Quyết định 927/QĐ-BGTVT năm 2022 công bố Danh mục chi tiết mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
Số hiệu | 927/QĐ-BGTVT |
Ngày ban hành | 15/07/2022 |
Ngày có hiệu lực | 15/07/2022 |
Loại văn bản | Quyết định |
Cơ quan ban hành | Bộ Giao thông vận tải |
Người ký | Lê Đình Thọ |
Lĩnh vực | Giao thông - Vận tải |
BỘ GIAO THÔNG VẬN
TẢI |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 927/QĐ-BGTVT |
Hà Nội, ngày 15 tháng 07 năm 2022 |
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ Luật giao thông đường bộ năm 2008; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch (Luật số 35/2018/QH14 ngày 20/11/2018 của Quốc hội);
Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô;
Căn cứ Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT ngày 29/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Vận tải và Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Công bố Danh mục chi tiết mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (sau đây viết tắt là Danh mục chi tiết mạng lưới tuyến cố định) với các nội dung chủ yếu sau:
1. Quan điểm
a) Danh mục chi tiết mạng lưới tuyến cố định phù hợp với Chiến lược Phát triển giao thông vận tải, Chiến lược phát triển dịch vụ vận tải, Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam và các Chiến lược, Quy hoạch khác có liên quan;
b) Danh mục chi tiết mạng lưới tuyến cố định đáp ứng nhu cầu và tạo thuận lợi cho sự đi lại của nhân dân trên cơ sở đảm bảo hiệu quả khai thác của toàn mạng lưới tuyến đường bộ, đặc biệt là quốc lộ và đường bộ cao tốc; tăng cường kết nối các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh bằng xe ô tô với các phương thức vận tải khác;
c) Ổn định mạng lưới tuyến cố định đã có, kế thừa và bổ sung theo nhu cầu đề xuất của các Sở GTVT, đảm bảo phù hợp với mục tiêu phát triển GTVT tại các thành phố lớn.
2. Mục tiêu
a) Phát triển mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ thống nhất và hợp lý trên phạm vi cả nước, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân giữa các vùng miền, địa phương và đảm bảo an toàn, thuận lợi, chi phí hợp lý.
b) Tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tạo sự công khai, minh bạch, bình đẳng cho đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và đơn vị đầu tư, khai thác bến xe ô tô khách.
3. Nội dung công bố Danh mục chi tiết mạng lưới tuyến cố định đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030
a) Bổ sung vào Danh mục chi tiết mạng lưới tuyến cố định hoặc điều chỉnh, bổ sung (bổ sung thêm hành trình, điều chỉnh hành trình, điều chỉnh bến xe, điều chỉnh tăng hoặc giảm lưu lượng, xóa bỏ tuyến đã công bố) đối với tuyến đã được công bố trong Danh mục chi tiết mạng lưới tuyến cố định phải đáp ứng nội dung theo quy định tại Điều 4, Điều 20 của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ; khoản 5 Điều 22 của Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT ngày 29/5/2020 của Bộ trưởng Bộ GTVT.
Phù hợp với hiện trạng bến xe ô tô khách của các tỉnh, thành phố; đảm bảo lượng phương tiện hoạt động tại các tuyến bố trí vào các bến xe tương ứng với tổng lưu lượng số chuyến/tháng tại mỗi bến xe không vượt quá tổng công suất phục vụ của bến xe ô tô khách đã được tính toán và công bố theo quy định.
b) Đối với tuyến mới chưa nằm trong danh mục mạng lưới tuyến đã được cơ quan có thẩm quyền công bố thực hiện theo quy định tại Điều 4, khoản 2 Điều 20 của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ.
c) Các tuyến được công bố đảm bảo đầy đủ các thông tin: số thứ tự toàn quốc; mã số tuyến; tỉnh nơi đi/đến (và ngược lại); bến xe nơi đi/đến (và ngược lại); hành trình chạy xe chính (dùng cho cả 2 chiều đi), nếu có đoạn hành trình đi qua địa bàn thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh thì ghi rõ tên từng tuyến đường/tuyến phố; cự ly tuyến (km); lưu lượng (số chuyến xe/tháng/1 đầu bến); phân loại tuyến (tuyến mới/tuyến đang khai thác); ghi chú (nếu có).
d) Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phối hợp khắc phục ùn tắc giao thông tại thành phố Hà Nội, đảm bảo đồng bộ, thống nhất theo đề xuất của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, đối với các tuyến đi và đến địa bàn Hà Nội:
- Đối với tuyến có hành trình đi/đến các bến xe trên địa bàn thành phố Hà Nội: Ưu tiên bố trí luồng tuyến đến/đi từ các tỉnh/thành phố vào các bến xe trên địa bàn thành phố Hà Nội theo nhu cầu và theo hướng tuyến cũng như tính kết nối với mạng lưới giao thông: Các tuyến theo Quốc lộ 1, Quốc lộ 1B đi vào bến xe Gia Lâm; các tuyến đi theo hướng đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 6 đi vào bến xe Yên Nghĩa; các tuyến đi theo hướng Quốc lộ 32, Cầu Thăng Long đi vào bến xe Mỹ Đình; các tuyến phía Nam đi theo hướng Quốc lộ 1, đường Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đi vào bến xe Nước Ngầm, bến xe Giáp Bát và phù hợp với công suất bến xe đã công bố.
- Đối với tuyến có hành trình đi qua địa bàn thành phố Hà Nội1:
+ Các tỉnh phía Đông, Đông Bắc (của Thành phố Hà Nội) - ... - QL 5 (hoặc đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng hoặc QL 1A) đường vành đai 3 - Cầu Thanh trì - đường vành đai 3 trên cao - Đại lộ Thăng Long - QL 21 - QL6 (hoặc QL32) - ... - đi các tỉnh phía Tây, Tây Bắc và ngược lại;
+ Các tỉnh phía Đông, Đông Nam (của Thành phố Hà Nội) - ... - QL5 (hoặc đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - vành đai 3 - QL5) - đường Nguyễn Văn Linh - đường Lý Sơn - Cầu Đông Trù - đường Trường Sa - đường Hoàng Sa - đường Võ Văn Kiệt - QL2 (hoặc đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai) - ... - đi các tỉnh phía Bắc, Tây Bắc và ngược lại;
+ Các tuyến có hành trình đi qua địa bàn thành phố Hà Nội nằm ngoài đường vành đai 3 bố trí hành trình theo nhu cầu và đề xuất của Sở GTVT hai đầu tuyến.