ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 721/QĐ-UBND
|
Đồng Nai, ngày 12
tháng 4 năm 2023
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ
DUYỆT ĐỀ ÁN “TĂNG CƯỜNG GIẢNG DẠY TIẾNG ANH TRONG CÁC TRƯỜNG PHỔ THÔNG TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH ĐỒNG NAI TỪ NĂM HỌC 2022 - 2023”
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm
2019;
Căn cứ Quyết định số 2080/QĐ-TTg ngày 22 tháng
12 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án
dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017 - 2025;
Căn cứ Quyết định số 2658/QĐ-BGDĐT ngày 23 tháng
7 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Kế hoạch triển
khai Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017
- 2025;
Căn cứ Thông tư số 21/2018/TT-BGDĐT ngày 24
tháng 8 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế
tổ chức và hoạt động của Trung tâm ngoại ngữ, tin học;
Căn cứ Nghị quyết số 05/2021/NQ-HĐND ngày 30
tháng 7 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định các khoản thu dịch vụ phục
vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với cơ sở giáo dục công lập
trên địa bàn tỉnh Đồng Nai;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo
tại Tờ trình số 602/TTr-SGDĐT ngày 27 tháng 02 năm 2023,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo
Quyết định này Đề án “Tăng cường giảng dạy tiếng Anh trong các trường phổ thông
trên địa bàn tỉnh Đồng Nai từ năm học 2022 - 2023”.
Điều 2. Quyết định này có
hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng
UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Lao động - Thương
binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện,
thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TT. Tỉnh ủy; TT. HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT. UBND tỉnh;
- Báo Đồng Nai;
- Đài PT&TH Đồng Nai;
- Chủ tịch, PCT. UBND tỉnh (KGVX);
- Lưu: VT, KGVX (N).
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Sơn Hùng
|
ĐỀ ÁN
TĂNG
CƯỜNG GIẢNG DẠY TIẾNG ANH TRONG CÁC TRƯỜNG PHỔ THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI
TỪ NĂM HỌC 2022 - 2023
(Kèm theo Quyết định số 721/QĐ-UBND ngày 12 tháng 4 năm 2023 của Ủy ban nhân
dân tỉnh)
I. CĂN CỨ PHÁP LÝ
1. Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;
2. Căn cứ Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11
năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục
và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh
tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;
3. Căn cứ Quyết định số 2080/QĐ-TTg ngày 22 tháng
12 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án dạy và
học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017 - 2025”;
4. Căn cứ Quyết định số 2658/QĐ-BGDĐT ngày 23 tháng
7 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Kế hoạch triển
khai Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017
- 2025;
5. Căn cứ Thông tư số 21/2018/TT-BGDĐT ngày 24
tháng 8 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế
tổ chức và hoạt động của Trung tâm ngoại ngữ, tin học;
6. Căn cứ Nghị quyết số 05/2021/NQ-HĐND ngày 30
tháng 7 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định các khoản thu phục vụ, hỗ
trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa
bàn tỉnh Đồng Nai;
7. Thực hiện Thông báo số 108-TB/VPTU ngày 03 tháng
3 năm 2022 của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tại buổi làm việc với tập thể Ban Thường
vụ Huyện ủy Long Thành về công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội
đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện
Long Thành lần thứ XII và phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới.
II. SỰ CẦN THIẾT TĂNG CƯỜNG GIẢNG
DẠY TIẾNG ANH CHO HỌC SINH TỪ LỚP 3 ĐẾN LỚP 12
Ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh là ngôn ngữ được sử
dụng phổ biến và nhiều nhất trên thế giới, hay còn nói tiếng Anh là ngôn ngữ
chung của toàn cầu phục vụ trực tiếp trong công việc trước sự hội nhập của thế
giới. Tiếng Anh giúp việc giao tiếp thành công, tạo các mối quan hệ chất lượng
với các quốc gia trên thế giới, ngôn ngữ chung của nền công nghiệp và thay đổi
trong cuộc sống hàng ngày. Ngoại ngữ tạo điều kiện để cho các dân tộc trên thế
giới ngày càng hiểu và xích lại gần nhau hơn.
Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 của
Ban Chấp hành Trung ương xác định: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu,
là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư
phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển
kinh tế - xã hội”.
Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục
quốc dân giai đoạn 2008 - 2020” được của Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết
định số 1400/QĐ-TTg ngày 30 tháng 9 năm 2008, với mục tiêu: “Đổi mới toàn diện
việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, triển khai chương
trình dạy và học ngoại ngữ mới ở các cấp học, trình độ đào tạo, nhằm đến năm
2020 đạt được một bước tiến rõ rệt về trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ của
nguồn nhân lực, nhất là đối với một số lĩnh vực ưu tiên. Đến năm 2020, đa số
thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực
ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi
trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa; biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của
người dân Việt Nam, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Thông báo số 108-TB/VPTU ngày 03 tháng 3 năm 2022 của
đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tại buổi làm việc với tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy
Long Thành; trong đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Ban Thường vụ Huyện ủy tập
trung đào tạo, phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực huyện gắn với
nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển, quan tâm
nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ và có kế hoạch tăng tiết cho học sinh học
ngoại ngữ 6 tiết/tuần.
Sau hơn 10 năm thực hiện Quyết định số 1400/QĐ-TTg
ngày 30 tháng 9 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ và 5 năm triển khai Quyết định
số 2080/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết
quả đáng khích lệ, tạo được sự chuyển biến tích cực về cả số lượng người học lẫn
chất lượng dạy và học ngoại ngữ. Tuy nhiên, trước thực trạng học sinh Đồng Nai
chưa tự tin giao tiếp và tỷ lệ học sinh có thể nghe, nói tiếng Anh đạt mức bậc
2 (A2) trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam và Quốc tế còn
thấp (theo thống kê số lượng học sinh của tỉnh tham gia thì đạt chứng chỉ Quốc
tế: Ket, Pet, TOEFL, IELTS năm học 2021 - 2022: 320 học sinh; năm học 2022 -
2023: 331 học sinh); phần lớn các cơ sở giáo dục ở vùng có kinh tế khó khăn
chưa chủ động việc tăng cường dạy ngoại ngữ vì vướng một số trở ngại trong cơ
chế, chính sách về công tác xã hội hóa, môi trường thúc đẩy dạy và học ngoại ngữ.
Điều này một phần ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo ngoại ngữ của ngành giáo dục
cũng như cơ hội tìm việc làm của người lao động trong tương lai. Hơn nữa, nhu cầu
sử dụng ngoại ngữ của người dân, của nguồn lao động trẻ rất lớn do có nhiều cơ
hội làm việc, hợp tác kinh tế với nước ngoài khi có sân bay quốc tế Long Thành.
Tỉnh Đồng Nai đang có xu hướng đầu tư mạnh vào việc nâng cao chất lượng giáo dục
nói chung và việc dạy học ngoại ngữ trong nhà trường phổ thông nói riêng theo
cách làm thiết thực và cụ thể dựa trên điều kiện thực tế của tỉnh.
Vì vậy, để thực hiện mục tiêu đề ra theo Quyết định
số 2080/QĐ-TTg ngày 22 tháng 12 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời đáp
ứng yêu cầu đổi mới giáo dục theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04
tháng 11 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương phù hợp với đặc thù của tỉnh Đồng
Nai cũng như thực hiện chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tại Thông báo số
108-TB/VPTU ngày 03 tháng 3 năm 2022 thì việc xây dựng Đề án về tăng cường giảng
dạy tiếng Anh trong các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh là một nhiệm vụ cấp
bách và cần thiết trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và hội nhập
quốc tế.
