BỘ
KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
930/1999/QĐ-BKHCNMT
|
Hà
Nội, ngày 25 tháng 5 năm 1999
|
QUYẾT ĐỊNH
CỦA BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG SỐ
930/1999/QĐ-BKHCNMT NGÀY 25 THÁNG 5 NĂM 1999 PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH: “XÂY DỰNG
MÔ HÌNH ỨNG DỤNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NÔNG
THÔN VÀ MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN 1998-2002”
BỘ TƯỞNG BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG
Căn cứ Nghị định số 22/CP
ngày 22 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ về nhiệm vu, quyền hạn và tổ chức bộ máy
của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường;
Căn cứ Quyết định số 132/1998/QĐ-TTg ngày 21 tháng 7 năm 1998 của Thủ tướng
Chính phủ về việc giao nhiệm vụ thực hiện Chương trình: "Xây dựng các mô
hình ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông
thôn và miền núi giai đoạn 1998-2002";
Xét đề nghị của Ban Chỉ đạo Chương trình, ông Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, ông Vụ
trưởng Vụ Quản lý khoa học và công nghệ nông nghiệp.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1:
Phê duyệt Chương trình: “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học
và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn
1998-2002”.
Điều 2:
Chương trình: "Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học
công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn
1998-2002" ban hành theo Quyết định này là căn cứ để Ban Chỉ đạo Chương
trình, các đơn vị trực thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và các Sở
Khoa học, Công nghệ và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây
dựng các dự án và tổ chức thực hiện trong kế hoạch khoa học và công nghệ hàng
năm.
Điều 3:
Các ông thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình, Vụ trưởng Vụ
Kế hoạch, Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học và công nghệ Nông nghiệp, Vụ trưởng Vụ
Quản lý khoa học và công nghệ Công nghiệp, Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học Xã hội
và tự nhiên, ông Chánh Văn phòng Bộ, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ
Khoa học, Công nghệ và Môi trường và các ông Giám đốc Sở Khoa học, Công nghệ và
Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành
Quyết định này.
BỘ
KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
|
CHƯƠNG TRÌNH
XÂY DỰNG CÁC MÔ HÌNH ỨNG DỤNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ PHỤC VỤ
PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NÔNG THÔN VÀ MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN 1998-2002
(Ban hành kèm theo Quyết định số 930/1999/QĐ-BKHCNMT ngày 25 tháng 5 năm
1999 của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường)
1. Tên Chương
trình: "Xây dựng các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ phát
triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 1998- 2002".
2. Cơ quan chủ
trì: Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
3. Cơ quan phối
hợp chính: Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Uỷ ban Dân tộc và Miền núi,
Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố v.v...
4. Sự cần thiết
của việc xây dựng Chương trình:
Thực hiện chủ trương, chính sách
của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế xã hội nông thôn và miền núi, các
ngành, các cấp với chức năng quản lý của mình đã có nhiều hoạt động thiết thực,
cụ thể để tổ chức triển khai áp dụng các kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất nông
nghiệp, đã tạo ra những chuyển biến tích cực, góp phần cải thiện đời sống vật
chất và tinh thần của nhân dân các vùng nông thôn và miền núi.
Từ năm 1991 đến năm 1997, Bộ
Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã huy động hàng ngàn cán bộ khoa học và công
nghệ thuộc các cơ quan khoa học và công nghệ (Viện nghiên cứu, trường Đại học
v.v....) ở Trung ương và địa phương tham gia thực hiện "Chương trình hỗ trợ
các hoạt động khoa học và công nghệ tại miền núi và vùng đồng bào dân tộc"
và "Chương trình phát triển toàn diện kinh tế - xã hội nông thôn"
(Chương trình khoa học và công nghệ cấp Nhà nước, Mã số KX.08) với 71 dự án được
thực hiện trên địa bàn 62 huyện thuộc 50 tỉnh, thành phố trong cả nước. Các hoạt
động hỗ trợ khoa học và công nhgệ, xây dựng các mô hình ứng dụng kỹ thuật tiến
bộ trong sản xuất nông nghiệp và các hoạt động có mục tiêu góp phần xoá đói giảm
nghèo, từng bước nâng cao vật chất và tinh thần của nhân dân các vùng nông thôn
và miền núi. Quá trình triển khai 2 Chương trình trên đã khẳng định việc tổ chức
ứng dụng và chuyển giao công nghệ cho nông thôn, miền núi là một vấn đề cấp
bách, đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ ở Trung ương và địa phương có đủ
năng lực để bảo đảm hiệu quả của việc triển khai các dự án thuộc phạm vi Chương
trình.
