Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 959/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Đề án Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 959/QĐ-TTg
Ngày ban hành 24/06/2010
Ngày có hiệu lực 24/06/2010
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Thiện Nhân
Lĩnh vực Giáo dục

ThỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 959/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 24 tháng 06 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG CHUYÊN GIAI ĐOẠN 2010 - 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010 - 2020, với những nội dung chính như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Xây dựng và phát triển các trường trung học phổ thông chuyên thành một hệ thống cơ sở giáo dục trung học có chất lượng giáo dục cao, đạt chuẩn quốc gia, có trang thiết bị dạy học đồng bộ, hiện đại đảm bảo thực hiện nhiệm vụ phát hiện những học sinh có tư chất thông minh, đạt kết quả xuất sắc trong học tập để bồi dưỡng thành những người có lòng yêu đất nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc; có ý thức tự lực; có nền tảng kiến thức vững vàng; có phương pháp tự học, tự nghiên cứu và sáng tạo; có sức khỏe tốt để tạo nguồn tiếp tục đào tạo thành nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.

Các trường trung học phổ thông chuyên là hình mẫu của các trường trung học phổ thông về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo và tổ chức các hoạt động giáo dục.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Củng cố, xây dựng và phát triển các trường trung học phổ thông chuyên hiện tại đồng thời với tăng dần quy mô; bảo đảm mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất một trường trung học phổ thông chuyên với tổng số học sinh chuyên chiếm khoảng 2% số học sinh trung học phổ thông của từng tỉnh, thành phố;

b) Tập trung đầu tư nâng cấp các trường trung học phổ thông chuyên thành các trường đạt chuẩn quốc gia và có chất lượng giáo dục cao. Ưu tiên đầu tư mở rộng diện tích, xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường phương tiện, thiết bị dạy học đồng bộ, hiện đại. Đến năm 2015, có 100% trường trung học phổ thông chuyên đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 15 trường trọng điểm, có chất lượng giáo dục ngang tầm các trường trung học tiên tiến trong khu vực và quốc tế;

c) Phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý đảm bảo đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu và đạt mức cao của chuẩn nghề nghiệp; nâng tỷ lệ giáo viên, cán bộ quản lý có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ đồng thời với việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học và khả năng nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng, đáp ứng nhu cầu vừa tăng quy mô, vừa nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục trong các trường trung học phổ thông chuyên. Đến 2015, có 100% cán bộ quản lý, giáo viên giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, sử dụng thông thạo tin học và thiết bị dạy học hiện đại; 20% cán bộ quản lý, giáo viên sử dụng được ngoại ngữ trong giảng dạy, giao tiếp;

d) Tạo chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục trong các trường trung học phổ thông chuyên theo hướng tiếp cận với trình độ tiên tiến của thế giới. Đến năm 2015, có ít nhất 50% học sinh được xếp loại học lực giỏi; 70% học sinh giỏi, khá về tin học; 30% học sinh đạt bậc 3 về ngoại ngữ theo tiêu chí do Hiệp hội các tổ chức khảo thí ngoại ngữ châu Âu ban hành. Đến năm 2020, có ít nhất 70% học sinh được xếp loại học lực giỏi; 90% học sinh giỏi, khá về tin học; 50% học sinh đạt bậc 3 về ngoại ngữ theo tiêu chí do Hiệp hội các tổ chức khảo thí ngoại ngữ châu Âu ban hành;

đ) Tạo sự liên thông giữa việc phát hiện, bồi dưỡng học sinh năng khiếu ở trường trung học phổ thông chuyên với việc đào tạo ở đại học; lựa chọn những học sinh có năng khiếu nổi bật vào học tại các lớp cử nhân tài năng, kỹ sư chất lượng cao của các trường đại học chất lượng cao trong nước và các trường đại học có uy tín ở nước ngoài để tiếp tục đào tạo, phát triển năng khiếu. Đến năm 2015, có khoảng 30% học sinh các lớp chuyên đã tốt nghiệp trung học phổ thông được đào tạo tại các lớp cử nhân tài năng, kỹ sư chất lượng cao của các trường đại học trong nước và tại các trường đại học có uy tín ở nước ngoài và đạt 50% vào năm 2020.