III. THỰC TRẠNG DẠY HỌC NGOẠI NGỮ
- TIẾNG ANH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HIỆN NAY
1. Tình hình trường, lớp, số học sinh học tiếng
Anh và số giáo viên, năng lực giáo viên
a) Tiểu học
Tổng số trường dạy tiếng Anh: 288/288, trong đó:
- Số trường dạy tiếng Anh đủ 4 tiết/tuần cho 100% học
sinh lớp 3 là 288/288 trường, tỷ lệ: 100%.
- Số học sinh lớp 4 học từ 4 tiết/tuần trở lên:
25.262/46.922.140 học sinh, tỷ lệ: 54%.
- Số học sinh lớp 5 học từ 4 tiết/tuần trở lên:
28.855/52.597 học sinh, tỷ lệ: 55%.
- Tổng số giáo viên tiếng Anh Tiểu học là: 675,
trong đó có 492 giáo viên đạt chuẩn (vượt chuẩn) theo khung năng lực ngôn ngữ 6
bậc quy định, chiếm tỷ lệ: 72,9% và 375/675 (tỷ lệ 55,6%) giáo viên đã tham gia
và hoàn thành đợt bồi dưỡng phương pháp sư phạm, ứng dụng công nghệ thông tin
vào dạy học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
b) Trung học cơ sở
- 100% học sinh THCS trên địa bàn tỉnh Đồng Nai học
tiếng Anh từ năm lớp 6 và học theo chương trình tiếng Anh 7 năm, 10 năm do Bộ
Giáo dục và Đào tạo quy định.
- Từ năm học 2012 - 2013 đến năm học 2021 - 2022,
đã tổ chức triển khai dạy học tiếng Anh theo chương trình mới (10 năm) cho học
sinh từ lớp 6 đến lớp 9 của 175 Trường THCS.
- Số học sinh lớp 6,7,8 học 3 tiết/tuần:
141.076/141.076 học sinh, tỷ lệ: 100%.
- Số học sinh lớp 9 học 3 tiết/tuần: 6.408/44.091 học
sinh, tỷ lệ: 14,5%.
- Số học sinh lớp 9 học 2 tiết/tuần: 37.683/44.091
học sinh, tỷ lệ: 85,5%.
- Tổng số giáo viên tiếng Anh THCS là: 854 giáo
viên, trong đó có 712 giáo viên đạt chuẩn và vượt chuẩn theo khung năng lực
ngôn ngữ 6 bậc quy định, chiếm 83,4% và 312/854 (tỷ lệ 36,5%) giáo viên đã tham
gia và hoàn thành đợt bồi dưỡng phương pháp sư phạm, ứng dụng công nghệ thông
tin vào dạy học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
c) Cấp Trung học phổ thông
- 100% học sinh THPT trên địa bàn tỉnh Đồng Nai học
tiếng Anh từ năm lớp 10 và học theo chương trình tiếng Anh 7 năm, 10 năm do Bộ
Giáo dục và Đào tạo quy định.
- Từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2021 - 2022,
đã tổ chức triển khai dạy học tiếng Anh theo chương trình mới (10 năm) cho học
sinh lớp 10 học 3 tiết/tuần tại 07 trường (Trường THPT Ngô Quyền, THPT Trấn Biên,
THPT Long Thành, THPT Long Khánh, THPT Xuân Lộc, THPT Thống Nhất A và THPT Thống
Nhất), với 6.628/65.365 học sinh tham gia, tỷ lệ 10%.
- Số học sinh lớp 10,11,12 học 3 tiết/tuần:
65.365/65.365 học sinh, tỷ lệ 100%.
