Quyết định 699/QĐ-UBND năm 2020 về phương án ứng phó thiên tai theo các cấp độ rủi ro thiên tai tỉnh Điện Biên

Số hiệu 699/QĐ-UBND
Ngày ban hành 20/07/2020
Ngày có hiệu lực 20/07/2020
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Điện Biên
Người ký Mùa A Sơn
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 699/QĐ-UBND

Điện Biên, ngày 20 tháng 7 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH PHƯƠNG ÁN ỨNG PHÓ THIÊN TAI THEO CÁC CẤP ĐỘ RỦI RO THIÊN TAI TỈNH ĐIỆN BIÊN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19/6/2013;

Căn cứ Nghị định số 160/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai;

Căn cứ Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg ngày 15/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai; Quyết định số 03/2020/QĐ-TTg ngày 13/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 1337/TTr-SNN ngày 14/7/2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Phương án ứng phó thiên tai theo các cấp độ rủi ro thiên tai tỉnh Điện Biên”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Mùa A Sơn

 

PHƯƠNG ÁN

 ỨNG PHÓ THIÊN TAI THEO CÁC CẤP ĐỘ RỦI RO THIÊN TAI TỈNH ĐIỆN BIÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 699/QĐ-UBND ngày 20 tháng 7 năm 2020 của UBND tỉnh Điện Biên)

I. GIỚI THIỆU CHUNG

1.1. Điều kiện tự nhiên và dân sinh - kinh tế - xã hội

- Điện Biên là tỉnh miền núi biên giới thuộc vùng Tây Bắc, cách thủ đô Hà Nội gần 500 km về phía Tây Bắc nằm ở toạ độ 20o 50’ ¸ 22o 36’ độ Bắc; 102o 12’ ¸ 103o 36’ độ kinh Đông; phía Bắc giáp tỉnh Lai Châu, phía Đông và Đông bắc giáp tỉnh Sơn La, phía Tây Bắc giáp tỉnh Vân Nam - Trung Quốc; phía Tây và Tây Nam giáp với nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào.

- Địa hình toàn tỉnh bị phân cắt mạnh bởi các dãy núi cao và khe suối sâu, độ dốc lớn (có tới trên 80% diện tích tự nhiên có độ dốc trên 25%), thảm phủ thực vật thấp (khoảng 40% diện tích tự nhiên), địa chất đất đá rời rạc không ổn định do các hiện tượng tạo sơn vò nát từ những kỷ cổ đại; là tỉnh có nhiều vết gãy địa chất còn đang hoạt động, nên các hiện tượng động đất vẫn thường xuyên xảy ra (từ năm 2016 trở lại đây có 37 trận động đất lớn, nhỏ ảnh hưởng đến địa bàn tỉnh Điện Biên, trận lớn nhất 4,3o Richter xảy ra ngày 09/01/2018 tại huyện Mường Ảng).

- Là địa bàn có sự hoạt động đan xen của các hiện tượng thời tiết giữa phía Tây và Đông - Đông Bắc, lượng mưa bình quân hàng năm lớn từ 1.700 mm đến 2.200 mm chỉ tập trung vào một số tháng mùa mưa (tháng 4-10), cao điểm từ tháng 6-8; sông suối có độ dốc lớn khi mưa xuống thoát nước nhanh dẫn đến lũ, lũ quét.

- Chính vì những yếu tố bất lợi nêu trên, hàng năm trên địa bàn tỉnh thường xảy ra các hiện tượng thiên tai như: Lũ, lũ quét, sạt lở đất, lốc, mưa đá, rét hại, động đất, hạn hán,... gây thiệt hại lớn đến cơ sở vật chất và tính mạng con người, chỉ tính từ năm 2010 trở lại đây (2010-2019) thiệt hại do thiên tai đã làm: 57 người chết, 73 người bị thương; 14.090 nhà ở bị thiệt hại; 28.370,72 ha lúa bị thiệt hại; 19.476 con gia súc, gia cầm các loại bị chết; 232 công trình thủy lợi, 27.052 m kênh mương bị hư hỏng do mưa, lũ, sạt lở đất; 105 công trình nước sinh hoạt bị hư hỏng do mưa, lũ; 3.702.536 m3 đất đá sạt lở lấp đường gây ách tắc giao thông; 129 cầu, cống các loại bị hư hỏng… ước tính thiệt hại 1.891,109 tỷ đồng.

- Về phân vùng: Điện Biên gồm có hai vùng chính là:

+ Vùng đồi núi: Bao gồm các huyện, thị xã: huyện Tủa Chùa, Tuần Giáo, Mường Ảng, Mường Chà, Mường Nhé, Nậm Pồ, Điện Biên Đông, thị xã Mường Lay và các xã vùng cao của thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên thường xuyên chịu tác động của các loại hình thiên tai như lốc, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, rét hại, sét đánh, động đất và hạn hán.

+ Vùng trũng thấp gồm: Lòng chảo Điện Biên (các phường, xã vùng thấp của thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên) địa hình tương đối thấp, thường bị ngập úng khi có mưa lớn xảy ra. Các hình thế gây mưa chủ yếu là do ảnh hưởng của áp thấp nóng phía tây kết hợp rãnh thấp trên cao; áp cao lục địa tăng cường kèm theo frông lạnh; rìa tây nam của áp cao cận nhiệt đới kết hợp với hội tụ gió trên cao. Các hình thế thời tiết nêu trên chi phối và ảnh hưởng khá mạnh đến lượng mưa và nền nhiệt độ tỉnh Điện Biên (Bình quân lượng mưa năm của tỉnh đạt từ 1.700 đến 2.200 mm).

- Tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 954.125,06 ha, trong đó có 588.973 ha (bằng 61,7% diện tích tự nhiên) thuộc lưu vực sông Đà là 1 trong 3 nhánh sông lớn của lưu vực sông Hồng; phần diện tích tự nhiên còn lại của tỉnh thuộc lưu vực sông Mã 223.281 ha (bằng 23,4 % diện tích tự nhiên) và thuộc lưu vực sông Mê Kông 141.871 ha (bằng 14,9 % diện tích tự nhiên).

- Tỉnh Điện Biên có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, 129 xã, phường, thị trấn; Theo thống kê năm 2019, dân số tỉnh Điện Biên gần 60 vạn người (mật độ dân số trên 60 người/km2) với 21 dân tộc sinh sống trong đó dân tộc Thái chiếm khoảng 38%, Mông chiếm khoảng 30%, Kinh chiếm khoảng 20% còn lại các dân tộc khác. Là tỉnh thuần nông, có 5 huyện nằm trong chương trình 30a của Chính phủ và 2 huyện được nhà nước hỗ trợ 70% áp dụng theo chương trình 30a.

[...]