Quyết định 89/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Phương án quản lý rừng bền vững tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2030

Số hiệu 89/QĐ-UBND
Ngày ban hành 10/03/2021
Ngày có hiệu lực 10/03/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Ninh
Người ký Vương Quốc Tuấn
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 89/QĐ-UBND

Bắc Ninh, ngày 10 tháng 3 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN QUẢN LÝ RỪNG BỀN VỮNG TỈNH BẮC NINH GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 29/11/2013;

Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15/11/2017;

Căn cứ Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Lâm nghiệp;

Căn cứ Thông tư số 28/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định Phương án quản lý rừng bền vững:

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 61/TTr-SNN ngày 15/01/2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Phương án quản lý rừng bền vững tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021 - 2030 với những nội dung sau:

1. Tên Phương án: Phương án quản lý rừng bền vững tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021 - 2030.

2. Tên chủ rừng: Ban quản lý rừng tỉnh Bắc Ninh.

3. Địa chỉ: phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.

4. Mục tiêu phương án

4.1. Mục tiêu chung

Quản lý rừng theo kế hoạch một cách bền vững trên cả ba lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái, hướng đến được cấp chứng chỉ Quản lý rừng bền vững; kết hợp hài hòa giữa chức năng phòng hộ với việc phát triển kinh tế nhằm khai thác, sử dụng hợp lý đất đai, tài nguyên rừng và các sản phẩm khác từ rừng phòng hộ; chú trọng công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ hệ sinh thái, các loài động vật rừng, thực vật rừng quý, hiếm, loài đặc hữu có trong khu vực.

4.2. Mục tiêu cụ thể

4.2.1. Mục tiêu môi trường

- Thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng trên toàn bộ diện tích rừng hiện có trên cơ sở hợp tác chặt chẽ, hiệu quả với lực lượng kiểm lâm địa bàn và sự tham gia của cộng đồng dân cư trong khu vực, qua đó rừng được bảo vệ, chất lượng rừng được nâng cao;

- Trồng lại rừng phòng hộ trên diện tích rừng trồng hiện có theo mô hình phát triển rừng bền vững, từng bước hình thành những khu rừng ổn định, bền vững về cấu trúc với các loài cây trồng bản địa, đa tác dụng, có giá trị cao về kinh tế, phát huy tác dụng phòng hộ cảnh quan, môi trường, phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng của địa phương;

- Tạo lập môi trường sinh thái bền vững, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, góp phần thực hiện Chiến lược chống biến đổi khí hậu;

- Bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các hệ sinh thái, các loài động vật rừng, thực vật rừng quý, hiếm, loài đặc hữu có trong khu vực.

4.2.2. Mục tiêu xã hội

- Khai thác tối đa lợi thế của rừng, thúc đẩy phát triển loại hình du lịch sinh thái rừng; dịch vụ môi trường rừng, góp phần nâng cao đời sống của người dân làm nghề rừng, đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân với phát triển rừng;

- Thu hút lao động, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân địa phương khi nhận khoán bảo vệ rừng theo quy định của Nhà nước. Tổng số hộ gia đình được nhận khoán bảo vệ rừng, trồng rừng hàng năm 200 hộ/năm;

- Nâng cao năng lực cho cán bộ trong đơn vị và hàng trăm người lao động và nhân dân trong vùng được nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, kỹ năng trồng rừng thông qua các khóa đào tạo, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ và phổ biến tuyên truyền pháp luật;

- Xây dựng đường tuần tra bảo vệ rừng kết hợp du lịch sinh thái và các công trình phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn, qua đó góp phần xây dựng hạ tầng nông thôn mới cho người dân địa phương.

[...]