Quyết định 81/QĐ-UBND năm 2012 về Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2011-2015

Số hiệu 81/QĐ-UBND
Ngày ban hành 03/04/2012
Ngày có hiệu lực 03/04/2012
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Giang
Người ký Bùi Văn Hải
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 81/QD-UBND

Bắc Giang, ngày 03 tháng 4 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC TỈNH BẮC GIANG GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ ban hành

Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020;

Xét đề nghị của Sở Nội vụ tại Tờ trình số 40/TTr-SNV ngày 14/3/2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2011-2015.

Điều 2. Các Sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thành phố căn cứ vào Kế hoạch này xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện tại cơ quan, đơn vị, địa phương.

Điều 3. Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Bùi Văn Hải

 

KẾ HOẠCH

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC TỈNH BẮC GIANG GIAI ĐOẠN 2011 – 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 81/QĐ-UBND ngày 03/4/2012 của UBND tỉnh Bắc Giang)

Phần thứ nhất

MỤC TIÊU CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

1. Mục tiêu chung

Mục tiêu trọng tâm của cải cách hành chính trong giai đoạn 5 năm (2011- 2015) là xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công; xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tạo bước chuyển biến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh cần xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính theo quy định của Chính phủ. Các cơ quan hành chính được xác định chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và trách nhiệm rõ ràng; tiếp tục xây dựng và thực hiện các quy định mới về phân cấp, uỷ quyền giữa UBND tỉnh với các cơ quan chuyên môn trực thuộc và UBND cấp huyện, cấp xã trên một số lĩnh vực quan trọng;

b) Thủ tục hành chính liên quan đến cá nhân, tổ chức được cải cách cơ bản theo hướng gọn nhẹ, đơn giản; phấn đấu mỗi năm đều có tỷ lệ giảm chi phí mà cá nhân, tổ chức phải bỏ ra khi giải quyết thủ tục hành chính với cơ quan hành chính nhà nước. Phương thức làm việc của cơ quan hành chính nhà nước được tiếp tục đổi mới, phấn đấu đến năm 2015 giảm được 1/3 thời gian giải quyết các công việc của cá nhân, tổ chức tại cơ quan hành chính nhà nước;

c) Cơ chế một cửa liên thông hiện đại triển khai thực hiện trên 80% đơn vị cấp huyện vào năm 2015. Sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với các dịch vụ do cơ quan hành chính thực hiện đạt mức trên 80% (tỷ lệ cá nhân, tổ chức đến giao dịch);

d) Các loại dịch vụ công được xã hội hoá phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về biên chế, kinh phí đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp. Từng bước nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ sự nghiệp công; sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với các dịch vụ thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế đạt mức trên 60% vào năm 2015;

đ) Chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên, phấn đấu 60% các cơ quan hành chính nhà nước có cơ cấu cán bộ, công chức theo vị trí việc làm; 30% cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện được đào tạo sau đại học; 100% cán bộ trưởng phó phòng, chuyên viên chính và tương đương có trình độ cao cấp lý luận; 70-80% cán bộ chuyên trách và công chức cấp xã có trình độ chuyên môn và lý luận chính trị từ trung cấp trở lên,100% cán bộ, công chức có trình độ A về tin học, ngoại ngữ trở lên, biết khai thác, sử dụng hiệu quả các loại máy tính văn phòng; 30% viên chức lãnh đạo quản lý các đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh, cấp huyện được đào tạo sau đại học và 100% có trình độ trung cấp lý luận trở lên, 100% viên chức có trình độ A về tin học, ngoại ngữ trở lên;

e) Hiện đại hoá nền hành chính, phấn đấu 80% các văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan hành chính các cấp được thực hiện trên mạng điện tử; 100% cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện trở lên có Cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định; cung cấp một số dịch vụ công cơ bản trực tuyến tới người dân và doanh nghiệp.

Phần thứ hai

[...]