Tuy nhiên, do một số nguyên nhân
chủ quan và khách quan như: mức đầu tư kinh phí còn hạn chế, cơ chế tổ chức quản
lý và chỉ đạo chưa bảo đảm hiệu quả thiết thực nên ngay sau khi kết thúc việc
nhân rộng dự án còn gặp nhiều khó khăn, số dự án có khả năng nhân rộng chỉ đạt
mức dưới 50%.
Vì vậy, sau khi có Nghị quyết 5
của Ban chấp hành Trung ương (Khoá VII) về "Tiếp tục đổi mới và phát triển
kinh tế - xã hội nông thôn", Nghị quyết Trung ương 2, Khoá VIII về "Định
hướng chiến lược phát triển khoa học và công nghệ trong thời kỳ công nghiệp
hoá, hiện đại hoá và nhiệm vụ đến năm 2000" và Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày
10 tháng 11 năm 1998 của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng về "Một
số vấn đề phát triển nông nghiệp và nông thôn", trên cơ sở tổng kết, đánh
giá và kế thừa các kinh nghiệm đã được tích luỹ trong việc tổ chức thực hiện các
dự án giai đoạn 1991-1997, bổ sung quy chế tổ chức quản lý và chỉ đạo thực hiện
Chương trình nhằm bảo đảm việc thực hiện Chương trình đạt hiệu quả cao hơn
trong thời gian tới, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ chương đẩy mạnh
việc áp dụng kỹ thuật tiến bộ và chuyển giao công nghệ vào khu vực nông thôn và
miền núi thông qua việc tổ chức thực hiện Chương trình: "Xây dựng các mô
hình ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông
thôn và miền núi giai đoạn 1998-2002".
5. Mục tiêu của
Chương trình:
5.1. Xây dựng một số mô hình
trình diễn về ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển giao kỹ thuật tiến bộ phục
vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở
nông thôn, đặc biệt và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất
nông nghiệp phù hợp với các vùng sinh thái nhằm bảo đảm sản xuất ổn định, bảo vệ
tài nguyên, môi trường; từng bước phát triển các ngành công nghiệp, đặc biệt là
công nghiệp chế biến và dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp.
5.2. Liên kết và phối hợp với
các Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình kinh tế - xã hội khác của
các Bộ, ngành và địa phương để bảo đảm hiệu quả thực hiện Chương trình nhằm xây
dựng và tạo ra hệ thống các mô hình phát triển nông thôn mới đặc trưng cho các
vùng sinh thái trong cả nước trên cơ sở ứng dụng có hiệu quả các kỹ thuật tiến
bộ về sản xuất, kinh doanh cũng như quản lý kinh tế nhằm:
- Tạo thêm ngành nghề và việc
làm, từng bước cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân trên địa bàn thực
hiện dự án;
- Tăng năng suất lao động, năng
suất cây trồng, vật nuôi trên địa bàn thực hiện dự án;
- Tăng giá trị tạo ra trên một
đơn vị canh tác, một đơn vị ngày công hoặc tăng hiệu suất vốn đầu tư v.v...
- Tạo ra sản phẩm mới, các sản
phẩm phải có thị trường tiêu thụ.
