Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 94/2007/QĐ-UBND ban hành Chương trình hành động Thực hiện Nghị quyết 32/2007/NQ-CP Về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông do Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành

Số hiệu 94/2007/QĐ-UBND
Ngày ban hành 23/10/2007
Ngày có hiệu lực 02/11/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Gia Lai
Người ký Phạm Thế Dũng
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
GIA LAI
*****

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
*******

Số: 94/2007/QĐ-UBND

Pleiku, ngày 23  tháng 10  năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 32/2007/NQ-CP NGÀY 29/6/2007 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP CẤP BÁCH NHẰM KIỀM CHẾ TAI NẠN GIAO THÔNG VÀ ÙN TẮC GIAO THÔNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết 32/2007/NQ-CP ngày 29/06/2007 của Chính phủ Về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông;
Theo đề nghị của Thường trực Ban ATGT tỉnh
,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động Thực hiện Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ Về một số giải pháp cấp bách nhằm  kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Các ông, bà: Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Giao thông vận tải; Giám đốc Công an tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Phạm Thế Dũng

 

 CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 32/2007/NQ-CP NGÀY 29/06/2007 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP CẤP BÁCH NHẰM KIỀM CHẾ TAI NẠN GIAO THÔNG VÀ ÙN TẮC GIAO THÔNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 94 /2007/QĐ-UBNDngày 23 tháng 10 năm 2007 của UBND tỉnh)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

1. Các sở, ban, ngành, đoàn thể; UBND huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi chung là UBND cấp huyện) tổ chức quán triệt đến từng cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang và toàn thể nhân dân trong tỉnh về tầm quan trọng của Nghị quyết 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ và yêu cầu thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, triệt để các giải pháp cấp bách đã nêu trong Nghị quyết; qua đó vận động, giáo dục mọi người nêu cao tinh thần tự giác, tính gương mẫu trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

2. Các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức nghiên cứu kỹ nội dung Nghị quyết 32/2007/NQ-CP, có biện pháp hữu hiệu để tổ chức thực hiện đúng tiến độ những nhiệm vụ cấp bách theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình và theo sự phân công, chỉ đạo của UBND tỉnh.

3. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND cấp huyện có trách nhiệm tham mưu cho cấp uỷ chỉ đạo, tập trung cao độ trong tổ chức thực hiện Chỉ thị số 22/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Nghị quyết 13/2002/NQ-CP và Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ, Nghị quyết 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và Quyết định số 65/2007/QĐ-UBND ngày 19/06/2007 của UBND tỉnh, nhằm tạo chuyển biến tích cực trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn; xác định rõ yêu cầu bảo đảm trật tự an toàn giao thông là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, thường xuyên, lâu dài và đưa mục tiêu giảm thiểu tai nạn giao thông thành quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh.

II. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH:

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông:

1.1. Tại trụ sở mỗi cơ quan, đơn vị, đoàn thể, khu dân cư thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền về an toàn giao thông như: lập và trưng bày bảng thông tin, bảng ảnh; xây dựng bản tin nội bộ; tổ chức sinh hoạt chuyên đề…, nhằm tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về giao thông, động viên mọi người gương mẫu chấp hành; có hình thức khen thưởng thoả đáng, kịp thời đối với những người có thành tích xuất sắc trong công tác giữ gìn trật tự an toàn giao thông và phê phán những người có hành vi vi phạm.

1.2. Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Gia Lai phải xác định tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông là một trong những nhiệm vụ trọng tâm; thường xuyên duy trì và tăng thời lượng, nâng cao chất lượng chuyên mục, chuyên đề về An toàn giao thông; tổng hợp, thông tin kịp thời kết quả triển khai công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông của các cấp, các ngành; phản ánh gương người tốt, việc tốt, phổ biến những kinh nghiệm hay trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phê phán những hành vi vi phạm pháp luật về giao thông.

1.3. Sở Tư pháp chủ trì biên soạn, biên dịch Chỉ thị 22-CT/TW, Nghị quyết 13/2002/NQ-CP, Nghị quyết 32/2007/NQ-CP, Nghị định 146/2007/NĐ-CP, Nghị quyết 09-NQ/TU và các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và UBND tỉnh liên quan đến công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông sang tiếng Jrai, Bahnar với nội dung ngắn gọn, phù hợp với từng đối tượng, tổ chức phát hành đến tận thôn, làng, tổ dân phố để phục vụ công tác tuyên truyền.

1.4. Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 52/2007/CT-BGDĐT ngày 31/8/2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo “Về tăng cường công tác giáo dục an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục”; chỉ đạo các trường học trong tỉnh thực hiện chương trình giáo dục trật tự an toàn giao thông trong nhà trường, tăng cường các hoạt động ngoại khoá về trật tự an toàn giao thông; đề cao tính gương mẫu của giáo viên, cán bộ trong ngành để học sinh noi theo.

Hiệu trưởng các trường phổ thông, trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề quản lý chặt chẽ học sinh, sinh viên trong việc chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông; thường xuyên nhắc nhở, đưa thông tin liên quan đến trật tự an toàn giao thông vào nội dung sinh hoạt đầu tuần, lễ chào cờ, sinh hoạt lớp, sinh hoạt Đoàn, Đội; quy định việc đánh giá đạo đức học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật trật tự an toàn giao thông; kiên quyết xử lý nghiêm đối với học sinh chưa đủ tuổi theo quy định mà điều khiển xe môtô, xe gắn máy; học sinh, sinh viên không có giấy phép lái xe mà điều khiển xe mô tô. Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức kiểm tra, xử lý trách nhiệm Hiệu trưởng các trường không tổ chức thực hiện nghiêm túc những quy định trên.

1.5. Công an tỉnh chỉ đạo phòng Cảnh sát giao thông, Công an các huyện, thị xã, thành phố thực hiện ngay việc thông báo về cơ quan, trường học, phường, xã, tổ dân phố, cụm dân cư những cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên và người vi phạm pháp luật trật tự an toàn giao thông để phối hợp xử lý, giáo dục; Tổ chức các lớp học tập pháp luật giao thông cho đối tượng vi phạm trật tự an toàn giao thông mà bị tạm giữ phương tiện hoặc giấy tờ xe trước khi cho họ nhận lại phương tiện, giấy tờ theo quy định.

1.6. Thanh tra giao thông tổ chức tuyên truyền lưu động về trật tự an toàn giao thông đường bộ bằng xe loa kết hợp với hình ảnh trực quan trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Định kỳ hàng tuần phải tổ chức tuyên truyền pháp luật về bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ cho dân cư sống dọc theo các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh. Nội dung tuyên truyền cần ngắn gọn, rõ ràng, có hình ảnh minh họa phù hợp với đối tượng tuyên truyền và đặc điểm công trình giao thông nơi tổ chức tuyên truyền.

1.7. Sở Văn hoá - Thông tin chỉ đạo Trung tâm Văn hóa – Thông tin tỉnh, Đoàn Nghệ thuật Đam San, các phòng Văn hóa – Thông tin huyện, thị xã, thành phố, các đội tuyên truyền lưu động tổ chức thường xuyên việc tuyên truyền bằng các công cụ trực quan như xe loa, pa-nô, áp phích, băng-rôn…; đồng thời xây dựng các tiểu phẩm tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông để tổ chức trình diễn nhân các buổi lễ, hội một cách phù hợp và tại các khu dân cư.

1.8. Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh dự thảo, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành quy định Thi đua, khen thưởng đối với cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

[...]