Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 918/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Cao Bằng đến năm 2020”

Số hiệu 918/QĐ-UBND
Ngày ban hành 27/05/2011
Ngày có hiệu lực 27/05/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Cao Bằng
Người ký Đàm Văn Eng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CAO BẰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 918/QĐ-UBND

Cao Bằng, ngày 27 tháng 05 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN TỈNH CAO BẰNG ĐẾN NĂM 2020”

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 282/2006/QĐ-TTg ngày 20 tháng 12 năm 2006 của Thủ tướng Chính Phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2006 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”;

Xét đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 443/TTr-SLĐTBXH ngày 18 tháng 5 năm 2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Cao Bằng đến năm 2020” với những nội dung sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

- Nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy nghề, tạo và ổn định việc làm, tăng thu nhập của lao động nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

- Bình quân mỗi năm dạy nghề cho khoảng 7.500 lao động và đào tạo, bồi dưỡng cho khoảng 1.500 cán bộ, công chức xã.

- Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề lũy kế đến năm 2015 đạt 23% và đến năm 2020 đạt 40%.

- Đến năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề có việc làm khoảng 95% và tỷ lệ lao động có việc làm phù hợp với nghề đào tạo 85%.

2. Mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn

a) Giai đoạn 2011- 2015

- Đào tạo nghề cho 32.000 người, trong đó cao đẳng nghề 400 người; trung cấp nghề 5.600 người; sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 03 tháng 26.000 người. Bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 6.400 người.

- Số lao động nông thôn được hỗ trợ chi phí học nghề (trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng) từ nguồn kinh phí thực hiện chính sách 1956 là 20.000 người. Bình quân mỗi năm hỗ trợ cho 4.000 người, trong đó học nghề nông nghiệp: 1.600 người; học nghề phi nông nghiệp: 2.400 người.

- Đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao kiến thức, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế - xã hội theo chức danh, vị trí làm việc đáp ứng yêu cầu của công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành và thực thi công vụ cho khoảng 6.140 lượt cán bộ, công chức xã.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 23% vào năm 2015.

b) Giai đoạn 2016 - 2020

- Đào tạo nghề cho 40.000 người, trong đó: cao đẳng nghề 2.000 người; trung cấp nghề 8.000 người; sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 03 tháng 30.000 người. Bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 8.000 người.

- Số lao động nông thôn được hỗ trợ chi phí học nghề (trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng) từ nguồn kinh phí thực hiện chính sách 1956 là 25.000 người. Bình quân mỗi năm hỗ trợ cho 5.000 người, trong đó học nghề nông nghiệp: 1.800 người; học nghề phi nông nghiệp: 3.600 người.

- Đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao kiến thức, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế - xã hội theo chức danh, vị trí làm việc đáp ứng yêu cầu của công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành và thực thi công vụ cho khoảng 9.126 lượt cán bộ, công chức xã.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề luỹ kế đến năm 2020 đạt 40%.

II. ĐỐI TƯỢNG CỦA ĐỀ ÁN

1. Lao động nông thôn trong độ tuổi lao động, có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học; trong đó, ưu tiên dạy nghề cho các đối tượng là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác.

[...]