Quyết định 10147/QĐ-BCT năm 2013 phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại huyện đảo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

Số hiệu 10147/QĐ-BCT
Ngày ban hành 30/12/2013
Ngày có hiệu lực 30/12/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Công thương
Người ký Lê Dương Quang
Lĩnh vực Thương mại,Xây dựng - Đô thị

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10147/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT "QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP, THƯƠNG MẠI CÁC HUYỆN ĐẢO VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN 2030"

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 7 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt "Quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại các huyện đảo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030" với những nội dung chủ yếu như sau:

I. Quan điểm phát triển

1. Phát triển công nghiệp và thương mại các huyện đảo với tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững, hiệu quả trên cơ sở phát huy các tiềm năng, lợi thế so sánh của huyện đảo và các nguồn tài nguyên; nâng cao vai trò của ngành công nghiệp và thương mại trong phát triển kinh tế - xã hội của từng huyện đảo, hỗ trợ và khai thác các tiềm năng phát triển du lịch nhằm thực hiện Chiến lược biển Việt Nam.

2. Phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp trên cơ sở chú trọng và ưu tiên phát triển các ngành sản xuất điện, nước, công nghiệp chế biến và phục vụ chế biến thủy hải sản, công nghiệp cơ khí sửa chữa tàu thuyền phục vụ nhu cầu thiết yếu của dân cư trên đảo và hoạt động trên biển, theo hướng sản xuất xanh và ứng dụng khoa học công nghệ thân thiện với môi trường.

3. Phát triển thương mại tại các huyện đảo trên cơ sở đa dạng về loại hình tổ chức, phương thức giao dịch và các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, đảm bảo hàng hóa thiết yếu cho nhu cầu trên đảo và hoạt động trên biển. Đồng thời phát triển thương mại tại các huyện đảo gắn với sự phát triển của thị trường trong vùng, có chú ý phát triển các loại hình và phương thức kinh doanh hiện đại, kế thừa và phát huy các loại hình thương mại truyền thống nhằm tạo ra những thay đổi cơ bản về quy mô, cơ cấu và trình độ tổ chức kinh doanh, mở rộng liên kết thương mại và mở rộng thị trường giữa các huyện đảo với các tỉnh trong và ngoài vùng, từ đó vươn ra thị trường ngoài nước.

4. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp và thương mại với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực, bảo đảm đáp ứng yêu cầu giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, bảo đảm an ninh quốc phòng, phát triển du lịch biển, hợp tác quốc tế và bảo vệ môi trường.

II. Mục tiêu phát triển

1. Mục tiêu chung

Phấn đấu để công nghiệp và thương mại tại các huyện đảo đạt tốc độ tăng trưởng nhanh, nâng cao giá trị gia tăng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phân công lao động xã hội tại các huyện đảo, kết hợp với bảo đảm an ninh quốc phòng. Tăng tỷ trọng đóng góp của công nghiệp và thương mại trong GDP của các huyện đảo, phấn đấu đến năm 2020 đưa công nghiệp và thương mại tại các huyện đảo trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh và vùng kinh tế có huyện đảo.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Tốc độ tăng trưởng bình quân của giá trị sản xuất công nghiệp tại các huyện đảo từ 16-19% năm trong giai đoạn 2011-2020 và 17-18%/năm giai đoạn từ 2021-2030. Đối với huyện đảo công nghiệp chưa phát triển (Cô Tô) tốc độ tăng trưởng thấp hơn, đạt 10-11%/năm giai đoạn 2011-2020 và 11-12%/năm giai đoạn 2021-2030. Đối với các huyện đảo có công nghiệp khá phát triển (Phú Quốc, Vân Đồn), tốc độ tăng trưởng bình quân cao hơn, đạt trên 20%/năm cho các giai đoạn.

b) Đến năm 2020 về cơ bản các huyện đảo có điện, nước sạch, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất; có cơ sở sản xuất chế biến hải sản và các sản phẩm đặc trưng của huyện đảo; có cơ sở sản xuất nước đá và khu dịch vụ cơ khí sửa chữa tàu thuyền đáp ứng đủ nhu cầu của ngư dân trên đảo và hoạt động trên biển.

c) Tốc độ tăng trưởng của thương mại tăng từ 18-20%/năm giai đoạn 2011-2020 và trên 20% trong giai đoạn từ 2021-2030 tại các huyện đảo có dịch vụ tương đối phát triển hoặc có xuất phát điểm thấp (Cô Tô, Vân Đồn, Côn Đảo, Phú Quốc). Các huyện đảo còn lại có tốc độ tăng trưởng từ 16-18%/năm giai đoạn 2011-2020 và từ 18-20% trong giai đoạn từ 2021-2030.

d) Đến năm 2020, các huyện đảo đều có chợ; cửa hàng kinh doanh xăng dầu; cửa hàng kinh doanh hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu; kho dự trữ hàng hóa; tại một số huyện đảo (Phú Quốc, Vân Đồn, Phú Quý) phát triển hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ, các loại hình thương mại hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại.

III. Định hướng phát triển

1. Định hướng phát triển công nghiệp

a) Tranh thủ tối đa các điều kiện, khả năng của từng huyện đảo, nguồn lực từ bên ngoài để phát triển các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của huyện đảo. Tập trung phát triển các ngành phục vụ trực tiếp sản xuất và đời sống của dân cư trên đảo như sản xuất điện, nước ngọt, sơ chế và chế biến hải sản, cơ khí sửa chữa tàu thuyền, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch… Ưu tiên phát triển các ngành ít gây ô nhiễm môi trường và không sử dụng nhiều nước ngọt.

b) Tận dụng nguồn nguyên liệu thủy sản, nhất là các đảo có trung tâm dịch vụ nghề cá; nâng cấp, hiện đại hóa các cơ sở sơ chế và chế biến hải sản để sơ chế các sản phẩm đặc sản có giá trị cao, cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở chế biến xuất khẩu trong đất liền cũng như cho nhu cầu thị trường trong nước; khôi phục và phát triển các sản phẩm đã có thương hiệu của một số đảo như nước mắm cá cơm Phú Quốc, nước mắm Cái Bầu, Cát Hải…

c) Nâng cấp các cơ sở đóng và sửa chữa tàu thuyền hiện có tại Vân Đồn, Cát Bà, Phú Quý, Phú Quốc. Xây dựng một số cơ sở mới với quy mô phù hợp tại Cô Tô, Lý Sơn, đáp ứng một phần nhu cầu đóng mới và sửa chữa tàu cá các loại.

d) Phát triển tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề, đặc biệt là các nghề thủ công mỹ nghệ, sản xuất đồ lưu niệm từ các sản phẩm biển phục vụ khách du lịch.

đ) Xây dựng các cơ sở thu gom, xử lý, tái chế các chất thải, rác thải và nước thải trên địa bàn huyện đảo với công nghệ thân thiện môi trường.

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