5.3. Tổ chức đào tạo cán bộ và
phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố có liên
quan để tạo ra năng lực nội sinh trên địa bàn thực hiện dự án, góp phần nâng
cao trình độ dân trí và sự hiểu biết về khoa học và công nghệ của lực lượng cán
bộ trên địa bàn được lựa chọn, đủ sức để lực lượng này cùng bản thân người nông
dân có thể tiếp nhận và thực hiện việc chuyển giao công nghệ cũng như có thể chủ
động tìm kiếm công nghệ mới, thích hợp hoặc nhân rộng mô hình được tạo ra sau
khi Dự án kết thúc hoặc xây dựng mô hình sản xuất kinh doanh tiên tiến nhằm tìm
kiếm các giải pháp cho việc sản xuất đại trà.
5.4. Từ kết quả xây dựng mô
hình, có thể tổng kết để rút ra những vấn đề có tính chất lý luận, đó là cơ sở
khoa học cần thiết để kiểm nghiệm các chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà
nước và trên cơ sở đó đề xuất những kiến nghị điều chỉnh, bổ sung kịp thời hoặc
xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách mới nhằm từng bước hoàn thiện thể
chế cho phát triển nông nghiệp nông thôn như: luật và các chính sách của Nhà nước,
luật lệ của cộng đồng, làng xã, hệ thống tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động
v.v...
6. Nội dung của
Chương trình:
Chương trình bao gồm:
- Hệ thống các dự án xây dựng mô
hình ứng dụng và chuyển giao công nghệ;
- Một số đề tài nghiên cứu, tổng
kết kinh nghiệm thực tiễn mang tính chất lý luận về phát triển nông nghiệp và
nông thôn;
Hệ thống các dự án xây dựng mô
hình ứng dụng và chuyển giao công nghệ là tổng hợp các dự án có mục tiêu cụ thể,
phù hợp với đặc điểm sinh thái và tiềm năng phát triển của từng vùng. Các dự án
được hình thành dựa trên những nội dung cơ bản sau đây:
- Áp dụng đồng bộ các kỹ thuật
tiến bộ để nâng cao năng suất, chất lượng và sản lượng của các loại cây lương
thực, cây công nghiệp, cây ăn quả, cây rừng; phát triển chăn nuôi và nuôi trồng
thuỷ hải sản tại các địa bàn thực hiện dự án.
- Đưa công nghệ mới vào sản xuất
để tạo ra sản phẩm mới, có chất lượng cao, đặc biệt là các sản phẩm có thể xuất
khẩu (ví dụ: áp dụng công nghệ nuôi cấy mô để nhân nhanh các giống tốt cho vùng
nguyên liệu để sản xuất đại trà các nông sản phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất
khẩu).
- Đưa công nghệ mới vào để tạo
ra ngành nghề mới, tạo thêm việc làm, nâng cao chất lượng các sản phẩm phù hợp
với nhu cầu tiêu dùng trong nước, các sản phẩm có khả năng xuất khẩu (Ví dụ: trồng
nấm, trồng hoa, quả xuất khẩu, chế biến lương thực, thực phẩm cho người và thức
ăn gia súc v.v...) hoặc giảm nhập khẩu.
- Áp dụng công nghệ mới hoặc kỹ
thuật tiến bộ có khả năng hình thành các cơ sở sản xuất công nghiệp quy mô vừa
và nhỏ, ưu tiên quy mô hộ gia đình trên cơ sở công nghệ truyền thống, công nghệ
truyền thống được cải tiến và công nghệ hiện đại nhằm tạo ra các xí nghiệp ở
nông thôn. Ưu tiên áp dụng hoặc chuyển giao vào sản xuất nông nghiệp các loại
hình công nghệ hoặc kỹ thuật tiến bộ nhằm phát triển công nghiệp chế biến nông
lâm thuỷ hải sản.
- Áp dụng các giải pháp công nghệ
mới về xử lý ô nhiễm môi trường như: Giải quyết nước sạch cho nông thôn; xử lý
nước thải, chất thải, bụi, các giải pháp khoa học và công nghệ giải quyết vấn đề
năng lượng mới (gió, mặt trời, khí sinh vật...), về vật liệu xây dựng và kiến
trúc nhà ở nông thôn cho các vùng khác nhau v.v...