- Tổng số giáo viên tiếng Anh THPT là: 545, trong
đó có 473 giáo viên đạt chuẩn và vượt chuẩn theo khung năng lực ngôn ngữ 6 bậc
quy định, chiếm 86,8% và 134/545 (tỷ lệ 24,6%) giáo viên đã tham gia và hoàn
thành đợt bồi dưỡng phương pháp sư phạm, ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học
theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Tình hình việc dạy và học tiếng Anh sử dụng kỹ
năng nghe và nói trong nhà trường
Học sinh phổ thông trong tỉnh đã được học tiếng Anh
từ lớp 3 đến lớp 12 từ 3 tiết/tuần, riêng lớp 9 học sinh học tiếng Anh 2 tiết/tuần
vì hầu hết lớp 9 còn đang thực hiện chương trình theo Quyết định số
16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05/5/2006 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đề thi tốt nghiệp
trung học phổ thông lớp 12 không có kỹ năng nghe và nói nên phần nào có ảnh hưởng
đến chất lượng kỹ năng nghe và nói. Do đó, đa số học sinh sau khi hoàn thành
chương trình lớp 12 chưa tự tin sử dụng tiếng Anh như một công cụ giao tiếp
thông qua 02 kỹ năng nghe, nói nhằm đáp ứng các nhu cầu giao tiếp cơ bản và trực
tiếp trong những tình huống gần gũi và thường nhật.
Tỷ lệ học sinh đạt bậc 2 trở lên về kỹ năng nghe,
nói tiếng Anh theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho người Việt Nam và Quốc
tế còn thấp.
IV. MỤC TIÊU, PHẠM VI THỰC HIỆN
1. Mục tiêu chung
Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng dạy và học
ngoại ngữ trong các trường phổ thông tỉnh Đồng Nai, đặc biệt là các kỹ năng
nghe và nói tiếng Anh cho học sinh nhằm giúp cho các em tự tin hơn trong giao
tiếp và sử dụng tiếng Anh sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông; trong đó chú
trọng đến việc xã hội hóa việc dạy và học ngoại ngữ góp phần thực hiện thành
công Đề án ngoại ngữ quốc gia và năng lực hội nhập quốc tế của học sinh Đồng
Nai.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Nâng cao hiệu quả chất lượng chương trình của Giáo
dục Phổ thông 2018 và chương trình hiện hành trong các nhà trường thông qua việc
dạy tiếng Anh tăng cường.
b) Tạo môi trường giao lưu, trao đổi, học hỏi cho học
sinh nhằm tăng cường kỹ năng nghe, nói qua việc liên kết với các trung tâm ngoại
ngữ, các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện theo quy định.
c) Phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 60 trường phổ
thông trong tỉnh triển khai liên kết dạy kỹ năng nghe, nói với giáo viên nước
ngoài bằng hình thức trực tiếp, trực tuyến; kết hợp trực tiếp và trực tuyến hay
phần mềm có bản quyền.
d) Phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 1.200 học sinh
phổ thông trong tỉnh có đủ năng lực nghe và nói đạt từ bậc 2 trở lên theo Khung
năng lực ngoại ngữ 6 bậc để tự tin, mạnh dạn sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp
và tham gia vào các hoạt động giao lưu, học tập, trải nghiệm, hội nhập quốc tế.
3. Phạm vi thực hiện
a) Việc tăng cường dạy và học tiếng Anh được triển
khai ở những trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông có nhu cầu
và đáp ứng cơ sở vật chất tối thiểu phục vụ dạy và học ngoại ngữ theo quy định.
b) Các cơ sở giáo dục triển khai phải dựa trên cơ sở
tự nguyện và đồng thuận của học sinh, phụ huynh học sinh.
V. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Tăng cường dạy, học tiếng
Anh với giáo viên nước ngoài (đến từ những nước ngôn ngữ hành chính là tiếng
Anh)
a) Hình thức tổ chức: Dạy tăng cường tiếng Anh trực
tiếp, trực tuyến hoặc kết hợp trực tiếp với trực tuyến với giáo viên nước ngoài
(có trợ giảng người Việt Nam nếu cần).
b) Nội dung: Dạy tăng cường, bổ trợ theo chương
trình chính khóa của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc dạy theo nội dung, chương
trình đáp ứng nguyện vọng của phụ huynh, học sinh (dạy nghe, nói, ôn luyện
IELTS, TOEFL,...) được Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm duyệt theo quy định.
