Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 2968/QĐ-UBND năm 2016 đổi tên Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội Kiên Giang trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và tổ chức lại bộ máy do Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang ban hành

Số hiệu 2968/QĐ-UBND
Ngày ban hành 28/12/2016
Ngày có hiệu lực 28/12/2016
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Kiên Giang
Người ký Phạm Vũ Hồng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

Số: 2968/QĐ-UBND

Kiên Giang, ngày 28 tháng 12 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC ĐỔI TÊN TRUNG TÂM CHỮA BỆNH - GIÁO DỤC - LAO ĐỘNG XÃ HỘI KIÊN GIANG TRỰC THUỘC SỞ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI THÀNH CƠ SỞ CAI NGHIỆN MA TÚY ĐA CHỨC NĂNG KIÊN GIANG VÀ TỔ CHỨC LẠI BỘ MÁY

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 55/2012/NĐ-CP ngày 28 tháng 6 năm 2012 của Chính phủ quy định thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ về tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy trong tình hình mới;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 21/2008/TTLT-BLĐTBXH-BNV ngày 08 tháng 10 năm 2008 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và định mức biên chế của các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội;

Căn cứ Công văn số 2421/LĐTBXH-PCTNXH ngày 23 tháng 6 năm 2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn mô hình chuyển đổi Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội sang Cơ sở điều trị cai nghiện tự nguyện;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 625/TTr-SNV ngày 12 tháng 12 năm 2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Đổi tên Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội Kiên Giang trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và tổ chức lại bộ máy như sau:

1. Đổi tên Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh Kiên Giang thành Cơ sở cai nghiện ma túy đa chức năng tỉnh Kiên Giang.

2. Vị trí, chức năng của Cơ sở cai nghiện ma túy đa chức năng tỉnh Kiên Giang

a) Cơ sở cai nghiện ma túy đa chức năng (sau đây gọi tắt là Cơ sở cai nghiện) là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, có chức năng tổ chức thực hiện việc chữa bệnh, cai nghiện, giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách; dạy nghề; tái hòa nhập cộng đồng cho người nghiện ma túy, người cai nghiện tự nguyện và người sau cai nghiện ma túy; tiếp nhận, quản lý, cắt cơn, giải độc và tư vấn tâm lý cho người cai nghiện ma túy không nơi cư trú ổn định trong thời gian lập hồ sơ đề nghị Tòa án xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

b) Cơ sở cai nghiện chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức và hoạt động của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

c) Cơ sở cai nghiện có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng.

3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ sở cai nghiện

a) Tiếp nhận, phân loại, tổ chức chữa bệnh phục hồi sức khỏe, chăm sóc, tư vấn cho người nghiện ma túy kể cả đối tượng tự nguyện theo quy định, quy trình.

b) Tiếp nhận, quản lý, cắt cơn, giải độc và tư vấn tâm lý cho người nghiện ma túy không nơi cư trú ổn định trong thời gian lập hồ sơ đề nghị Tòa án xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trên địa bàn tỉnh.

c) Tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, điều trị, tư vấn, giúp đỡ người sau cai nghiện ổn định tâm lý, sức khỏe, phòng, chống tái nghiện, tổ chức dạy nghề; liên doanh, liên kết hoặc phối hợp với tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để tổ chức lao động sản xuất, hỗ trợ giải quyết việc làm và tạo nguồn thu nhập.

d) Tổ chức quản lý, chăm sóc, tư vấn, điều trị, giúp đỡ cho người nghiện ma túy bị nhiễm HIV/AIDS; thông tin, giáo dục, truyền thông và triển khai các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS tại cơ sở.

đ) Tổ chức dạy văn hóa, xóa mù và tiếp tục giáo dục sau khi biết chữ; giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách, mở rộng hiểu biết, nâng cao trình độ học vấn, tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao và các hoạt động văn hóa, xã hội cho người nghiện và sau cai nghiện nhằm thay đổi nhận thức, hành vi nhân cách, tạo điều kiện tái hòa nhập cộng đồng.

e) Hướng dẫn, tư vấn cho gia đình người nghiện ma túy về chữa trị, cai nghiện, quản lý, giáo dục tại gia đình và cộng đồng.

g) Tổ chức lao động trị liệu, dạy nghề, lao động sản xuất, đảm bảo vệ sinh, an toàn lao động theo quy định pháp luật; hướng nghiệp, để người nghiện tự tìm việc làm và tạo việc làm, thích nghi với đời sống xã hội,...

h) Thực hiện các dự án về việc làm, các chương trình kinh tế - xã hội khác, gắn với các hoạt động dạy nghề, lao động sản xuất, chữa trị cho người nghiện ma túy.

i) Tổ chức quản lý, bảo vệ môi trường tại cơ sở cai nghiện và khu vực nơi trụ sở làm việc; lồng ghép thực hiện các nhiệm vụ về bảo vệ môi trường với các chương trình, kế hoạch và hoạt động của Cơ sở cai nghiện.

k) Tổ chức quản lý, bảo vệ giữ gìn trật tự, an toàn xã hội tại Cơ sở cai nghiện.

l) Nghiên cứu thực hiện mô hình cai nghiện, chữa trị, phục hồi, phương pháp, quy trình chữa bệnh, giáo dục dạy nghề và tổ chức lao động.

[...]