Quyết định 984/QĐ-UBND năm 2022 về Kế hoạch thúc đẩy hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Cao Bằng

Số hiệu 984/QĐ-UBND
Ngày ban hành 05/08/2022
Ngày có hiệu lực 05/08/2022
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Cao Bằng
Người ký Lê Hải Hòa
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CAO BẰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 984/QĐ-UBND

Cao Bằng, ngày 05 tháng 8 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH THÚC ĐẨY HIỆU QUẢ CUNG CẤP, SỬ DỤNG DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/06/2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022;

Căn cứ Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 26/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia;

Căn cứ Quyết định số 27/QĐ-UBQGCĐS ngày 15/3/2022 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số về việc ban hành Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022;

Căn cứ Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 07/3/2022 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số, chuyển đổi số tỉnh Cao Bằng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thúc đẩy hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các Sở, Ban ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ (b/c);
- Bộ Thông tin và Truyền thông (b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Viễn thông Cao Bằng;
- Viettel Cao Bằng;
- Bưu điện tỉnh Cao Bằng;
- Lưu: VT, VX(M).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Hải Hòa

 

KẾ HOẠCH

THÚC ĐẨY HIỆU QUẢ CUNG CẤP, SỬ DỤNG DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 984/QĐ-UBND, ngày 05 tháng 8 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

I. THỰC TRẠNG VÀ SỰ CẦN THIẾT

Trong những năm qua, dịch vụ công trực tuyến đã được các Sở, Ban ngành tích cực rà soát, cung cấp trên Cổng dịch vụ công tỉnh và tích hợp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, toàn tỉnh đạt tỷ lệ 87% dịch vụ công trực tuyến cung cấp ở mức độ 3, mức độ 4. Tuy nhiên, tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 còn rất thấp; chưa được người dân và doanh nghiệp quan tâm, thực hiện nộp hồ sơ và nhận kết quả trực tuyến. Năm 2021, tỉnh Cao Bằng chỉ đạt 10% số dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 có phát sinh hồ sơ; tỷ lệ hồ sơ được giải quyết trực tuyến chỉ đạt 9,8%. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến chỉ số cải cách hành chính năm 2021 của tỉnh nằm trong nhóm thấp nhất của cả nước.

Hạn chế trên có nguyên nhân khách quan là do một bộ phận người dân chưa biết đến lợi ích của dịch vụ công trực tuyến, còn hạn chế về kỹ năng sử dụng, chưa tin cậy vào phương thức nộp hồ sơ qua mạng. Nhưng có cả nguyên nhân chủ quan từ phía cơ quan nhà nước, chưa tạo thuận tiện cho người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến được cung cấp, việc hoàn thiện hồ sơ còn nhiều khó khăn, vướng mắc; người dân chưa được hướng dẫn cụ thể về kỹ năng, cách thức sử dụng dịch vụ công trực tuyến; quy trình tiếp nhận và giải quyết hồ sơ chưa đồng bộ, thống nhất trên môi trường mạng, giao diện ứng dụng nộp hồ sơ trực tuyến chưa thân thiện, dễ hiểu,...

Việc nâng cao số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ cũng như tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các địa phương hoàn thành trong năm 2022. Theo đó, tại Kế hoạch hoạt động năm 2022 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số ban hành kèm theo Quyết định số 27/QĐ-UBQGCĐS ngày 15/3/2022 giao các địa phương phải hoàn thành chỉ tiêu: Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 80% và tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến đạt 50%.

Để phấn đấu thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ Chính nhủ giao; nhằm cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho tổ chức, cá nhân hiệu quả, thực chất, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thúc đẩy hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) trên địa bàn tỉnh, các Sở, Ban ngành, UBND các huyện, thành phố cần sớm triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại cơ quan, đơn vị, địa phương.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Thúc đẩy nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng DVCTT, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính, góp phần cải thiện chỉ số chuyển đổi số (DTI), chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số Năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh.

- Đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ theo Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2022 ban hành tại Quyết định số 27/QĐ-UBQGCĐS ngày 15/3/2022 và Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 ban hành tại Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 26/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

[...]