Quyết định 48/2009/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2009 – 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 48/2009/QĐ-TTg
Ngày ban hành 31/03/2009
Ngày có hiệu lực 15/05/2009
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Thiện Nhân
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 48/2009/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 31 tháng 03 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2009 – 2010

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Luật Giao dịch điện tử ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2009 – 2010 (gọi tắt là Kế hoạch) với những nội dung chủ yếu sau:

A. MỤC TIÊU ĐẾN HẾT NĂM 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2015

I. MỤC TIÊU ĐẾN HẾT NĂM 2010

1. Nâng cao năng lực quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước

a) Hướng tới xây dựng các cơ quan điện tử

- Bảo đảm trung bình 60% (năm 2009 là 30%) các thông tin chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được đưa lên cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử.

- Tỷ lệ trung bình cán bộ, công chức sử dụng thư điện tử cho công việc ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương là 80% (năm 2009 là 70%); Ủy ban nhân dân tỉnh là 60% (năm 2009 là 50%), trong đó các tỉnh miền núi (tới cấp huyện) là 30% (năm 2009 là 20%).

- Tỷ lệ Vụ, Văn phòng Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương triển khai sử dụng phần mềm ứng dụng quản lý văn bản và điều hành trên môi trường mạng là 90% (năm 2009 là 80%); Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh là 80% (năm 2009 là 70%) và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp huyện là 50% (năm 2009 là 30%).

- Nâng tỷ lệ trung bình máy tính trên cán bộ, công chức tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Giảm thiểu việc sử dụng giấy tờ. Khuyến khích cán bộ, công chức khai thác thông tin trên môi trường mạng phục vụ công tác.

b) Thông tin liên lạc ở khoảng cách xa, kết nối các cơ quan

Tăng dần và khuyến khích sử dụng các hình thức truyền thông cơ bản: thư điện tử, điện thoại, fax, hội nghị và họp trên môi trường mạng, đưa thông tin lên cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử để trao đổi thông tin ở khoảng cách xa.

2. Phục vụ người dân và doanh nghiệp

a) Bảo đảm 100% các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử với đầy đủ thông tin theo quy định tại Điều 28 của Luật Công nghệ thông tin.

b) Bảo đảm 80% (năm 2009 là 60%) số cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh và 100% số cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 cho người dân và doanh nghiệp.

c) Đẩy mạnh triển khai cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trên cổng thông tin điện tử của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

II. ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2015

1. Ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới phương thức cung cấp thông tin và dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp. Phấn đấu đến năm 2015 cung cấp hầu hết các dịch vụ công cơ bản trực tuyến mức độ 3 hoặc 4, người dân và doanh nghiệp có thể trao đổi thông tin, gửi, nhận hồ sơ, thanh toán phí dịch vụ, nhận kết quả dịch vụ qua mạng.

2. Ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới phương thức quản lý tài nguyên thông tin trong các cơ quan nhà nước. Phát triển các cơ sở dữ liệu quốc gia về con người, đất đai, tài chính, kinh tế, công nghiệp và thương mại tạo nền tảng triển khai Chính phủ điện tử. Từng bước tích hợp các hệ thống thông tin, tiếp tục xây dựng và mở rộng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động quản lý, điều hành chung của cơ quan nhà nước và phục vụ người dân, doanh nghiệp.

3. Ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước nhằm xây dựng môi trường làm việc điện tử giữa các cơ quan nhà nước trên phạm vi toàn quốc, tạo thói quen làm việc của cán bộ, công chức trên môi trường mạng và hệ thống thông tin trợ giúp, thay thế văn bản giấy.

B. NỘI DUNG CỦA KẾ HOẠCH

I. NÂNG CAO NĂNG LỰC QUẢN LÝ, ĐIỀU HÀNH CỦA CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC

1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện cải tiến quy trình công việc, thủ tục và chuẩn hóa nghiệp vụ; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001: 2000.

2. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả ứng dụng các hệ thống thông tin phục vụ sự chỉ đạo, điều hành và quản lý của các cơ quan nhà nước, bao gồm các nội dung chủ yếu sau:

[...]