Quyết định 730/QĐ-UBND năm 2007 phê duyệt Đề án Phát triển công nghệ sinh học tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2007 - 2015

Số hiệu 730/QĐ-UBND
Ngày ban hành 05/04/2007
Ngày có hiệu lực 15/04/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Long
Người ký Lê Thanh Xuân
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 730/QĐ-UBND

Vĩnh Long, ngày 05 tháng 4 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ SINH HỌC TỈNH VĨNH LONG, GIAI ĐOẠN 2007 - 2015

CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 188/2005/QĐ-TTg, ngày 22/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Thủ tướng Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 50 - CT/TW, ngày 04/3/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước;

Căn cứ Quyết định số 11/2006/QĐ-TTg, ngày 12/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 46/2007/NQ-HĐND, ngày 25/01/2007 của Chủ tịch Hội đồng nhân dân khoá VII kỳ họp thứ 9, về việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2007;

Xét Tờ trình số 16/TTr-SKHCN, ngày 11/01/2007 của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Vĩnh Long, về việc xin phê duyệt Đề án Phát triển công nghệ sinh học tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2007 - 2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Phát triển công nghệ sinh học tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2007 - 2015 kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh có liên quan và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã tổ chức triển khai và thực hiện Đề án Phát triển công nghệ sinh học tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2007 - 2015.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký và được đăng Công báo tỉnh.

Điều 4. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Thanh Xuân

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ SINH HỌC TỈNH VĨNH LONG, GIAI ĐOẠN 2007 - 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 730/QĐ-UBND, ngày 05/4/2007 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long)

Phần I

THỰC TRẠNG ỨNG DỤNG VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ SINH HỌC Ở VĨNH LONG

I. MỞ ĐẦU

Phát triển công nghệ sinh học (CNSH) đã được Đảng và Nhà nước quan tâm từ những năm 1994. Kể từ khi Chỉ thị 18/CP của Chính phủ, Chỉ thị 50-CT/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần lượt được ban hành, công nghệ sinh học bước đầu đã được ứng dụng có hiệu quả trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ thực phẩm, y tế và môi trường. Là một nước phát triển nông nghiệp, công nghệ sinh học có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá; là yếu tố quan trọng góp phần đảm bảo an ninh lương thực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững; cung cấp các sản phẩm thiết yếu cho chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Riêng tỉnh Vĩnh Long, ít nhất trong 10 năm tới, nền kinh tế của tỉnh vẫn còn dựa vào phát triển nông nghiệp. Mặt khác, trước yêu cầu phát triển bền vững, yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, yêu cầu cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, công nghệ sinh học hiện diện như một tất yếu, khách quan. Cùng với những thành tựu to lớn về công nghệ sinh học trên thế giới sẽ là thời cơ thuận lợi cho tỉnh trong việc tiếp cận, nghiên cứu ứng dụng và đầu tư phát triển công nghệ sinh học thành một ngành kinh tế - kỹ thuật, tạo ra giá trị sản phẩm hàng hoá lớn, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Với vai trò quan trọng đó, việc đầu tư nâng cao tiềm lực nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học tại tỉnh Vĩnh Long trong thời gian tới là rất cần thiết.

II. THỰC TRẠNG ỨNG DỤNG VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ SINH HỌC

Toàn tỉnh có 60 tổ chức khoa học và công nghệ, trong đó có trên 10 tổ chức hoạt động có liên quan đến nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học. Đến năm 2005, bên cạnh các tổ chức trên, trong tỉnh có 4 hợp tác xã nông nghiệp, 59 tổ hợp tác và 5.858 hộ tham gia sản xuất giống lúa, phục vụ sản xuất trên 69% diện tích sản xuất lúa; 1 trại giống cây ăn trái và 128 cơ sở sản xuất giống cây ăn trái trong dân, qui mô 1,73 triệu cây/năm; 119 cửa hàng giống rau màu, cung cấp hạt giống; trung tâm giống cung cấp heo giống, bò giống trên 6,1 ngàn con/năm, gà giống 489 ngàn con/năm; có 202 cơ sở ươm cá giống, qui mô 700 tấn/năm, 16 cơ sở nhân giống tôm càng xanh, qui mô 4,82 triệu con/năm.

Kết quả điều tra tiềm lực khoa học và công nghệ cho thấy: Giá trị tài sản của các tổ chức khoa học công nghệ là 509,2 tỷ đồng. Nếu xét theo lĩnh vực thì nông lâm, thủy sản thì giá trị tài sản chiếm 5% so với các lĩnh vực khoa học khác. Máy móc, thiết bị cho hoạt động khoa học và công nghệ phần lớn là các thiết bị phân tích, kiểm nghiệm thông thường, chưa có nhiều trang thiết bị hiện đại phục vụ cho nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ sinh học.

Nguồn nhân lực: Toàn tỉnh có 10.583 người có trình độ từ cao đẳng trở lên, chiếm 28,2% lực lượng lao động toàn tỉnh, trong đó có 11 tiến sĩ, 110 thạc sĩ và 6.364 đại học.

Xét riêng đội ngũ có trình độ thạc sĩ trở lên trong các lĩnh vực liên quan đến hoạt động công nghệ sinh học (nông nghiệp, công nghệ thực phẩm, y học và môi trường) thì có 50 người, chiếm 41,3% (không có tiến sĩ). Ở lĩnh vực y học, số người có trình độ thạc sĩ trở lên có 14 người, chiếm 11,6% và hiện tại số cán bộ này chỉ thực hiện nhiệm vụ điều trị bệnh, chứ chưa có điều kiện nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực y học.

[...]