Quyết định 1947/QĐ-UBND năm 2021 về Phương án ứng phó với một số loại hình thiên tai điển hình theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

Số hiệu 1947/QĐ-UBND
Ngày ban hành 02/08/2021
Ngày có hiệu lực 02/08/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Thọ
Người ký Nguyễn Thanh Hải
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1947/QĐ-UBND

Phú Thọ, ngày 02 tháng 8 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH PHƯƠNG ÁN ỨNG PHÓ VỚI MỘT SỐ LOẠI HÌNH THIÊN TAI ĐIỂN HÌNH THEO CẤP ĐỘ RỦI RO THIÊN TAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 16 tháng 6 năm 2013, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 06 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều;

Căn cứ Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai;

Căn cứ Quyết định số 02/QĐ-TWPCTT ngày 18 tháng 02 năm 2020 của Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai về việc ban hành Sổ tay hướng dẫn xây dựng phương án ứng phó tương ứng với các cấp độ rủi ro thiên tai;

Căn cứ Kế hoạch số 2336/KH-UBND ngày 09 tháng 6 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 153/TTr-SNN ngày 22 tháng 7 năm 2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Phương án ứng phó với một số loại hình thiên tai điển hình theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã; Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Phú Thọ và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Hải

 

PHƯƠNG ÁN

ỨNG PHÓ VỚI MỘT SỐ LOẠI HÌNH THIÊN TAI ĐIỂN HÌNH THEO CẤP ĐỘ RỦI RO THIÊN TAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1947/QĐ-UBND ngày 02 tháng 8 năm 2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ)

Phần I

TÌNH HÌNH CHUNG

I. Điều kiện tự nhiên và dân sinh - kinh tế - xã hội

1. Đặc điểm điều kiện tự nhiên

Phú Thọ là tỉnh trung du miền núi, phía Bắc giáp các tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang; phía Nam giáp tỉnh Hoà Bình; phía Đông giáp tỉnh Vĩnh Phúc và thành phố Hà Nội; phía Tây giáp tỉnh Sơn La. Diện tích tự nhiên của tỉnh là 353.455,61 ha, trong đó: diện tích đất nông nghiệp 296.930 ha, đất phi nông nghiệp 53.944,46 ha và đất chưa sử dụng 2.581,15 ha. Tỉnh có 13 đơn vị hành chính (11 huyện, 01 thành phố và 01 thị xã) và 225 xã, phường, thị trấn1.

Địa hình tỉnh Phú Thọ bao gồm vùng núi cao phía Tây và Nam của tỉnh; vùng gò, đồi thấp bị chia cắt nhiều, xen kẽ là đồng ruộng và dải đồng bằng ven sông Hồng, hữu sông Lô.

Phú Thọ nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình năm khoảng 23°C, lượng mưa trung bình trong năm khoảng 1.600 mm - 1.800 mm. Độ ẩm trung bình tương đối lớn, khoảng trên 80%.

Hệ thống sông ngòi có 3 sông lớn chảy qua là sông Đà, sông Lô, sông Thao. Trong đó: Sông Đà có chiều dài 43,5 km, diện tích lưu vực 367,4 km2; các ngòi chính đổ ra sông Đà gồm ngòi Lạt, ngòi Cái, suối Rồng; Sông Thao có chiều dài 109,5 km, diện tích lưu vực 2.639,3 km2; các sông nhỏ, ngòi chính đổ vào sông Thao gồm ngòi Vần, ngòi Mỹ, ngòi Lao, ngòi Giành, ngòi Me, ngòi Cỏ, Sông Bứa, ngòi Mạn Lạn; sông Lô có chiều dài 73,5 km, diện tích lưu vực 502,8 km2; các sông nhỏ, ngòi chính đổ vào sông Lô gồm sông Chảy, ngòi Rượm, ngòi Dầu, ngòi Tiên Du, ngòi Tranh.

(Chi tiết tại Phụ lục I kèm theo)

2. Đặc điểm dân sinh, kinh tế - xã hội

[...]