- Khai thác hợp lý, có hiệu quả
các vùng đất trống đồi núi trọc, các vùng đất hoang, các vùng đất mới, hình
thành nông nghiệp trang trại v.v... bằng các biện pháp khoa học và công nghệ.
Để xác định đầy đủ và chính xác
nội dung của từng dự án cụ thể, các mô hình trình diễn cần thể hiện được các hướng
ưu tiên theo từng vùng sau đây:
a. Các tỉnh miền núi phía Bắc:
- Tăng khả năng giải quyết tự
túc lương thực bằng việc tăng năng suất trên diện tích hiện có tại địa phương.
- Phát triển cây công nghiệp,
cây ăn quả; bảo quản và chế biến quả tươi.
- Phát triển chăn nuôi, đặc biệt
chú ý phát triển đại gia súc.
- Trồng và bảo vệ rừng.
- Giải quyết nước sạch quy mô
gia đình và cụm dân cư.
b. Các tỉnh vùng đồng bằng sông
Hồng:
- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng,
tăng hiệu quả kinh tế tổng hợp trên đơn vị canh tác, tăng khả năng sản xuất
nông sản, thực phẩm để tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
- Bảo quản, chế biến nông sản,
thực phẩm.
- Khôi phục và phát triển ngành
nghề truyền thống và nghề phụ.
c. Các tỉnh miền Trung:
- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng
phù hợp với diễn biến phức tạp của thời tiết.
- Cải tạo và phát triển chăn
nuôi bò.
- Cải tạo vùng đất cát, đất đồi,
chống sa mạc hoá.
- Phát triển nuôi trồng, đánh bắt
và chế biến thuỷ hải sản.
- Phát triển ngành nghề mới thu
hút lao động nông nhàn.
d. Các tỉnh Tây Nguyên:
- Phát triển cây lương thực trồng
cạn; phát triển cây công nghiệp: cà phê, cao su, điều, bông ở những nơi có điều
kiện.
- Phát triển chăn nuôi gia súc lớn.
- Sơ chế cà phê, cao su, điều,
bông quy mô nhỏ.
- Trồng rừng và bảo vệ rừng.
- Giải quyết nước sạch và vệ
sinh môi trường nông thôn.
đ. Các tỉnh Đông Nam Bộ:
- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng,
phát triển các loại cây công nghiệp, xây dựng vùng nông sản nguyên liệu cho
công nghiệp chế biến (mía, bông, cây điều, đậu tương).
- Phát triển chăn nuôi hàng hoá
(lợn, gà công nghiệp).
- Chế biến nông lâm, thuỷ hải sản.
e. Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu
Long:
- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật
nuôi hợp lý, phù hợp với vùng lũ lụt; xây dựng vùng sản xuất nông sản xuất khẩu,
vùng nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu; phục hồi và
phát triển rừng ngập mặn.
- Phát triển đánh bắt, nuôi trồng
và chế biến thuỷ hải sản.
- Sản xuất vật liệu xây dựng nhà
ở, xây dựng thuỷ lợi nhỏ và cầu đường nông thôn.
- Các giải pháp và công nghệ xử
lý cung cấp nước sạch quy mô hộ gia đình và cụm dân cư.
Tuy nhiên, cũng có thể lựa chọn
nội dung của Dự án phù hợp với tiềm năng các vùng sinh thái để xây dựng mô hình
theo các vùng sau đây:
1. Vùng đồng bằng: (bao gồm Đồng
bằng Bắc bộ, Đồng bằng Bắc trung bộ, Đồng bằng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu
Long)
- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật
nuôi bằng các giống cây, con mới, áp dụng các quy trình thâm canh tăng vụ và hệ
canh tác tiên tiến nhằm tăng hiệu quả kinh tế tổng hợp trên một đơn vị diện
tích canh tác, tăng năng suất lao động và năng suất cây trồng, vật nuôi, tăng
khả năng sản xuất hàng hoá phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, cung cấp nguyên liệu
cho công nghiệp (đậu tương, mía, bông, dâu tằm, thịt, sữa...).
