Quyết định 89/2003/QĐ-TTg về biện pháp xử lý nợ vay vốn đầu tư phát triển để đóng mới, cải hoán tàu đánh bắt và tàu dịch vụ đánh bắt hải sản xa bờ theo QĐ 393/TTg năm 1997, QĐ 159/1998/QĐ-TTg, QĐ 64/2000/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 89/2003/QĐ-TTg
Ngày ban hành 08/05/2003
Ngày có hiệu lực 09/06/2003
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 89/2003/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 08 tháng 05 năm 2003 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ MỘT SỐ BIỆN PHÁP XỬ LÝ NỢ VAY VỐN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN ĐỂ ĐÓNG MỚI, CẢI HOÁN TÀU ĐÁNH BẮT VÀ TÀU DỊCH VỤ ĐÁNH BẮT HẢI SẢN XA BỜ THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 393/TTG NGÀY 09 THÁNG 6 NĂM 1997, QUYẾT ĐỊNH SỐ 159/1998/QĐ-TTG NGÀY 03 THÁNG 9 NĂM 1998 VÀ QUYẾT ĐỊNH SỐ 64/2000/QĐ-TTG NGÀY 07 THÁNG 6 NĂM 2000 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản (công văn số 3066/BC-BTS ngày 18 tháng 11 năm 2002),

 QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Điều chỉnh mức lãi suất cho vay và thời hạn vay đối với các tổ chức, cá nhân vay vốn cải hoán, đóng mới tàu thuyền, mua sắm ngư cụ từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước quy định tại Điều 1 Quyết định số 64/2000/QĐ-TTg ngày 07 tháng 6 năm 2000 về việc sửa đổi lãi suất cho vay, thời hạn vay và trả nợ vay tín dụng của Quy chế quản lý và sử dụng vốn tín dụng cho các dự án đóng mới, cải hoán tàu đánh bắt và dịch vụ đánh bắt hải sản xa bờ ban hành kèm theo Quyết định số 159/1998/QĐ-TTg ngày 03 tháng 9 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ như sau:

1. Số dư nợ đến ngày 31 tháng 12 năm 2002 được áp dụng mức lãi suất 5,4%/năm.

2. Thời hạn vay vốn không quá 12 năm, kể từ ngày rút vốn vay đầu tiên.

Điều 2. Giao Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ, ngành (sau đây gọi tắt là Uỷ ban nhân dân các tỉnh, các Bộ, ngành) đang quản lý các chủ đầu tư vay vốn đóng tàu từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước chủ trì, phối hợp với Quỹ Hỗ trợ phát triển, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Thuỷ sản tổ chức chỉ đạo xử lý nợ vay theo hướng:

1. Phân loại các chủ đầu tư để có biện pháp xử lý cụ thể:

1.1 Đối với các chủ đầu tư sản xuất kinh doanh có hiệu quả, đang trả được nợ theo hợp đồng tín dụng, được mua lại con tàu đang sử dụng (nếu có nhu cầu) và phải trả ngay một lần số nợ gốc còn lại cho tổ chức cho vay; hoặc nếu có nhu cầu vay thêm vốn thì các tổ chức cho vay xem xét cho vay tiếp theo quy định hiện hành về cho vay thương mại.

1.2. Đối với các chủ đầu tư có khả năng trả được nợ, nhưng cố tình chây ỳ, không trả nợ thì không gia hạn, giãn nợ. Nếu trong vòng 6 tháng, kể từ ngày kiểm tra, mà vẫn không trả đủ nợ theo hợp đồng tín dụng thì chính quyền địa phương cùng với các cơ quan liên quan phối hợp với tổ chức cho vay lập biên bản, thu hồi con tàu để bán đấu giá thu hồi nợ.

1.3. Đối với những chủ đầu tư sử dụng vốn vay sai mục đích: kiểm tra, lập biên bản, kê biên tài sản được hình thành từ nguồn vốn vay này; chuyển số dư nợ sang khoản vay thương mại và chuyển tài sản kê biên thành tài sản thế chấp để thu hồi nợ cho Nhà nước.

1.4. Đối với các chủ đầu tư sản xuất kinh doanh thua lỗ, đời sống gặp khó khăn, hoặc để tàu nằm bờ không đi sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng:

a. Các chủ đầu tư có tay nghề, có khả năng tổ chức sản xuất kinh doanh, nhưng do nguyên nhân khách quan, hoặc thiếu vốn mà chưa trả được nợ đúng hạn thì xem xét cho gia hạn, giãn nợ, định lại kỳ hạn trả nợ, nhưng không được vượt quá thời hạn trả nợ vay theo quy định tại điểm 2 Điều 1 của Quyết định này; hoặc nếu có phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả thì các tổ chức cho vay xem xét cho vay tiếp theo quy định hiện hành về cho vay thương mại để đảm bảo thu hồi được nợ gốc và lãi. Sau khi đã xử lý theo phương thức nêu trên, chủ đầu tư vẫn không trả được nợ vay thì cho phép chuyển đổi chủ đầu tư.