2. Tăng cường dạy, học tiếng
Anh với giáo viên trong nước
a) Hình thức tổ chức: Dạy tăng cường tiếng Anh trực
tiếp với giáo viên trong nước.
b) Nội dung: Dạy tăng cường, bổ trợ kỹ năng nghe,
nói theo chủ đề, chủ điểm trong chương trình chính khóa của Bộ Giáo dục và Đào
tạo hoặc chương trình, nội dung được Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm duyệt theo quy
định.
3. Dạy, học tiếng Anh theo phần
mềm có bản quyền
a) Hình thức tổ chức: Dạy tăng cường tiếng Anh với
giáo viên nước ngoài hoặc Việt Nam có phần mềm hỗ trợ; khuyến khích học sinh
mua phần mềm tự học.
b) Nội dung: Dạy tăng cường, bổ trợ theo chương
trình chính khóa của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc chương trình, nội dung được Sở
Giáo dục và Đào tạo kiểm duyệt theo quy định.
4. Kiểm tra, đánh giá năng lực
tiếng Anh cho học sinh
a) Hình thức tổ chức: Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp
các đơn vị liên quan đánh giá năng lực tiếng Anh, tổ chức cho học sinh toàn tỉnh
có nhu cầu kiểm tra, đánh giá trên tinh thần xã hội hóa và hoàn toàn tự nguyện.
b) Nội dung: Đánh giá năng lực tiếng Anh theo Khung
năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (ban hành kèm theo Thông tư số
01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)
hoặc theo Khung năng lực ngoại ngữ 06 bậc của Châu Âu (CEFR) theo chuẩn IELTS,
TOEEFL, Cambridge.
VI. LỘ TRÌNH VÀ KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Lộ trình thực hiện: từ năm học 2022 -
2023.
2. Kinh phí thực hiện Đề án
a) Kinh phí thực hiện việc tăng cường dạy và học
ngoại ngữ bằng hình thức xã hóa có sự thỏa thuận giữa phụ huynh học sinh và nhà
trường theo Nghị quyết số 05/2021/NQ-HĐND ngày 30 tháng 7 năm 2021 của HĐND tỉnh
quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường
đối với các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
b) Đóng góp của phụ huynh, học sinh: Các cơ sở giáo
dục, các đơn vị liên kết với nhà trường xây dựng Đề án học phí cụ thể phù hợp với
chương trình giảng dạy và thực tế của địa phương, có sự đồng thuận của phụ
huynh, người học. Các Phòng Giáo dục và Đào tạo thẩm định việc thu, chi tiền của
học sinh ở các trường Tiểu học, Trung học cơ sở theo quy định. Sở Giáo dục và
Đào tạo thẩm định việc thu, chi tiền của học sinh ở các trường Trung học phổ
thông theo quy định.
c) Các nguồn kinh phí tài trợ hợp pháp khác theo
quy định của pháp luật.
VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Giáo dục và Đào tạo
a) Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, đơn vị, địa
phương liên quan tổ chức triển khai thực hiện Đề án theo quy định.
b) Theo dõi, đánh giá và định kỳ hàng năm báo cáo
UBND tỉnh kết quả thực hiện, đề xuất các biện pháp để chỉ đạo, giải quyết kịp
thời các vướng mắc phát sinh, đảm bảo hiệu quả của Đề án.
c) Hướng dẫn các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường
Trung học phổ thông lựa chọn các đơn vị, trung tâm ngoại ngữ có đủ năng lực, đảm
bảo tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật, các quy định, hướng dẫn của
Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh để liên kết giảng dạy tiếng Anh.
d) Phối hợp và lựa chọn các tổ chức, đơn vị cung cấp
tình nguyện viên có uy tín, đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật
giảng dạy tiếng Anh tại các trường ở khu vực nông thôn có điều kiện khó khăn.
