Thứ 6, Ngày 15/11/2024

Quyết định 933/QĐ-TTg năm 2004 phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật của Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 933/QĐ-TTg
Ngày ban hành 27/08/2004
Ngày có hiệu lực 27/08/2004
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Số: 933/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 27 tháng 8 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC XÂY DỰNG PHÁP LUẬT CỦA CHÍNH PHỦ

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 12 tháng 11 năm 1996 và Luật số 02/2002/QH11 ngày 16 tháng 12 năm 2002 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
Căn cứ Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12 năm 2003 số 15/2003/NQ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2003;
Theo đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật của Chính phủ (kèm theo Quyết định này).

Điều 2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo đúng nội dung Đề án và tiến độ đã được phân công trong Đề án.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ giúp Thủ tướng Chính phủ kiểm tra, đôn đốc thực hiện Đề án và thường xuyên báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Trong tháng 9 năm 2004, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng ban hành Quyết định thành lập Ban Xây dựng pháp luật.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phan Văn Khải

 

ĐỀ ÁN

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC XÂY DỰNG PHÁP LUẬT CỦA CHÍNH PHỦ
(ban hành kèm theo Quyết định số 933/QĐ-TTg ngày 27/08/2004 của Thủ tướng Chính phủ)

Phần thứ nhất

TÍNH CẤP THIẾT CỦA ĐỀ ÁN

I. ĐỊNH HƯỚNG CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC TRONG VIỆC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC XÂY DỰNG PHÁP LUẬT CỦA CHÍNH PHỦ

Đề án nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật của Chính phủ được xây dựng trên cơ sở các văn kiện của Đảng, các văn bản pháp luật của Nhà nước và sự chỉ đạo trực tiếp của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Khẳng định việc xây dựng pháp luật là một nhiệm vụ trọng tâm của Nhà nước ta nói chung và yêu cầu cấp thiết  cải tiến công tác xây dựng pháp luật nói riêng trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã chỉ rõ: “đổi mới quy trình lập pháp, lập quy. Cải tiến sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ để bảo đảm tính kịp thời và nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật. Tăng cường hơn nữa công tác lập quy của Chính phủ nhằm cụ thể hóa và triển khai luật được nhanh chóng, có hiệu quả”[1], đồng thời phải: “tăng cường công tác lập pháp, xây dựng chương trình dài hạn về lập pháp, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đổi mới quy trình ban hành và hướng dẫn thi hành luật”[2].

Phương hướng chỉ đạo của Đảng tại các nghị quyết nói trên đã được Chính phủ thể hiện thông qua Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010 ban hành kèm theo Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg ngày 17 tháng 09 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có nội dung đổi mới quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật được xem như là một trong những động lực thúc đẩy cải cách hành chính. Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010 nhấn mạnh: “để nâng cao chất lượng và tránh tình trạng thiếu khách quan, cục bộ trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cần thiết phải nghiên cứu đổi mới phương thức, quy trình, xây dựng pháp luật từ khâu đầu cho đến khâu Chính phủ xem xét, quyết định hoặc thông qua để trình Quốc hội”; đồng thời cần “tăng cường năng lực của các cơ quan hành chính nhà nước ở Trung ương trong việc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật”.

Trong quá trình tiến hành cải cách tư pháp, nhiệm vụ xây dựng pháp luật và chuẩn hóa quy trình xây dựng pháp luật cũng được Nghị quyết của Bộ Chính trị số 08/NQ-TW ngày 02 tháng 01 năm 2002, Chỉ thị số 10/2002/CT-TTg ngày 19 tháng 03 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-TW của Bộ Chính trị đề cập đến như là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, trong đó chú trọng và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức làm công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật từ trung ương đến địa phương nhằm từng bước xây dựng đội ngũ công chức có trình độ cao trong việc tham mưu, tư vấn cho các cấp chính quyền xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Điều 112 Hiến pháp năm 1992 được sửa đổi, bổ sung năm 2001, khoản 3 Điều 8 Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ là: “trình dự án luật, pháp lệnh và các dự án khác trước Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội”. Đây là thẩm quyền của Chính phủ, đồng thời cũng là trách nhiệm chính trị của Chính phủ trước Hiến pháp, pháp luật và trước nhân dân nhằm thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, ý chí, nguyện vọng của nhân dân cả nước thành pháp luật.

Tại nhiều hội nghị, các đồng chí lãnh đạo Quốc hội cũng lưu ý Chính phủ về việc cần phải tăng cường tổ chức pháp chế của Chính phủ, số lượng cán bộ xây dựng pháp luật của các Bộ, ngành và đề nghị Chính phủ cần có sự đổi mới cách thức, quy trình xây dựng các dự án luật, pháp lệnh do Chính phủ chuẩn bị để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các dự thảo nghị quyết, nghị định của Chính phủ (sau đây gọi tắt là các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật) nhằm tạo điều kiện cho Chính phủ có thời gian tập trung vào công tác quản lý nhà nước ở tầm vĩ mô, điều hành phát triển kinh tế - xã hội góp phần “nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động lập pháp”[3] của Quốc hội.

Đây cũng là kiến nghị của đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 20 tháng 04 năm 2004 nêu trong Báo cáo kết quả chuyến đi thăm và làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta tại Vương quốc Thái Lan và Nhật Bản. Trong Báo cáo này, đồng chí Nguyễn Văn Yểu đề nghị Chính phủ sớm kiện toàn các bộ phận giúp việc xây dựng pháp luật, trong đó cần “… củng cố cơ quan pháp chế thuộc Văn phòng Chính phủ. Nghiên cứu thành lập Ban Công tác pháp chế (hoặc tổng cục pháp chế) do một đồng chí Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ phụ trách để giúp Chính phủ trong công tác xây dựng pháp luật”.

Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, các Phó Thủ tướng cũng thường xuyên quan tâm đến vấn đề này. Trong các cuộc gặp gỡ và trao đổi với các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã có những kiến nghị sâu sắc về công tác lập pháp. Hiện nay, đa số các đại biểu Quốc hội chưa hoạt động chuyên trách (chỉ có 25% đại biểu Quốc hội hiện nay là chuyên trách), do đó, trên 90% các dự án luật, pháp lệnh vẫn do Chính phủ soạn thảo, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, trong quá trình Chính phủ chuẩn bị các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn nhiều bất cập, kể cả việc đưa ra các ý tưởng vĩ mô, mang tính định hướng cho các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và thời gian dành cho việc soạn thảo cũng rất ít, chưa đáp ứng được yêu cầu mang tính khoa học và khả thi của các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

II. TÌNH HÌNH XÂY DỰNG CÁC DỰ ÁN, DỰ THẢO VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CỦA CHÍNH PHỦ TRONG THỜI GIAN QUA

1. Những quy định của pháp luật về quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 và Luật số 02/2002/QH11 ngày 16 tháng 12 năm 2002 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nói chung và luật, pháp lệnh nói riêng. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định số 101/CP ngày 23 tháng 09 năm 1997 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sau đây gọi tắt là Nghị định số 101/CP) đã quy định quy trình xây dựng các dự án luật, pháp lệnh liên quan đến trách nhiệm của Chính phủ gồm các nội dung sau:

[...]