Quyết định 879/QĐ-UBND năm 2013 về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển công nghệ thông tin tỉnh Hải Dương đến năm 2020 và định hướng đến 2025

Số hiệu 879/QĐ-UBND
Ngày ban hành 07/04/2013
Ngày có hiệu lực 07/04/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Hải Dương
Người ký Nguyễn Mạnh Hiển
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 879/QĐ-UBND

Hải Dương, ngày 07 tháng 4 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TỈNH HẢI DƯƠNG ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29/6/2006;

Căn cứ Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính Phủ về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/1/2008 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 7/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Quyết định số 281/2007/QĐ-BKH ngày 26/3/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ban hành định mức chi phí cho lập, thẩm định quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành và quy hoạch các sản phẩm chủ yếu;

Căn cứ Thông tư số 03/2008/TT-BKH ngày 01/7/2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn thực hiện Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006, Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 và Quyết định 281/2007/QĐ-BKH;

Căn cứ Quyết định số 1605/2010/QĐ-TTg ngày 27/08/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011 - 2015;

Căn cứ Quyết định số 1755/2010/QĐ-TTg ngày 22/09/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông;

Căn cứ Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hải Dương đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 3047/QĐ-UBND ngày 10/11/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương về việc phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển công nghệ thông tin tỉnh Hải Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2025;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 70/TTr-STTTT ngày 28/01/2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển công nghệ thông tin tỉnh Hải Dương đến năm 2020 và định hướng đến 2025, với các nội dung chủ yếu sau:

A. Tên Quy hoạch: “Quy hoạch tổng thể phát triển công nghệ thông tin tỉnh Hải Dương đến năm 2020 và định hướng đến 2025”.

B. Nội dung quy hoạch

I. Quan điểm

1. Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước phải nhằm từng bước xây dựng một chính quyền hiện đại từ cấp Sở, ngành, huyện/thị, thành phố tới cấp xã, phường, thị trấn.

2. Ứng dụng công nghệ thông tin phải gắn với quá trình cải cách hành chính; được thực hiện tốt trong nội bộ các cơ quan nhà nước, đồng bộ từ cấp trên xuống và liên thông các đơn vị cung cấp dịch vụ công phục vụ cán bộ, người dân và doanh nghiệp.

3. Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin là yếu tố then chốt có ý nghĩa quyết định đối với việc phát triển ứng dụng công nghệ thông tin. Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin phải gắn kết chặt chẽ với quá trình đổi mới giáo dục và đào tạo theo hướng hội nhập và đạt trình độ khu vực và quốc tế.

4. Phát triển công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh phải được lồng ghép vào quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội. Định hướng ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh phải nằm trong xu hướng phát triển của cả nước, khu vực và thế giới.

5. Bảo đảm tính kế thừa và tính hiện đại, cần sử dụng hợp lý những trang thiết bị đã có và cần nâng cao trình độ nhân lực của những cán bộ đã đào tạo từ giai đoạn trước để phù hợp với yêu cầu của giai đoạn mới.

II. Mục tiêu

1. Ứng dụng công nghệ thông tin

- Đến năm 2015, 100% các văn bản cơ quan nhà nước cấp tỉnh, Sở, ngành, 80% văn bản cấp huyện/thị, thành phố và 50% văn bản cấp xã, phường, thị trấn được trao đổi trên môi trường mạng. Đến năm 2017, đạt 100% văn bản các cấp được trao đổi trên môi trường mạng.

[...]