- Bảo quản, chế biến nông lâm
thuỷ sản, thực phẩm.
- Khôi phục và phát triển các
ngành nghề truyền thống và nghề phụ.
2. Vùng Trung du (bao gồm vùng
gò đồi, vùng đất bạc màu, vùng sản xuất hàng hoá trong nông nghiệp và cây ăn quả)
- Sản xuất nông sản hàng hoá tập
trung.
- Phát triển chăn nuôi gia súc -
gia cầm, đặc biệt chú ý chăn nuôi đại gia súc.
- Phát triển cây công nghiệp,
cây ăn quả cùng với việc phát triển công nghiệp chế biến.
- Phát triển vật liệu xây dựng.
- Khai thác đất trống, đồi trọc,
đất hoang hoá kết hợp cải tạo đất.
3. Vùng ven biển (bao gồm ven biển
Bắc bộ, ven biển Trung bộ và ven biển Nam bộ).
- Phát triển đánh bắt và nuôi trồng
thuỷ hải sản kết hợp bảo quản chế biến thuỷ hải sản xuất khẩu.
- Khai thác đất bồi ven biển kết
hợp trồng rừng chắn gió.
- Phát triển nghề phụ đặc thù
ven biển: nghề trồng cói và dệt chiếu, nghề làm muối, nuôi trồng và chế biến
rong câu...
- Giải pháp và công nghệ xử lý,
cung cấp nước sạch quy mô hộ gia đình và cụm dân cư.
4. Miền núi: (bao gồm miền núi
phía Bắc, Trung bộ và Tây nguyên).
- Trồng và chế biến cây lương thực
trồng cạn, cây công nghiệp với quy mô khác nhau.
- Trồng rừng và bảo vệ rừng.
- Sản xuất gỗ nguyên liệu.
- Phát triển chăn nuôi đại gia
súc.
- Giải quyết nước sạch và vệ
sinh môi trường.
5. Vùng đồng bào dân tộc ít người
- Tăng khả năng giải quyết tự
túc lương thực tại địa phương.
- Phát triển chăn nuôi quy mô nhỏ.
- Phát triển công nghiệp nhỏ quy
mô hộ gia đình (xay xát gạo, thuỷ điện nhỏ, sơ chế nông lâm sản, dệt vải...).
- Phát triển cây công nghiệp
truyền thống để tự cấp tự túc (dâu tằm, bông, đay và cây thuốc...).
- Phát triển thông tin, văn hoá
và y tế cấp xã...
Ngoài những nội dung trọng tâm
cho các vùng sinh thái đặc thù nêu trên, các dự án chuyển giao công nghệ và ứng
dụng kỹ thuật tiến bộ thuộc Chương trình sẽ dành ưu tiên đặc biệt cho các địa
bàn (thôn, bản, xã) được quy định là vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng có điều
kiện thiên nhiên không thuận lợi, các vùng căn cứ cách mạng và kháng chiến cũ
theo sự lựa chọn của Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố.
Tuy nhiên, việc xem xét và lựa chọn
dự án cũng sẽ chú ý đến các nội dung khoa học và công nghệ khác phù hợp với đặc
thù của từng vùng, hoặc hỗ trợ thực hiện các dự án chuyên đề như xây dựng các
phòng nuôi cấy mô tế bào nhằm phục vụ tích cực cho việc chuyển đổi cơ cấu sản
xuất nông nghiệp nông thôn, góp phần thực hiện có kết quả mục tiêu của Chương
trình.
