Công điện 1107/CĐ-TTg năm 2021 về sẵn sàng ứng phó với thiên tai do Thủ tướng Chính phủ điện
Số hiệu | 1107/CĐ-TTg |
Ngày ban hành | 31/08/2021 |
Ngày có hiệu lực | 31/08/2021 |
Loại văn bản | Công điện |
Cơ quan ban hành | Thủ tướng Chính phủ |
Người ký | Lê Văn Thành |
Lĩnh vực | Tài nguyên - Môi trường |
THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1107/CĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 31 tháng 8 năm 2021 |
CÔNG ĐIỆN
V/V SẴN SÀNG ỨNG PHÓ VỚI THIÊN TAI
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ điện:
- Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai;
- Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thời gian qua, thiên tai, mưa lũ cực đoan đã xảy ra tại nhiều quốc gia trên thế giới và khu vực, gây ra những thiệt hại rất lớn về người và tài sản.
Ở nước ta, “lũ chồng lũ, bão chồng bão”, lũ quét, sạt lở đất tại khu vực miền Trung những tháng cuối năm 2020 cũng đã gây thiệt hại rất nghiêm trọng, để lại hậu quả hết sức nặng nề, nhiều nơi đến nay vẫn đang phải tiếp tục khắc phục.
Hiện nay, đang là thời kỳ cao điểm về bão, lũ. Theo nhận định của cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, từ nay đến cuối năm có khoảng 07-09 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, trong đó 03-04 cơn bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta; nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất tại vùng núi khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trong tháng 9, tháng 10; mưa lớn cực đoan tại khu vực Trung và Nam Trung Bộ vào tháng 10, 11 và nửa đầu tháng 12.
Để chủ động ứng phó thiên tai nhất là nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực miền núi, bão và mưa lũ lớn kéo dài trên diện rộng như đã xảy ra tại khu vực miền Trung nhằm bảo vệ an toàn tính mạng của nhân dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại, nhất là trong trong bối cảnh, dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tăng cường chỉ đạo các các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức rà soát, cập nhật bổ sung các phương án ứng phó phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương theo phương châm “bốn tại chỗ”; Chủ động xây dựng, tham mưu cho Chính phủ, Ban chỉ đạo và Ủy ban quốc gia các phương án chỉ đạo điều hành, ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra, đặc biệt là trường hợp xảy ra lũ quét, sạt lở đất và mưa, bão lớn, ngập lụt kéo dài trên diện rộng, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ. Chỉ đạo vận hành hồ chứa, liên hồ chứa, đảm bảo an toàn tuyệt đối công trình và hạ du cũng như khai thác hiệu quả tài nguyên nước.
2. Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và các Bộ: Quốc phòng, Công an chỉ đạo các đơn vị rà soát, chuẩn bị sẵn lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phù hợp để hỗ trợ địa phương ứng phó với các tình huống thiên tai và tổ chức cứu hộ, cứu nạn kịp thời, hiệu hiệu quả khi có yêu cầu.
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi sát tình hình, kịp thời đưa ra các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai sát với diễn biến thực tế, đảm bảo độ tin cậy để các cấp, các ngành và nhân dân biết, chủ động ứng phó có hiệu quả.
4. Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương theo chức năng quản lý nhà nước được giao chỉ đạo kiểm tra, rà soát và triển khai phương án bảo đảm an toàn đê điều, đập, hồ chứa nước, vận hành an toàn, hiệu quả hồ chứa thủy lợi, thủy điện, phù hợp với diễn biến mưa lũ.
5. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo kiểm tra, rà soát, lực lượng, vật tư phương tiện, triển khai các phương án đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, đường không, đường biển trong trường hợp xảy ra mưa bão lớn và lũ, lụt kéo kéo dài.
6. Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các địa phương quan tâm bố trí nguồn lực để sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng, khắc phục kịp thời sự cố đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các trọng điểm đê điều, hồ đập xung yếu và các công trình phòng, chống thiên tai trong mùa mưa lũ.
7. Bộ Y tế phối hợp với Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng, cập nhật phương án ứng phó thiên tai gắn với bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19, sẵn sàng phương tiện, thiết bị đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh cho công tác chỉ đạo, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai tại các địa phương.
8. Các Bộ ngành Trung ương theo chức năng nhiệm vụ được giao chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống thiên tai để giảm thiểu thiệt hại.
9. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, tổ chức kiểm tra rà soát phương án ứng phó thiên tai cụ thể, phù hợp với tình hình và điều kiện cụ thể tại địa phương nhất là phương án di dời, sơ tán dân trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp; chủ động kiểm tra đê điều, hồ đập, các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố để đảm bảo an toàn; sẵn sàng lực lượng phương tiện trang thiết bị phương châm “bốn tại chỗ” để xử lý khi có tình huống xảy ra, tuyệt đối không để xảy ra bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Chú trọng công tác chỉ đạo vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện do địa phương quản lý, đảm bảo an toàn công trình và hạ du, nhất là trong các tình huống xả lũ khẩn cấp. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác chủ động phòng, chống thiên tai trên địa bàn.
Yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện; báo cáo kết quả về Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống thiên tai để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.
|
KT. THỦ TƯỚNG |