát hành ra nước
ngoài và được dịch ra tiếng nước ngoài. Bản dịch chỉ có giá trị tham khảo.
Điều 15. Quản
lý nhà nước về Công báo
1. Chính phủ thống nhất quản lý
nhà nước về Công báo.
2. Nội dung quản lý nhà nước về
Công báo bao gồm:
a) Xây dựng quy hoạch, kế hoạch
phát triển Công báo.
b) Ban hành văn bản pháp luật
làm cơ sở cho hoạt động của Công báo.
c) Hướng dẫn, kiểm tra, thanh
tra việc thực hiện các quy định về hoạt động xuất bản, phát hành Công báo.
d) Khen thưởng, xử lý vi phạm, giải
quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động của Công báo.
3. Văn
phòng Chính phủ giúp Chính phủ trực tiếp quản lý toàn diện hoạt động của cơ
quan Công báo ở Trung ương, quản lý việc xuất bản và phát hành tờ Công báo nước
Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, kể cả quản lý ấn phẩm Công báo dịch ra tiếng
nước ngoài.
Văn phòng Chính phủ giúp Chính
phủ hướng dẫn hoạt động của cơ quan Công báo cấp tỉnh.
4. Uỷ ban
nhân dân cấp tỉnh quản lý hoạt động và quyết định việc in ấn, phát hành tờ Công
báo tại địa phương mình.
Điều 16. Mọi
tổ chức, cá nhân đều phải có trách nhiệm thực hiện tốt các quy định của
Nghị định về Công báo. Tổ chức, cá nhân thực hiện xuất sắc các quy định của Nghị
định này sẽ được khen thưởng theo quy định của pháp luật.
Điều 17.
Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định pháp luật về hoạt động Công báo theo Nghị
định này và các quy định pháp luật khác có liên quan thì tuỳ theo tính chất, mức
độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách
nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Điều 18.
Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại về các hành vi vi phạm quy định của Nghị định
này và các quy định pháp luật khác có liên quan đến hoạt động Công báo.
Điều 19.
Cá nhân có quyền tố cáo các hành vi vi phạm quy định của Nghị định này và các
quy định pháp luật khác có liên quan đến hoạt động Công báo.
Điều 20. Thẩm
quyền, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động
xuất bản, phát hành Công báo được thực hiện theo các quy định của pháp luật về
khiếu nại, tố cáo.
Chương 6:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 21. Hiệu
lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực sau mười
lăm ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Các quy định trước đây trái với Nghị định
này đều bị bãi bỏ.
Điều 22.
Trách nhiệm thi hành
1. Bộ trưởng,
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức, quản lý hoạt động của
cơ quan Công báo ở Trung ương; hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của cơ quan Công
báo cấp tỉnh theo quy định tại Nghị định này.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức, quản lý hoạt động của
cơ quan Công báo ở địa phương mình.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ
quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Chủ tịch ủy
ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi
hành Nghị định này.