Ngoài ra, Chương trình sẽ có một
số Đề tài nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn mang tính chất lý luận nhằm
tạo cơ sở khoa học cần thiết để kiểm nghiệm mô hình được xây dựng, đồng thời kiểm
nghiệm các chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo điều kiện cho việc
đề xuất những kiến nghị điều chỉnh, bổ sung kịp thời hoặc xây dựng và ban hành
các cơ chế, chính sách mới nhằm từng bước hoàn thiện thể chế cho phát triển
nông nghiệp nông thôn trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
7. Tiêu chuẩn lựa
chọn dự án:
Căn cứ các nội dung trọng tâm
nói trên, việc lựa chọn các dự án thuộc phạm vi Chương trình dựa vào các tiêu
chuẩn sau đây:
- Dự án có mục tiêu định lượng cụ
thể, phù hợp với mục tiêu và nội dung của Chương trình, phù hợp với quy hoạch
và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời phục vụ thiết
thực cho việc thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia và các Chương trình
kinh tế - xã hội khác trên cùng một địa bàn.
- Dự án có tính khả thi cao, phù
hợp với khả năng tổ chức chỉ đạo thực hiện dự án của cán bộ địa phương cũng như
phù hợp với năng lực tiếp thu và áp dụng các kỹ thuật tiến bộ của người dân
trên địa bàn.
- Dự án bảo đảm hiệu quả kinh tế,
hiệu quả xã hội.
- Dự án có tính đại diện cho một
vùng sinh thái để có triển vọng nhân rộng.
Như vậy, các mô hình được lựa chọn
phải bảo đảm yêu cầu là điểm sáng thực sự ở nông thôn, đó là một mô hình tổng hợp
về kỹ thuật, kinh tế, xã hội và môi trường nhưng phải phù hợp với trình độ hiểu
biết và năng lực tiếp thu của người nông dân, từng bước phát triển nông thôn
theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
8. Danh mục các
dự án thuộc Chương trình:
Danh mục các dự án phù hợp với nội
dung ở Mục 6 nói trên bao gồm khoảng 150 đến 200 dự án thực hiện trong 5 năm
1998-2002, mỗi năm sẽ tổ chức thực hiện từ 30 đến 60 dự án ở các vùng sinh thái
đặc thù nói trên.
Tuy nhiên, các mô hình sẽ được tập
trung thực hiện vào các năm 1998, 1999, 2000, và 2001 để có thể kết thúc vào
năm 2002. Thời gian cần thiết để xây dựng mô hình là 2 năm. Kế hoạch triển khai
thực hiện các Dự án phân bố theo vùng thuộc phạm vi Chương trình sẽ được cụ thể
hoá trong kế hoạch hàng năm.
9. Thời gian thực
hiện Chương trình:
Chương trình được thực hiện từ
năm 1998 tới năm 2002. Định kỳ hàng năm, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường
báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện Chương trình và vào năm 2000 sẽ
tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm việc tổ chức triển khai thực hiện Chương trình,
đồng thời tiến hành điều chỉnh một số mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ trong kế hoạch
tổng thể của Chương trình cho phù hợp với thực tế.
Việc tổng kết thực hiện Chương
trình vào năm 2002 sẽ là cơ sở cho các kiến nghị liên quan đến việc tổ chức thực
hiện Chương trình trong những năm tiếp theo.
10. Về cơ chế
thực hiện Chương trình:
Đây là một Chương trình có tính
chất liên ngành. Chương trình được thực hiện bằng các dự án áp dụng các kỹ thuật
tiến bộ thích hợp với từng địa bàn nhằm hình thành các mô hình trình diễn ứng dụng
kỹ thuật tiến bộ và chuyển giao công nghệ (mô hình mẫu) ở quy mô xã hoặc một cụm
xã với mục tiêu tạo ra những căn cứ khoa học và thực tiễn để mở rộng sản xuất bằng
việc áp dụng rộng rãi các kỹ thuật tiến bộ.
Các mô hình trình diễn được thực
hiện với sự giúp đỡ trực tiếp của đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ ở các cơ
quan khoa học và công nghệ trong cả nước để tìm ra phương thức chuyển giao công
nghệ thích hợp đến tận tay người nông dân.
