Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 82/QĐ-UBND năm 2013 về chương trình hành động thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030 do tỉnh Đồng Nai ban hành

Số hiệu 82/QĐ-UBND
Ngày ban hành 09/01/2013
Ngày có hiệu lực 09/01/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Phan Thị Mỹ Thanh
Lĩnh vực Thương mại,Xuất nhập khẩu

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 82/QĐ-UBND

Đồng Nai, ngày 09 tháng 01 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC XUẤT NHẬP KHẨU HÀNG HÓA THỜI KỲ 2011 - 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 2471/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 25/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 5047/QĐ-BCT ngày 30/8/2012 của Bộ Công Thương Ban hành kế hoạch của ngành công thương triển khai Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương Đồng Nai tại Tờ trình số 2363/TTr-SCT ngày 25/12/2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Điều 2. Sở Công Thương Đồng Nai có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương, hiệp hội ngành nghề, các đơn vị có liên quan, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động xây dựng kế hoạch triển khai các nội dung của chương trình.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Công Thương, Thủ trưởng các sở, ban, ngành và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phan Thị Mỹ Thanh

 

CHƯƠNG TRÌNH

HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC XUẤT NHẬP KHẨU HÀNG HÓA THỜI KỲ 2011 - 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 82/QĐ-UBND ngày 09 tháng 01 năm 2013 của UBND tỉnh Đồng Nai)

I. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH

Chương trình hành động thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030 tập trung thực hiện các mục tiêu: Phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao, bền vững; nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; chủ động, tích cực hội nhập Quốc tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đi đôi với bảo vệ môi trường; xây dựng Đồng Nai thành tỉnh cơ bản Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa vào năm 2015.

II. CÁC NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế

a) Về công nghiệp

- Tổ chức triển khai Chương trình chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011 - 2015 theo hướng ưu tiên thu hút đầu tư các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, các ngành công nghiệp mũi nhọn; triển khai Đề án phát triển các doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011 - 2015.

- Triển khai quy hoạch ngành công nghiệp dệt may da giày; công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; quy hoạch phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm tỉnh Đồng Nai; quy hoạch ngành cơ khí chế tạo; Xây dựng Chương trình hành động thực hiện nghị quyết của Trung ương về phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh.

- Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, nhất là các dự án sản xuất xuất khẩu nhằm gia tăng nguồn lực cho xuất khẩu.

- Khai thác và phát huy tối đa các lợi thế và tiềm năng của tỉnh, nhất là lợi thế nằm trong vùng trọng điểm phía Nam để phát triển mạnh các ngành, lĩnh vực, trong đó chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ, chú trọng phát triển sản xuất các sản phẩm có giá trị tăng cao.

- Duy trì phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, có lợi thế so sánh, phát triển các ngành công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm. Chuyển một số ngành công nghiệp từ hình thức gia công sang sản xuất thành phẩm, xuất khẩu trực tiếp, nhằm gia tăng giá trị và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.

[...]