Quyết định 906/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 906/QĐ-TTg
Ngày ban hành 17/06/2010
Ngày có hiệu lực 17/06/2010
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 906/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 17 tháng 06 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỊNH HƯỚNG QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN ĐIỆN HẠT NHÂN Ở VIỆT NAM GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Năng lượng nguyên tử ngày 03 tháng 06 năm 2008;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương tại các tờ trình số 2684/TTr-BCT ngày 18 tháng 3 năm 2010 về định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và số 2725/TTr-BCT ngày 19 tháng 3 năm 2010 về định hướng quy hoạch địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam; ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại công văn số 4437/BTNMT-TCMT ngày 23 tháng 11 năm 2009 về kết quả thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của Dự án quy hoạch địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 với các nội dung chính sau đây:

1. Quan điểm phát triển điện hạt nhân

a) Phát triển điện hạt nhân vì mục đích hòa bình là chính sách nhất quán của Việt Nam.

b) Phát triển điện hạt nhân dựa trên công nghệ hiện đại, đã được kiểm chứng và theo một chương trình dài hạn để tiến đến hình thành ngành công nghiệp điện hạt nhân Việt Nam.

c) Phát triển điện hạt nhân phải đảm bảo an toàn cho con người và môi trường.

d) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế để thu hút đầu tư và chuyển giao công nghệ điện hạt nhân.

đ) Huy động hợp lý các nguồn lực xã hội cho phát triển điện hạt nhân để đảm bảo thành công của chương trình phát triển điện hạt nhân.

e) Xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại các địa điểm lựa chọn theo từng giai đoạn, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa điểm, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực.

2. Mục tiêu phát triển điện hạt nhân

a) Mục tiêu tổng quát: từng bước xây dựng và phát triển ngành công nghiệp điện hạt nhân Việt Nam bảo đảm quản lý an toàn và khai thác hiệu quả các nhà máy điện hạt nhân, từng bước tăng dần tỷ lệ tham gia của các ngành công nghiệp trong nước vào việc thực hiện các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân, tiến đến tự chủ về thiết kế, chế tạo, xây dựng, lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng các nhà máy điện hạt nhân.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Đến năm 2015:

+ Thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên: hoàn thành phê duyệt dự án đầu tư, phê duyệt địa điểm, tổ chức lựa chọn nhà thầu, chuẩn bị đủ đội ngũ cán bộ quản lý dự án và các chuyên gia kỹ thuật nòng cốt cho chủ đầu tư, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khởi công xây dựng nhà máy.

+ Công nghệ điện hạt nhân: xây dựng được đội ngũ chuyên gia điện hạt nhân.

+ Tham gia của các ngành công nghiệp trong nước: quy hoạch, xây dựng các cơ chế, chính sách thúc đẩy và chuẩn bị năng lực cho các ngành công nghiệp trong nước tham gia cung cấp vật tư, thiết bị, xây dựng, lắp đặt, quản lý dự án, giám sát và kiểm tra chất lượng nhà máy điện hạt nhân.

+ Địa điểm xây dựng: hoàn tất việc chuẩn bị địa điểm cho khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.

+ Đảm bảo an ninh cung cấp nhiên liệu hạt nhân: nghiên cứu các cơ chế, chính sách và giải pháp đảm bảo an ninh cung cấp nhiên liệu cho nhà máy điện hạt nhân. Tổ chức điều tra, thăm dò nguồn tài nguyên urani, xây dựng cơ chế, chính sách về khai thác, sử dụng thương mại tài nguyên urani.

+ Quản lý chất thải phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng: hoàn thành quy hoạch địa điểm lưu giữ chất thải phóng xạ hoạt độ thấp và trung bình của quốc gia. Nghiên cứu xây dựng các chính sách về quản lý chất thải phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng. Xây dựng năng lực nghiên cứu triển khai về xử lý chất thải phóng xạ.

+ Đảm bảo an toàn hạt nhân: ban hành đủ các văn bản quy phạm, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình, thủ tục phục vụ phê duyệt địa điểm, thiết kế và cấp phép xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Xây dựng đủ năng lực cho cơ quan quản lý an toàn hạt nhân để thực hiện các hoạt động cấp giấy phép liên quan đến đảm bảo an toàn hạt nhân cho giai đoạn đến khi bắt đầu khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

+ Tăng cường năng lực hỗ trợ kỹ thuật: xây dựng cơ quan hỗ trợ kỹ thuật độc lập có đủ năng lực để thực hiện phân tích, thẩm định, đánh giá an toàn hạt nhân cho giai đoạn phê duyệt địa điểm, thiết kế và cấp phép xây dựng nhà máy điện hạt nhân; điều hành hoạt động của mạng lưới quan trắc cảnh báo phóng xạ môi trường; thực hiện việc kiểm định và hiệu chuẩn các thiết bị liên quan trong dự án; có năng lực kỹ thuật bước đầu trong ứng phó và xử lý các sự cố bức xạ và hạt nhân. Quy hoạch mạng lưới các cơ sở chữa bệnh do phóng xạ của quốc gia.

+ Đào tạo phát triển nguồn nhân lực hạt nhân: quy hoạch, tuyển dụng và đào tạo đủ cán bộ quản lý dự án, chuyên gia kỹ thuật cho chủ đầu tư, cán bộ chuyên môn cho các cơ quan nghiên cứu triển khai về công nghệ điện hạt nhân, cơ quan hỗ trợ kỹ thuật và cơ quan quản lý an toàn hạt nhân. Đồng thời quy hoạch các cơ sở đào tạo đại học, trên đại học chuyên ngành điện hạt nhân. Xây dựng các chính sách về đào tạo và sử dụng nhân lực điện hạt nhân.

+ Đầu tư và thu xếp tài chính: nghiên cứu và xây dựng cơ chế, chính sách về đầu tư và thu xếp tài chính cho việc thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.

- Đến năm 2020:

[...]