Các dự án xây dựng mô hình ứng dụng
kỹ thuật tiến bộ và chuyển giao công nghệ thuộc phạm vi Chương trình do Uỷ ban
nhân dân tỉnh, thành phố lựa chọn và đề xuất, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường
xem xét, thẩm định, phê duyệt và ký hợp đồng để thực hiện Dự án với Giám đốc Sở
Khoa học, Công nghệ và Môi trường các tỉnh, thành phố có liên quan, đồng thời
giao cho Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường chỉ đạo thực hiện Dự án ở địa
phương.
Hàng năm, Bộ Khoa học, Công nghệ
và Môi trường thông báo rộng rãi các Dự án được triển khai để có thể huy động lực
lượng các nhà khoa học ở các cơ quan khoa học và công nghệ trong cả nước tham
gia thực hiện Dự án. Cơ quan chủ trì Dự án là Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường
các tỉnh, thành phố. Chủ nhiệm Dự án là Giám đốc hoặc Phó Giám đốc các Sở Khoa
học, Công nghệ và Môi trường. Trên cơ sở Hợp đồng thực hiện Dự án được ký giữa
Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường,
cơ quan chủ trì Dự án và Chủ nhiệm Dự án sẽ căn cứ vào mục tiêu, nội dung Dự án
và đối tượng (giống cây, con cụ thể) để tiến hành ký các Hợp đồng thực hiện từng
phần nội dung với các cơ quan khoa học và công nghệ ở Trung ương, nơi tạo ra
các công nghệ mới có năng lực chuyển giao công nghệ, để bảo đảm lựa chọn đúng
người, giao đúng việc theo yêu cầu khách quan, công bằng.
Về tổ chức, Bộ Khoa học, Công
nghệ và Môi trường thành lập một Ban chỉ đạo Chương trình do Bộ trưởng làm Trưởng
Ban, một đồng chí Lãnh đạo Bộ làm Phó Ban. Tham gia Ban chỉ đạo Chương trình có
đại diện Lãnh đạo Bộ, Ngành chức năng có liên quan như Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn, Uỷ ban Dân tộc và Miền núi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài
chính v.v... Ban chỉ đạo Chương trình có một Tổ Thư ký giúp việc.
Ban Chỉ đạo Chương trình có
trách nhiệm quản lý, chỉ đạo và tổ chức triển khai các Dự án thuộc phạm vi
Chương trình phù hợp với mục tiêu, nội dung, cơ chế tổ chức và chỉ đạo thực hiện
Chương trình theo hướng dẫn của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Đồng thời,
Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn và phối hợp với
các Bộ ngành và địa phương tập hợp lực lượng cán bộ khoa học và công nghệ để
triển khai thực hiện các Dự án thuộc phạm vi Chương trình nói trên vào địa bàn
nông thôn và miền núi. Phương thức tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo Chương
trình được thực hiện theo một Quy chế riêng.
Công tác kiểm tra và chỉ đạo thực
hiện các dự án được chú ý đặc biệt. Vì vậy, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường
sẽ tập chung chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành và địa phương có liên
quan tổ chức thực hiện có kết quả Chương trình, bảo đảm mục tiêu đề ra cho từng
Dự án; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình
và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình và kết quả thực hiện các Dự án thuộc
phạm vi Chương trình.
Về phía địa phương, Uỷ ban nhân
dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Uỷ ban nhân dân
các tỉnh, thành phố) có trách nhiệm phối hợp với Ban chỉ đạo Chương trình trong
việc lồng ghép việc thực hiện Chương trình này với việc thực hiện các Chương
trình mục tiêu quốc gia và các chương trình kinh tế - xã hội khác để bảo đảm hiệu
quả của việc thực hiện các Chương trình trên cùng một địa bàn. Sau khi các dự
án thuộc phạm vi Chương trình được Ban chỉ đạo Chương trình phê duyệt và hợp đồng
thực hiện dự án giữa Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Sở Khoa học, Công
nghệ và Môi trường được ký, hàng năm Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố giao
nhiệm vụ thực hiện dự án thành chỉ tiêu kế hoạch cho Uỷ ban nhân dân huyện để Uỷ
ban nhân dân huyện giao chỉ tiêu kế hoạch đó cho Uỷ ban nhân dân xã, nơi được
chọn làm địa bàn thực hiện dự án.