b. Các chủ đầu tư gặp rủi ro bất khả kháng: tàu bị đắm, bị mất tích do thiên tai, tàu bị nước ngoài bắt giữ không trả... không có khả năng trả được nợ thì chủ đầu tư lập hồ sơ (có ý kiến của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh hoặc của Bộ chủ quản) gửi tổ chức cho vay để tổng hợp, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ biện pháp xử lý chung.

c. Các chủ đầu tư để tàu nằm bờ không đi sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng mà không có phương án xử lý có hiệu quả thì xem xét từng trường hợp cụ thể để chuyển đổi chủ đầu tư và nợ vay.

2. Về chuyển đổi chủ đầu tư và xử lý nợ vay:

Đối với những chủ đầu tư sản xuất kinh doanh thua lỗ, đời sống gặp khó khăn, hoặc để tàu nằm bờ không đi sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng hoặc cố tình chây ỳ không trả nợ thì Uỷ ban nhân dân các tỉnh, các Bộ, ngành chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương phối hợp với các tổ chức cho vay để tổ chức thực hiện việc xử lý chuyển đổi chủ đầu tư, xử lý nợ vay theo nguyên tắc sau:

2.1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh (đối với dự án do địa phương quản lý), Bộ trưởng (đối với dự án do Bộ quản lý) thành lập Hội đồng định giá để định giá lại con tàu theo giá thị trường tại thời điểm định giá, đồng thời tổ chức bán đấu giá rộng rãi con tàu, không phân biệt, hạn chế đối tượng mua, nhưng phải phù hợp với Quy chế bán đấu giá tài sản ban hành kèm theo Nghị định số 86/CP ngày 19 tháng 12 năm 1996 của Chính phủ; người mua không phải nộp tiền thuế chuyển quyền sở hữu tài sản.

2.2. Trường hợp người mua đấu giá trả tiền ngay, một lần đủ giá trị con tàu khi bán đấu giá, thì không cần phải tuân theo các điều kiện mua tàu do tổ chức cho vay quy định.

Nếu người mua không có khả năng trả ngay một lần đủ giá trị con tàu khi bán đấu giá thì có thể được nhận nợ với tổ chức cho vay với các điều kiện: phải trả ngay một lần tối thiểu bằng 50% giá trị con tàu khi bán đấu giá; phải có đủ các điều kiện vay do tổ chức cho vay quy định và có xác nhận của chính quyền địa phương.

2.3. Toàn bộ số tiền bán đấu giá thu được phải trả ngay cho tổ chức cho vay sau khi đã trừ các khoản chi phí cho việc bán đấu giá theo quy định. Số tiền chênh lệch giữa giá trị con tàu sau khi bán đấu giá với số nợ phải trả (nợ gốc và lãi vay) được xử lý như sau:

a. Nếu số tiền bán đấu giá con tàu lớn hơn số nợ phải trả, thì sau khi trả nợ và trừ các khoản chi phí cho việc bán đấu giá tàu, số tiền còn lại chuyển trả cho chủ đầu tư cũ.

b. Nếu số tiền bán đấu giá con tàu nhỏ hơn số nợ phải trả, thì chủ đầu tư cũ tiếp tục phải nhận nợ với tổ chức cho vay khoản chênh lệch thiếu giữa số nợ phải trả (kể cả các khoản chi phí cho việc bán đấu giá tàu) với giá trị con tàu sau khi bán đấu giá và phải trả trong 2 năm kể từ khi bán đấu giá xong con tàu. Trường hợp chủ đầu tư cũ không có khả năng trả phần nợ này, thì tổ chức cho vay phối hợp với chính quyền địa phương xem xét từng trường hợp cụ thể để tiến hành phát mại tài sản khác theo quy định của pháp luật để thu hồi nợ vay (gốc và lãi). Trường hợp không có tài sản hoặc giá trị tài sản thu được sau khi phát mại vẫn không đủ để trả nợ thì chủ đầu tư phải lập hồ sơ (có ý kiến của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh hoặc của Bộ chủ quản) gửi tổ chức cho vay để tổng hợp trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý.

Điều 3. Tổ chức thực hiện:

1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ phát triển chỉ đạo các tổ chức cho vay quy định cụ thể thời hạn cho vay đối với từng khoản nợ vay của từng đối tượng cụ thể và hướng dẫn cụ thể việc chuyển đổi chủ tàu.

2. Các tổ chức cho vay tổng hợp, thẩm tra và đề xuất biện pháp xử lý các khoản nợ không có khả năng thu hồi báo cáo Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ.

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