Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 88/QĐ-UBND năm 2021 về Kế hoạch Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Định

Số hiệu 88/QĐ-UBND
Ngày ban hành 07/01/2021
Ngày có hiệu lực 07/01/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Định
Người ký Lâm Hải Giang
Lĩnh vực Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 88/QĐ-UBND

Bình Định, ngày 07 tháng 01 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH CHĂM SÓC SỨC KHỎE NGƯỜI CAO TUỔI ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Quyết định 1579/QĐ-TTg ngày 13/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030;

Căn cứ Công văn số 6689/BYT-TCDS ngày 02/12/2020 của Bộ Y tế về việc tổ chức triển khai Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030;

Căn cứ Kế hoạch số 33-KH/TU ngày 16/5/2018 của Tỉnh ủy Bình Định thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Công tác dân số trong tình hình mới”;

Căn cứ Quyết định số 451/QĐ-UBND, ngày 14/02/2019 của UBND tỉnh Bình Định thực hiện Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ và Kế hoạch số 33-KH/TU ngày 16/5/2018 của Tỉnh ủy Bình Định về “Công tác dân số trong tình hình mới”; Quyết định số 1966/QĐ-UBND ngày 22/5/2020 của UBND tỉnh Bình Định ban hành Kế hoạch hành động giai đoạn 2020 - 2025 của tỉnh Bình Định thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030;

Theo đề nghị của Sở Y tế tại Tờ trình số 233/TTr-SYT ngày 31/12/2020 và ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Điều 2. Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức triển khai Kế hoạch nêu tại Điều 1 Quyết định này theo đúng mục tiêu, yêu cầu đề ra và đúng quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Y tế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa và Thể thao, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Lâm Hải Giang

 

KẾ HOẠCH

CHĂM SÓC SỨC KHỎE NGƯỜI CAO TUỔI ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 88/QĐ-UBND ngày 07 tháng 01 năm 2021 của UBND tỉnh Bình Định)

I. SỰ CẦN THIẾT VÀ CƠ SỞ THỰC TIỄN

1. Sự cần thiết:

Theo kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009 và 2019, tỷ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên của tỉnh Bình Định đã tăng từ 10,8% năm 2009 lên 14,2% năm 2019 (hiện có 210.809 người cao tuổi trên tổng dân số 1.486.918 người), tăng 3,4%; trong khi đó cả nước tăng từ 8,9% (năm 2009) lên 11,9% (năm 2019), tăng 3%. Tuổi thọ bình quân năm 2019 của Bình Định là 73,5 tuổi, tương đương cả nước (73,6 tuổi). Như vậy, tốc độ già hóa dân số ở tỉnh Bình Định xảy ra nhanh hơn cả nước. Dự báo đến năm 2030, tốc độ già hóa dân số ở tỉnh Bình Định vẫn tiếp tục tăng nhanh, đòi hỏi ngành Y tế phải có sự điều chỉnh, thích ứng để nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.

Để tăng cường khả năng cung cấp, tiếp cận và sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tỉnh Bình Định đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Kế hoạch).

2. Cơ sở thực tiễn:

- Hệ thống chăm sóc sức khỏe (CSSK) cho người cao tuổi (NCT) của tỉnh đang dần hoàn thiện và đạt được một số thành tựu như sau:

+ Năm 2019: Có 83.999 NCT (39,8%) được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm; 87.174 NCT (41,1%) được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe định kỳ; 165.809 NCT (78,7%) được tuyên truyền phổ biến kiến thức về chăm sóc và tự CSSK, 12 câu lạc bộ của những người mắc bệnh mạn tính và 351 tình nguyện viên chăm sóc tại nhà được thành lập và đi vào hoạt động[1]. Đến năm 2020, 100% NCT khi ốm đau được khám bệnh, chữa bệnh và được hưởng chăm sóc của gia đình, cộng đồng.

+ Các trạm y tế đẩy mạnh quản lý, CSSK ban đầu cho NCT: Có sổ quản lý sức khỏe NCT và khoảng 90% số NCT được lập 4 danh sách để theo dõi, quản lý sức khỏe ban đầu tại nơi cư trú. Hàng năm, có từ 80 - 90% số xã triển khai khám, quản lý sức khỏe định kỳ 1 lần/năm cho NCT. NCT không đến được các địa điểm tập trung để khám thì trạm y tế phân công nhân viên đến tận nhà khám. Đối với NCT bị tàn tật, trạm y tế hướng dẫn cho người bệnh và gia đình phương pháp tập luyện phục hồi chức năng, cách chăm sóc tại nhà.

+ Các bệnh viện đã quan tâm đến việc ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh cho NCT theo đúng quy định của Bộ Y tế. Hiện nay, 90% tổng số bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện y học cổ truyền có tổ chức phòng khám bệnh riêng cho NCT tại khoa khám bệnh, cụ thể: có khoa Lão khoa tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, 01 khoa ghép Tim mạch - Lão khoa tại Bệnh viện đa khoa khu vực Bồng Sơn, các cơ sở điều trị còn lại đều lồng ghép vào các khoa khác; đội ngũ y tế được đào tạo về lão khoa (55 người) và bố trí 165 giường điều trị nội trú dành riêng cho NCT.

- Các chương trình dự án y tế được triển khai như: Dự án phòng chống tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư,... Các chương trình, kế hoạch phối hợp khám chữa bệnh nhân đạo cho đối tượng NCT đã được các cơ sở y tế tích cực thực hiện, điển hình là chương trình khám chữa bệnh về mắt cho người nghèo được Bệnh viện Mắt phối hợp với Hội Chữ thập đỏ, Hội Người cao tuổi, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các tổ chức từ thiện trong và ngoài nước thực hiện; dự án về người khuyết tật giúp NCT phục hồi chức năng tại các cơ sở khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.

[...]