Quyết định 90/QĐ-BTP năm 2011 về Chương trình công tác của Ngành Tư pháp do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 90/QĐ-BTP
Ngày ban hành 25/01/2011
Ngày có hiệu lực 25/01/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Hà Hùng Cường
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ TƯ PHÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 90/QĐ-BTP

Hà Nội, ngày 25 tháng 01 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH CÔNG TÁC CỦA NGÀNH TƯ PHÁP NĂM 2011

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

Căn cứ Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Căn cứ Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2011;
Xét đề nghị của Chánh Văn phòng Bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình công tác của Ngành Tư pháp năm 2011.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Thủ trưởng Tổ chức pháp chế các Bộ, ngành, Giám đốc Sở Tư pháp, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3 (để thực hiện);
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ (để phối hợp);
- Các Thứ trưởng;
- Thường vụ Đảng uỷ, Người đứng đầu các đoàn thể cơ quan Bộ (để phối hợp);
- Cục CNTT (đưa lên Cổng thông tin điện tử);
- Báo Pháp luật Việt Nam;
- Lưu: VT, TH.

BỘ TRƯỞNG




Hà Hùng Cường

 

CHƯƠNG TRÌNH CÔNG TÁC

CỦA NGÀNH TƯ PHÁP NĂM 2011
(Ban hành kèm theo Quyết định số 90/QĐ-BTP ngày 25 tháng 01 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)

Năm 2011 là năm có ý nghĩa quan trọng đối với đất nước ta, năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng mà trực tiếp là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, trong đó có nhiều nội dung quan trọng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế, cải cách tư pháp, cải cách hành chính, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành.

Năm 2011 Ngành Tư pháp triển khai công tác với những thuận lợi và khó khăn đan xen lẫn nhau. Về thuận lợi: thể chế, tổ chức, cán bộ của Ngành về cơ bản đã được kiện toàn; vai trò, vị thế của Ngành trong hệ thống chính trị được củng cố, tăng cường; sự phối hợp giữa Ngành Tư pháp với các Bộ, ngành, các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Về khó khăn: Ngành Tư pháp phải bắt tay vào những công việc mang tính chiến lược, dài hạn với khối lượng công việc ngày càng tăng, yêu cầu về chất lượng, tiến độ công việc ngày càng cao so với những năm qua; tổ chức cán bộ của Ngành tuy đã được cơ bản kiện toàn nhưng vẫn chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ, trong khi đó những vấn đề lớn của bộ máy nhà nước có ảnh hưởng chi phối đến mô hình tổ chức và hoạt động của Ngành hiện chưa được làm rõ, đặt ra cho Ngành ta nhiều vấn đề mới, hết sức phức tạp cần giải quyết.

Bước vào năm 2011, cùng với việc triển khai đồng bộ, toàn diện các mặt công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ của Ngành, thiết thực cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 và Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2011, tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong những năm tiếp theo, Ngành Tư pháp tập trung thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau đây:

Phần thứ nhất:

CHƯƠNG TRÌNH CÔNG TÁC NĂM 2011

I. TỔ CHỨC NGHIÊN CỨU, QUÁN TRIỆT VÀ THỂ CHẾ HOÁ MỘT BƯỚC CÁC VĂN KIỆN ĐẠI HỘI ĐẢNG TOÀN QUỐC LẦN THỨ XI

1. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch nghiên cứu, quán triệt các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, tiếp tục quán triệt Nghị quyết Đại hội đảng bộ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình hành động của Ngành Tư pháp, trong đó tập trung vào những vấn đề liên quan đến hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cải cách tư pháp, cải cách hành chính, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật; hoàn thiện, trình Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Ngành Tư pháp giai đoạn 2011 - 2020 theo những chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước.

2. Tổ chức nghiên cứu, đề xuất việc thể chế hóa một bước nội dung của văn kiện liên quan đến sửa đổi, bổ sung một số quy định của Hiến pháp, các luật về tổ chức, bộ máy Nhà nước.

II. NÂNG CAO HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ XÂY DỰNG VÀ THI HÀNH PHÁP LUẬT THEO HƯỚNG GẮN KẾT GIỮA XÂY DỰNG VÀ THI HÀNH PHÁP LUẬT

1. Đổi mới căn bản công tác lập dự kiến Đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khoá XIII và năm 2012

a) Hoàn thiện quy trình, căn cứ và tiêu chí lập dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khoá XIII, năm 2012 bảo đảm gắn kết việc xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật với thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về 05 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW.

Tham mưu kịp thời cho Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành chương trình hoặc kế hoạch xây dựng VBQPPL của tỉnh năm 2011 bám sát yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và Chương trình này.

b) Bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2011 theo các Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 02/6/2010 và Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 10/12/2010 của Chính phủ về việc đơn giản hoá thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành liên quan.

c) Triển khai sơ kết việc thực hiện Luật Ban hành VBQPPL và tổng kết thực hiện Luật Ban hành VBQPPL của HĐND và UBND trong toàn quốc; nghiên cứu việc đề xuất hợp nhất các Luật này.

2. Tích cực đôn đốc, kiểm tra các Bộ, ngành trong việc xây dựng VBQPPL; tập trung giải quyết triệt để tình trạng nợ văn bản hướng dẫn thi hành

[...]