11. Nguồn vốn
và cơ chế tài chính để thực hiện Chương trình:
11.1. Về nguồn vốn:
Kinh phí để thực hiện Chương
trình được hình thành chủ yếu từ các nguồn sau đây:
- Nguồn Ngân sách Nhà nước được
cân đối trong tổng nguồn kinh phí chi cho sự nghiệp khoa học ở Trung ương.
- Nguồn Ngân sách của tỉnh,
thành phố do Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố quyết định.
- Nguồn khác bao gồm vốn vay của
Ngân hàng, vốn tài trợ của các tổ chức quốc tế, vốn huy động bằng vật chất, sức
lao động của nhân dân ở địa bàn thực hiện Dự án hoặc huy động từ các chương
trình mục tiêu quốc gia và chương trình hoặc dự án phát triển kinh tế - xã hội
khác.
11.2. Cơ chế tài chính:
Hàng năm, Bộ Khoa học, Công nghệ
và Môi trường cùng với Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống nhất cân đối
một khoản kinh phí từ Ngân sách sự nghiệp khoa học của Nhà nước để đầu tư cho
các Dự án thuộc phạm vi Chương trình và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt,
sau đó Bộ Tài chính thực hiện cấp phát kinh phí theo phương thức cấp uỷ quyền về
địa phương trên cơ sở các Hợp đồng thực hiện Dự án do Bộ Khoa học, Công nghệ và
Môi trường ký với Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
Cơ chế tài chính cho việc thực
hiện các Dự án thuộc phạm vi Chương trình được thực hiện theo hướng dẫn thống
nhất giữa Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Bộ Tài chính nhằm bảo đảm việc
sử dụng kinh phí đúng mục đích và có hiệu quả.
12. Bố trí các
Dự án thuộc phạm vi chương trình vào kế hoạch hàng năm:
Các Sở Khoa học, Công nghệ và
Môi trường có trách nhiệm tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố về mục
tiêu, nội dung, địa bàn và quy mô của các Dự án thuộc phạm Chương trình để thể
hiện trong kế hoạch khoa học và công nghệ hàng năm của các tỉnh, thành phố. Sau
khi thảo luận kế hoạch hàng năm với Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và các
cơ quan tổng hợp của Nhà nước, các Dự án được hoàn chỉnh, bổ sung để xin ý kiến
của Hội đồng khoa học và công nghệ cấp tỉnh, thành phố. Trên cơ sở ý kiến tư vấn
của Hội đồng khoa học và công nghệ cấp tỉnh, thành phố, Uỷ ban nhân dân tỉnh,
thành phố phê duyệt và có công văn chính thức đề nghị Bộ Khoa học, Công nghệ và
Môi trường xem xét hỗ trợ thực hiện dự án.
Trên cơ sở đề nghị của Uỷ ban
nhân dân các tỉnh, thành phố, Ban Chỉ đạo Chương trình tổ chức xét duyệt Dự án
hàng năm theo một quy trình thống nhất. Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường
cùng các cơ quan tổng hợp của Nhà nước xem xét để bố trí các Dự án vào kế hoạch
và giao nhiệm vụ cho các Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường thực hiện trên cơ
sở một hợp đồng được ký giữa Bộ và Sở. Căn cứ nhiệm vụ được giao, Giám đốc Sở
Khoa học, Công nghệ và Môi trường có liên quan tiến hành ký hợp đồng thực hiện
toàn bộ Dự án hoặc từng phần nội dung Dự án với cơ quan khoa học và công nghệ
có liên quan.