đ) Hàng năm, hướng dẫn các cơ sở giáo dục báo cáo kết
quả thực hiện Đề án; thẩm định kế hoạch, chương trình, nội dung hợp tác giữa
nhà trường và đơn vị phối hợp trước khi triển khai.
e) Thường xuyên theo dõi, thanh tra, kiểm tra, giám
sát về chuyên môn đối với việc tổ chức tăng cường giảng dạy tiếng Anh tại các
nhà trường; đánh giá kết quả của Đề án; kịp thời chấn chỉnh và xử lý những vi
phạm của đơn vị liên quan và nhà trường.
2. Sở Tài chính
Phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm tra, hướng dẫn
các cơ quan, đơn vị thực hiện theo quy định của pháp luật về xã hội hóa trong
việc thực hiện Đề án.
3. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội
Chủ trì, phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc
cấp giấy phép lao động đối với giáo viên nước ngoài và các nội dung liên quan
theo quy định.
4. Công An tỉnh
Phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo và các sở, ban,
ngành, địa phương liên quan trong việc quản lý, theo dõi hoạt động giảng dạy của
giáo viên tại các đơn vị trường học đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của
pháp luật.
5. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh
và Truyền hình, Báo Đồng Nai
Phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tuyên truyền
sâu rộng nội dung Đề án tới cán bộ, đảng viên, giáo viên, học sinh, cha mẹ học
sinh và các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia thực hiện Đề án.
6. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
a) Chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Văn hóa
và Thông tin đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin kịp thời đến
toàn xã hội, đặc biệt là giáo viên, học sinh và cán bộ quản lý giáo dục về mục
đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tăng cường giảng dạng tiếng Anh trong
các cơ sở giáo dục phổ thông.
b) Chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch
và triển khai thực hiện kế hoạch; thẩm tra, xác nhận kế hoạch tăng cường dạy tiếng
Anh của các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý, báo cáo về Sở Giáo dục và Đào
tạo thẩm định trước khi triển khai.
c) Chỉ đạo theo dõi hoạt động giảng dạy của giáo
viên tại các đơn vị trường học đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
d) Kịp thời chấn chỉnh, đôn đốc, xử lý những đơn vị
không thực hiện đúng quy định pháp luật. Đồng thời, biểu dương kịp thời những tập
thể, cá nhân điển hình trên địa bàn cấp huyện.
7. Các cơ sở giáo dục
a) Xây dựng kế hoạch chi tiết báo cáo Sở Giáo dục
và Đào tạo thẩm định đối với các Trường Trung học phổ thông. Xây dựng kế hoạch
chi tiết báo cáo Phòng Giáo dục và Đào tạo thẩm định đối với các trường Tiểu học
và Trung học cơ sở trước khi triển khai thực hiện Đề án.
b) Thực hiện nghiêm các quy định của Bộ Giáo dục và
Đào tạo, Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo và Phòng Giáo dục và Đào
tạo trong việc thực hiện Đề án.
c) Tổ chức thực hiện chương trình liên kết có thu học
phí phải trên cơ sở đồng thuận của học sinh, phụ huynh học sinh và phải phối hợp
đơn vị liên kết xây dựng Đề án học phí chi tiết, phù hợp điều kiện thực tiễn địa
phương.
8. Các tổ chức thực hiện Đề án
a) Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật
trong quá trình triển khai thực hiện Đề án.
b) Đảm bảo chất lượng đội ngũ giáo viên, tài liệu,
phần mềm phục vụ dạy học và tổ chức thực hiện theo đúng kế hoạch đã ký kết với
các cơ sở giáo dục.
c) Chịu sự quản lý, kiểm tra, giám sát của Sở Giáo
dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo (đối với Tiểu học và Trung học cơ sở)
và các sở, ban, ngành liên quan./.