e) Tăng cường khả năng hợp tác giữa các trường trung học phổ thông chuyên với các cơ sở giáo dục có uy tín ở nước ngoài nhằm trao đổi kinh nghiệm về tuyển chọn, bồi dưỡng và phát triển năng khiếu học sinh; đồng thời thu hút nguồn lực vào phát triển hệ thống các trường trung học phổ thông chuyên. Đến năm 2020, mỗi trường trung học phổ thông chuyên hợp tác được với ít nhất một cơ sở giáo dục có uy tín trong khu vực, quốc tế.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP 

1. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển và tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các trường trung học phổ thông chuyên.

a) Xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển trường trung học phổ thông chuyên đến năm 2015 và 2020, trong đó ưu tiên mở rộng diện tích mặt bằng tối thiểu đạt 15 m2/học sinh; đầu tư xây dựng các trường trung học phổ thông chuyên đảm bảo đạt chuẩn quốc gia; các trường đều có đủ phòng học 2 buổi/ngày, có hội trường, nhà tập đa năng, nhà công vụ, nhà ăn, ký túc xá cho học sinh ở nội trú, sân vận động, bể bơi, hệ thống phòng chức năng, phòng học bộ môn đủ số lượng, đạt tiêu chuẩn với trang thiết bị đồng bộ và hiện đại;

b) Tăng cường đầu tư, mua sắm các thiết bị dạy học đồng bộ và hiện đại phục vụ cho việc bồi dưỡng học sinh năng khiếu, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá của giáo viên và việc học tập, làm quen nghiên cứu khoa học của học sinh; nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, truyền thông và internet; xây dựng hệ thống thông tin điện tử liên kết giữa các trường trung học phổ thông chuyên với các trường đại học và các cơ sở giáo dục có uy tín nước ngoài;

c) Phát triển hệ thống thư viện, thư viện điện tử, đầu tư mua sách, tài liệu tham khảo, cập nhật thông tin về giáo dục trong và ngoài nước; xây dựng thư viện câu hỏi, bài tập, đề kiểm tra, đề thi quốc gia, quốc tế; … đáp ứng yêu cầu tham khảo của giáo viên và học sinh;

d) Tập trung đầu tư trọng điểm 15 trường trung học phổ thông chuyên, đảm bảo có cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ và hiện đại, có chất lượng giáo dục ngang tầm với các trường trung học tiên tiến trong khu vực, quốc tế;

đ) Tăng cường huy động các nguồn lực từ hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài vào giáo dục để xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường phương tiện, trang thiết bị dạy học hiện đại cho các trường trung học phổ thông chuyên.

2. Phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý trong các trường trung học phổ thông chuyên.

a) Bổ sung, hoàn thiện các quy định về cơ cấu, định mức giáo viên, nhân viên; về công tác tuyển dụng, luân chuyển giáo viên trường trung học phổ thông chuyên; ban hành quy định về tiêu chuẩn giáo viên, cán bộ quản lý trường trung học phổ thông chuyên trên cơ sở chuẩn nghề nghiệp giáo viên, chuẩn hiệu trưởng trường trung học và các quy định khác về giáo viên, cán bộ quản lý trường trung học phổ thông;

b) Tiến hành rà soát, đánh giá, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên để có kế hoạch tuyển dụng, bồi dưỡng nhằm đảm bảo đủ số lượng, cân đối về cơ cấu và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực làm việc;

c) Chú trọng xây dựng đội ngũ giáo viên đầu đàn về hoạt động chuyên môn trong hệ thống trường trung học phổ thông chuyên, tạo điều kiện giúp họ trở thành những nhân tố tích cực, là tấm gương trong việc rèn luyện đạo đức, tự học, sáng tạo và xây dựng mạng lưới hoạt động của đội ngũ này trên toàn quốc;

[...]