Quyết định 7641/QĐ-BCT năm 2012 phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp tuyến hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

Số hiệu 7641/QĐ-BCT
Ngày ban hành 12/12/2012
Ngày có hiệu lực 12/12/2012
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Công thương
Người ký Vũ Huy Hoàng
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Văn hóa - Xã hội

BỘ CÔNG THƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 7641/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 12 tháng 12 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TUYẾN HÀNH LANG KINH TẾ LÀO CAI - HÀ NỘI - HẢI PHÒNG - QUẢNG NINH ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ và Nghị định số 44/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Điều 3 Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp tuyến hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu như sau:

1. Quan điểm phát triển

- Khai thác tối đa lợi thế và chủ động tạo lợi thế để phát triển công nghiệp khu vực tuyến hành lang kinh tế với tốc độ hợp lý, hướng tới bền vững; tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng kết hợp cả chiều rộng lẫn chiều sâu, từng bước cơ cấu lại ngành một cách hợp lý.

- Tăng cường mối liên kết giữa các địa phương trên tuyến, kết hợp hài hòa giữa phát triển các ngành công nghiệp với bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển du lịch và bảo vệ môi trường.

2. Mục tiêu phát triển

- Phấn đấu tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2011-­2020 đạt khoảng 13% ÷ 14%, trong đó giai đoạn 2016-2020 đạt 14% ÷ 15%.

- Tỷ trọng GDP công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 35 ÷ 37% trong cơ cấu GDP của cả nước.

3. Định hướng phát triển

3.1. Định hướng chung

- Tập trung phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế; chú trọng đầu tư vào các dự án tạo ra các sản phẩm có năng lực cạnh tranh và khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời tăng nhanh hàm lượng khoa học, công nghệ nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

- Phân bố không gian công nghiệp một cách hợp lý nhằm phát huy hết lợi thế của từng địa phương trên tuyến; đẩy mạnh mối liên kết trong sản xuất và phân phối sản phẩm.

3.2. Định hướng phát triển các nhóm ngành công nghiệp chủ yếu

a) Công nghiệp cơ khí, luyện kim

- Phát triển theo hướng đa dạng hóa sản phẩm phục vụ cho nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên phát triển các chuyên ngành cơ khí công nghệ cao.

- Đẩy mạnh hoạt động tiếp nhận chuyển giao và đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng sử dụng công nghệ cao, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng và thân thiện môi trường; chủ động liên doanh, liên kết với các tập đoàn xuyên quốc gia và đa quốc gia, hướng tới trở thành nhà cung cấp và là mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

b) Ngành điện tử, công nghệ thông tin

- Hình thành tổ hợp sản xuất điện tử và các khu công nghệ thông tin để trở thành một trung tâm của cả nước về thiết kế sản phẩm, sản xuất phần mềm, sản xuất linh kiện và các dịch vụ điện tử - tin học.

- Tăng cường liên kết với các tập đoàn đa quốc gia và xuyên quốc gia để tiếp nhận công nghệ nguồn, công nghệ hiện đại và năng lực sản xuất phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

- Đầu tư các dự án sản xuất và lắp ráp sản phẩm điện tử, viễn thông có quy mô lớn và hình thành mạng lưới các doanh nghiệp vệ tinh phục vụ sản xuất và lắp ráp sản phẩm cuối cùng.

c) Công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thực phẩm và đồ uống

- Phát triển ngành theo hướng hiện đại, chú trọng nâng cao hiệu quả vốn đầu tư, giá trị gia tăng, chất lượng và năng lực cạnh tranh của các sản phẩm; xây dựng chiến lược phát triển thị trường, đi đôi với xây dựng, phát triển thương hiệu; điều chỉnh hợp lý cơ cấu sản phẩm, tăng cường chế biến sâu và hướng đến các thị trường có tiềm năng.

[...]